Kết nối người tiêu dùng với nông dân
Trò chuyện với phóng viên, anh Đặng Trường Khanh - Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) nhận định: “Việt Nam vẫn là thị trường “phi thương mại” với mặt hàng nông sản vì hầu như loại nào cũng có, chất lượng thì “thượng vàng hạ cám”, do người nông dân chủ yếu quan tâm đến yếu tố sản lượng mà ít đầu tư chất lượng. Đây chính là nguyên nhân khiến nông sản nước ta dù xuất khẩu nhiều nhưng ít được người tiêu dùng thế giới biết đến”. Anh Khanh cũng cho biết, ngay từ ban đầu, công ty của anh đã luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, liên kết chặt chẽ với nông dân để cùng xây dựng thương hiệu cho ca cao Trọng Đức.
Anh Đặng Tường Khanh bên hệ thống máy làm rượu từ sản phẩm phụ của cây ca cao (cơm trái, nước…). Ảnh: Quốc Hải
Cụ thể, hiện công ty đang bao tiêu sản phẩm ca cao cho nông dân với tổng diện tích 400ha, trong đó có 146ha đạt chứng nhận UTZ (chứng nhận sản xuất bền vững). Đặc biệt, đầu năm 2016, sản phẩm chocolate của doanh nghiệp sẽ chính thức xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản - một thị trường khá khó tính về yêu cầu chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Chúng tôi không làm gia công thuần túy mà hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản cùng phát triển thương hiệu, theo đó logo, địa chỉ của công ty sẽ được ghi rõ trên bao bì sản phẩm. Người tiêu dùng thế giới có thể ngồi tại chỗ để truy nguyên nguồn gốc thanh chocolate này xuất xứ từ đất Đồng Nai, thậm chí có thể truy xuất cụ thể nông dân nào đã trồng ra trái ca cao đó” - anh Khanh khẳng định.
Đặc biệt, để tăng thêm lợi ích cho người nông dân, Trọng Đức cũng triển khai thêm chương trình kết nối người tiêu dùng với chính nông dân. Theo đó, khách hàng sẽ trả tiền trước để đặt mua từ nông dân cây ca cao theo từng vụ thu hoạch và trả thêm cho nông dân các khoản phí chăm sóc, phí quản lý.
“Nông dân có trách nhiệm làm theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn đã cam kết với khách là thường xuyên quay phim, chụp hình cập nhật cho khách hàng biết quá trình cây sinh trưởng, ra hoa, kết trái, thu hoạch... Công ty Trọng Đức sẽ chịu trách nhiệm chế biến hạt ca cao sau khi thu hoạch và cung cấp đến tận nơi cho khách” - ông Khanh cho biết thêm.
Được biết, hiện nay Trọng Đức đã có đơn đặt hàng theo hình thức này từ khách hàng người Nhật. Theo đó, những khách hàng này sẵn sàng trả các khoản chi phí và yêu cầu doanh nghiệp thiết kế chương trình để có thể tới tận vườn tham quan cây ca cao đã đặt hàng từ nông dân.
“Chất” như thương hiệu nho Ba Mọi
“Tôi nghĩ, nếu mình làm ăn thật thà với những sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cùng với việc kết hợp với kênh du lịch thì sẽ gặt hái được thành công trong việc tiếp thị nông sản sạch đến tận tay người tiêu dùng” Ông Nguyễn Văn Mọi |
Liên kết để xây dựng thương hiệu, cùng nhau mở rộng thị trường tiêu thụ cũng là cách mà một nông dân ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) đang theo đuổi. “Ba là tên của vợ, Mọi là tên tôi. Khi xây dựng thương hiệu, tôi nghĩ có thành danh hay không chủ yếu là ở uy tín, chất lượng và giá thành nên chỉ đơn giản ghép tên hai vợ chồng thành thương hiệu nho Ba Mọi. Nó giản dị giống như bưởi Năm Roi, sầu riêng Ri6 hay vũ sữa Lò Rèn vậy...” - ông Nguyễn Văn Mọi (thường gọi là Ba Mọi) giải thích đơn giản về tên thương hiệu “Nho Ba Mọi” của mình.
Hiện sản phẩm nho Ba Mọi đang chiếm thị phần khá lớn về sản phẩm nho sạch, chất lượng không thua gì nho ngoại trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng trái cây lớn.
Theo ông Ba Mọi, quá trình xây dựng thương hiệu “Nho Ba Mọi” cũng khá gian nan. Nhà có gần 1ha nho nhưng cứ đến vụ thu hoạch lại bị thương lái ép giá. Trăn trở vì điều này, ông Ba Mọi quyết tâm tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thị trường, ông mới biết người tiêu dùng ở thành phố yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng rất cao. Vì vậy, ông tìm đến các cơ sở chuyên xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận để học quy trình xử lý trái cây sạch, sau đó đến Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật TP.HCM tìm kiếm sự giúp đỡ.
Tại đây, ông được cán bộ trung tâm giúp mua một máy sản xuất nước Anolyt có tác dụng diệt khuẩn và các loại vi sinh vật bám trên trái nho, đồng thời có tác dụng giữ nho tươi lâu hơn. Trung tâm cũng giúp ông tìm các kênh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường TP.HCM.
Sau khi có đầu mối tiêu thụ và phương tiện kỹ thuật, ông Ba Mọi tiến hành đăng ký thương hiệu “Nho Ba Mọi” với Sở KHCN tỉnh Ninh Thuận. Để đảm bảo nguồn cung thường xuyên, ông liên kết với các hộ nông dân trong vùng để sản xuất nho an toàn và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với điều kiện: nho khi cắt phải được Chi cục Bảo vệ Thực vật kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độ brix (độ ngọt) phải từ 18 trở lên. Tỉ mẩn, cầu kỳ như thế nên đến nay, sản phẩm nho của ông được tiêu thụ rộng rãi khắp các siêu thị, cửa hàng trái cây lớn ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ngoài nho sạch, ông Ba Mọi còn đầu tư sản xuất rượu vang nho và được cấp bản quyền thương hiệu “Vang nho Phan Rang” với các loại vang trắng, đỏ, rượu ligueur và các sản phẩm từ trái nho như: Xirô, mật, mứt nho.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã