Năng suất, chất lượng tốt
Chị Phạm Thị Hiên (xã Tham Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) cho biết: "Nhà tôi trồng dưa cả chục năm nay, mấy năm gần đây nhờ được giới thiệu, tôi chuyển sang mua giống dưa lê Hoàng Hà để gieo trồng. Kết quả được mùa bội thu, dưa vừa ngon, quả thơm, mát, quá trình chăm sóc lại khá đơn giản không tốn nhiều phân tro, cây ít bị sâu bệnh".
Hoàng Hà là giống dưa lê chống chịu tốt với sâu bệnh và cho chất lượng quả ngon. |
Cũng theo chị Hiên, vì chất lượng tốt nên người tiêu dùng rất thích ăn. Dưa bán tận vườn có lúc còn "cháy" hàng. Thời điểm đắt nhất, giá dưa lê Hoàng Hà có thể lên tới 17.000 đồng/kg, lúc rẻ nhất cũng có giá từ 10.000- 12.000/kg. "Chất lượng ngon, quả đẹp cộng với giá thành không cao khiến người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhiều sạp hàng hoa quả lớn cũng đã nhận dưa lê Hoàng Hà để bán" - chị Hiên tiết lộ.
Không riêng gì chị Hiên, chị Nguyễn Thị Tuyết (xóm Chùa, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng có 5 sào đất màu đã chuyển sang trồng dưa lê Hoàng Hà. Chị Tuyết cho biết: “Dưa Hoàng Hà quả to, cùi dày, không bị thối gốc. So với giống dưa cũ thì năng suất gấp 2-3 lần, chất lượng cũng cao hơn”.
Theo tính toán, 1kg dưa lê Hoàng Hà cao hơn so với các loại dưa khác từ 2-3 giá. Trung bình mỗi sào thu hoạch được khoảng hơn 2 tấn dưa. Trừ các khoản chi phí về vốn... thì mỗi sào cũng thu được hơn 20 triệu đồng. Với khoảng 5 sào dưa, mỗi năm gia đình chị Tuyết thu về ngót nghét 100 triệu đồng. Hầu hết sản phẩm dưa lê Hoàng Hà sau khi thu hoạch sẽ được các thương lái đến mua ngay tại vườn. Chỉ số ít những dưa loại 2 sẽ được các hộ dân mang đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở Vân Trì (Đông Anh, Hà Nội).
Chống chịu tốt với sâu bệnh
Công ty Giống cây trồng Miền Nam là công ty tiên phong trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu giống cây trồng nông lâm nghiệp, nông sản, vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, công ty còn tham gia thiết kế, chế tạo, lắp đặt, xuất nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị chế biến hạt giống và nông sản cung ứng cho bà con nông dân trong cả nước. Hiện công ty đã nghiên cứu, chọn tạo được hơn 100 giống mới phù hợp với yêu cầu thị trường, đưa vào kinh doanh, phục vụ sản xuất. Điển hình là các giống dưa hấu lai An Tiêm, dưa leo Cuc 71, ớt cay 20, các giống bắp nếp lai MX2, MX4, MX10 là những giống lai được nông dân ưa chuộng do một đơn vị trong nước lai tạo. Gần đây nhất là giống cà chua “Năm tốt” VNS585, VNS 390 và dưa lê Hoàng Hà. |
“Dưa lê Hoàng Hà có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, năng suất cao. Đặc biệt là quả to đều (420- 440gr/quả), màu trắng xanh, thịt dày, ăn giòn, ngọt (khoảng 13-15 độ Brix), thơm. Quy trình chăm sóc cây khá đơn giản, thời gian trồng khoảng 55 - 60 ngày, trung bình mỗi cây ra từ 4-5 quả. Ngay khi dưa ra hoa đầu tiên, bà con nên thụ phấn và chọn quả để nuôi dưỡng (chỉ nên để khoảng 2 quả trên cây), để tăng năng suất và chất lượng dưa, ta nên phun thêm phân bón giàu kali qua lá” - kỹ sư Duẩn nói.
Tuy nhiên, một khó khăn lớn hiện nay chính là việc thiếu hụt một lượng lớn giống do cung không đủ cầu, việc sản xuất giống không đủ cung ứng cho bà con nông dân dẫn tới việc gieo trồng dưa chưa thường xuyên, liên tục.
Ông Phạm Quang Dương - Giám đốc chi nhánh Hà Nội - Công ty Giống cây trồng Miền Nam cho biết: “Trong năm 2013, công ty sẽ tập trung sản xuất đảm bảo cung ứng đủ giống dưa lê Hoàng Hà phục vụ nông dân gieo trồng”.
Kỹ thuật trồng dưa Hoàng Hà Dưa lê Hoàng Hà có kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng giống như các loại dưa lê khác, có thời gian sinh trưởng từ 55 - 60 ngày, thích hợp với nhiệt độ từ 18 - 32oC. Từ khi trồng đến ra hoa đậu trái khoảng 28-35 ngày, từ lúc đậu trái đến khi thu hoạch khoảng 20 - 25 ngày. Thời vụ gieo trồng có thể kéo dài từ giữa mùa xuân tới giữa mùa thu (trung tuần tháng 2 đến tháng 10 hàng năm). Đất trồng cần chọn chân cao, đất tốt, đất thịt nhẹ hay cát pha, đủ ẩm, song lại phải thật thoát nước, không úng và đảm bảo ánh sáng. Đất xấu, đất cát cần tăng thêm phân bón lót và tăng thêm lần bón thúc. Đất sét, đất thịt nên xới xáo nhiều hơn và bón tăng phân hữu cơ. Đặc điểm của dưa lê là cây cho cả hoa đực và hoa cái cùng kỳ trên thân, hoa cái của dưa lê có cả nhị đực, do đó hoa cái rất dễ thụ phấn và đậu quả. Tuy vậy, để có tỷ lệ quả loại 1 cao, nên chú ý bấm ngọn kịp thời, tỉa nhánh phụ và chỉ để 2 nhánh chính phát triển đồng thời chỉ giữ lại một quả trên mỗi nhánh chính (mỗi cây cho 2 quả, mỗi quả khoảng 420 - 450gr). Cách trồng 1. Nếu làm giàn, thì nên làm giàn theo kiểu hình chữ A và luống được đánh theo hướng đông tây để trong ngày cây dưa lê có điều kiện quang hợp tốt nhất. Luống đánh cao 30 - 35cm, rộng 1,2 - 1,5m, bổ rãnh hai hàng, cách nhau 60 - 70cm, bón phân vào rãnh, trộn đều với đất rồi san bằng và trồng mỗi cây một hốc, cách nhau 30 - 35cm. Khi cây có 6 - 7 lá thật thì bấm ngọn, để cây sinh các nhánh con, để lại 2 nhánh to khỏe nhất, còn lại bấm bỏ hết. Mỗi đốt lá đầu tiên sẽ cho một hoa cái, chủ động thụ phấn cho đậu quả, chọn quả đã đậu cân đối (từ nách lá 2 - 5), rồi thì giữ lại, tủa nhánh chồi để tập trung dinh dưỡng. Làm cách này cây tuy ít nhánh, ít quả, song thoáng cây, giảm sâu bệnh hại, giảm chi phí dinh dưỡng không hữu hiệu, cho quả loại 1, năng suất đảm bảo và hiệu quả kinh tế cao. 2. Nếu không làm giàn (dưa bò trên đất): * Trồng luống đôi: Đánh luống rộng từ 2,5 - 2,8m, bổ hốc ở hai mép luống (hốc cách hốc 35-40cm), mỗi hốc trồng 1 cây, bón phân lót trộn đất vào cào bằng. Khi bấm ngọn, sau lá thứ 5 thì bấm ngọn cho cây lên nhánh và chỉ giữ lại 2 nhánh to khỏe. Khi 2 nhánh con có 5-6 lá thì lại bấm ngọn cho mỗi nhánh mọc được 5 nhánh cháu thì lại bấm ngọn khi nhánh cháu được 5-6 lá. Mỗi cây được bấm ngọn khoảng 3 lần. * Trồng luống đơn: Đánh luống rộng 1,5m, bổ hốc ở giữa luống (hốc cách hốc 35-40cm), mỗi hốc trồng 1 cây, khi dưa 5-6 lá thì bấm ngọn, để 2 nhánh chính, hướng 2 nhánh về 2 phía luống, sau đó tỉa nhánh phụ, để nhánh con, cháu, chọn quả, bón phân, chăm sóc như cách trồng luống đôi. Phân bón Lượng phân cho 1ha dưa lê cần xung quanh 150kg N; 240kg lân; 180kg kali; 10 tấn phân chuồng. Chú ý đủ lượng phân kali vì nó làm tăng chất lượng quả dưa lê. - Bón lót hết toàn bộ lượng phân lân, phân chuồng (10 tấn/ha), vôi (1 tấn/ha). - Sau khi trồng ngoài đồng 5 ngày thì tưới gốc dưa với phân NPK hay DAP pha loãng 0,2%. Ba ngày sau tưới tiếp tục lần thứ 2. Có thể pha thêm thuốc Benlate-C vào phân để tưới trực tiếp nhằm ngừa bệnh cho cây dưa. - Bón thúc lần 1: Trước khi đậu trái khoảng 18 - 20 ngày sau gieo (NSG). - Bón thúc lần 2: Sau khi đậu trái (khoảng 30 - 35 NSG). - Bón bổ sung kali: Có thể phun phân bón vi lượng trực tiếp lên lá khoảng 5 -7 ngày trước thu hoạch, khoảng 48 - 50 NSG, để quả đẹp và chất lượng tốt. Tùy theo chân đất mà bón phân theo lượng hợp lý. Phòng trừ sâu bệnh - Cần lưu ý phòng trừ dòi đục trái đối với dưa lê. - Xử lý đất bằng thuốc để diệt nhộng ở trong đất. Khi bắt đầu đậu trái thì phun thuốc phòng trừ ruồi. Làm bẫy bằng thuốc Vidubon để dẫn dụ và diệt ruồi cái.Các trái thối bởi dòi đục thì tập trung đem chôn vào hố và rắc vôi lên trên để diệt trừ mầm hại cho vụ sau. |
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã