Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã đề nghị, không tăng sản lượng nông sản để đảm bảo giá cả và thu nhập cho người nông dân.
Tăng trưởng thấp kỷ lục
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 2,36%, thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2014 (2,9%). Trồng trọt là lĩnh vực có tốc độ tăng thấp nhất (-1,08%), trong khi lại chiếm tỷ trọng cao nhất (50,7%) nên đã kéo tốc độ tăng của ngành xuống thấp; trong khi lâm nghiệp và chăn nuôi lại có tốc độ tăng cao hơn nhiều. Những tháng đầu năm, ngành trồng trọt bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình thời tiết cực đoan, bất thường như mùa đông ấm ở miền Bắc, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng, ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khả năng còn lan rộng ra nhiều khu vực khác.
Về xuất khẩu, có tới 5/12 mặt hàng hiện có giá và kim ngạch xuất khẩu giảm và đều là những mặt hàng chủ lực, đó là chè, cao su, gạo, cà phê, thủy sản, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng chỉ đạt trên 14,4 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Ngược lại, giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp 6 tháng lại tăng, ước đạt 11,36 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm cùng kỳ năm 2014. Điều này khiến thặng dư thương mại toàn ngành chỉ còn trên 3%, giảm tới trên 32% so với cùng kỳ năm 2014.
Thị trường nông sản trong nước cũng không khá khẩm hơn. Theo nhận định của Trung tâm Thống kê- Tin học (Bộ NNPTNT), trong tháng 6, giá lúa, gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có chiều hướng giảm do xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường chính tiếp tục gặp khó khăn, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng không khá hơn do cấm biên từ phía nước bạn. Dù Việt Nam trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo cho Philiippines trong cuộc đấu thầu ngày 16.6, nhưng không đủ tác động đến diễn biến giá do khối lượng quá nhỏ. Giá lúa tại ĐBSCL hiện chỉ còn phổ biến từ 4.000-4.2000 đồng/kg.
Đặc biệt, các mặt hàng rau quả, trái cây trong nửa đầu năm nay đã giảm mạnh. Từ tháng 6 đến nay, nhiều loại trái cây như thanh long trắng giá chỉ 5.000 đồng/kg, thanh long đỏ khoảng 10.000 đồng/kg; ổi miền Tây cũng chỉ 7.000 đồng/kg; dưa hấu Long An 6.000 đồng/kg; chôm chôm thường 10.000 đồng/kg… Nguyên nhân, theo Bộ NNPTNT, trong 6 tháng đầu năm, thời tiết khá thuận lợi cho việc phát triển nguồn cung trái cây trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam. Các loại trái cây ở miền Bắc, nhất là vải thiều hiện cũng đang có xu hướng giảm mạnh do bước vào vụ thu hoạch chính vụ.
Giảm sản lượng?
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, trong thời điểm hạn hán cao nhất có khoảng 122.000ha cây trồng ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ bị ảnh hưởng. Theo ước tính, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước đạt 3,112 triệu ha, giảm 4.300ha so với năm 2014, sản lượng ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 153.000 tấn. Với tình hình hạn hán hiện nay, các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị sẽ có khoảng 50.000ha không thể trồng được bất kỳ cây gì.
Với những địa phương vẫn còn khả năng có nước, Bộ NNPTNT đã bàn với các địa phương và Chính phủ cùng hỗ trợ để nông dân chuyển sang trồng cây trồng sử dụng ít nước như ngô, đậu đỗ, cỏ. Bởi nếu trồng lúa, mỗi ha cần 10.000m3 nước nhưng trồng ngô hay cỏ chỉ cần 3.000m3/ha...
Nói về nguyên nhân của việc tăng chậm lại trong ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định, hạn hán và thị trường là hai vấn đề lớn. "Lúa là một nửa ngành trồng trọt mà ngành trồng trọt lại chiếm khoảng 40% giá trị toàn ngành nông nghiệp nên giảm sản lượng lúa đã ảnh hưởng tới giá trị toàn ngành” - ông Phát nói.
Ông Phát cho rằng: "Do thị trường xuất khẩu khó khăn, nhất là cao su, thủy sản nên chúng tôi đề nghị không tăng sản lượng vì trong lúc khó khăn, tăng sản lượng có thể giúp GDP tăng cao nhưng thu nhập người dân sẽ bị ảnh hưởng”.
Theo ông Phát, định hướng trong lúc này sẽ là tập trung sản xuất những ngành có thị trường và lợi thế như cây ăn quả có múi hoặc một số cây còn thời vụ. Chẳng hạn như ngô là một trong những cây có thể tập trung sản xuất trong những tháng cuối năm bởi trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu khoảng hơn 3 triệu tấn.
Một điểm mấu chốt khác là hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Mặc dù cho rằng tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt ít nhất bằng năm ngoái, tức khoảng hơn 30 tỷ USD, nhưng lãnh đạo Bộ NNPTNT vẫn lưu ý phải chú ý tới thị trường. “Làm nông nghiệp thì tới vụ phải gặt, phải trồng, không đợi được, nên nếu hoạt động thương mại không kịp thì giá sẽ giảm"- ông Phát nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã