Các tổ chức tín dụng kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản...
Những chỉ đạo “nới lỏng” này của NHNN được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm chỉ tăng ở mức 3,52%, bằng 1/4 so với mục tiêu 12-14% của năm 2014. Mặc dù sức ép từ tăng trưởng tín dụng đang rất lớn, nhưng một số chuyên gia tài chính, ngân hàng cùng chung quan điểm ngân hàng không nên dễ dàng hạ chuẩn cho vay, bởi những bài học từ sự dễ dãi cho vay những năm trước đang khiến các ngân hàng phải trả giá.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lo ngại: Nhu cầu tài chính của doanh nghiệp vẫn rất lớn, nhưng các ngân hàng phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, phải xem xét tính khả thi của từng dự án. Đừng đi vào vết xe cũ, phải làm sao để mỗi đồng tiền tín dụng đi ra là đóng góp cho phục hồi, phát triển các doanh nghiệp.
Nguyên nhân của việc tín dụng tăng thấp, vốn không đến tay doanh nghiệp được các chuyên gia cho rằng: Do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh. Cùng với đó là do kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục đã tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam... Và quan trọng hơn nữa còn là do năng lực quản trị, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp còn yếu, dẫn đến việc thiếu các điều kiện để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Một trong những khó khăn lớn khi các doanh nghiệp muốn vay vốn của các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng là phải có tài sản thế chấp. Đại diện một NHTM trên địa bàn Hà Nội cho rằng: Các doanh nghiệp phải giữ chữ tín trong kinh doanh, đầu tư, bởi lẽ cho vay không cần tài sản bảo đảm (cho vay tín chấp) mà chủ doanh nghiệp không nghiêm túc trong cuộc sống, không tôn trọng các cam kết trong kinh doanh thì không có một điều kiện nào thay thế được và không có một ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào dám cho vay tín chấp.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu - tư vấn chuyên môn cho NH Xây dựng cho rằng: Ngân hàng cần phải “nằm vùng” cùng doanh nghiệp chứ không thể chỉ chăm chăm vào nắm chặt tài sản đảm bảo khi quyết định cho doanh nghiệp vay vốn. Miễn là họ có kế hoạch kinh doanh tốt, tài chính minh bạch... là có thể duyệt cho doanh nghiệp vay vốn.
Theo kết quả khảo sát 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp đang vay vốn để sản xuất kinh doanh là 49,5%; 50,5% còn lại không vay. Trong số 3.873 doanh nghiệp không vay vốn thì có 70,3% số doanh nghiệp trả lời không có nhu cầu vay; 22,9% cho rằng thủ tục phức tạp; 18,8% cho rằng lãi suất quá cao. |