Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay đã có 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP.Hà Nội đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Các đại biểu, người dân tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành phố tại sân Thành ủy Hà Nội. Ảnh: M.H
Hiện các tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho Hà Nội. Hằng ngày, các chuỗi này cung cấp một số lượng đáng kể thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cho người tiêu dùng địa phương và một phần cung cấp cho thị trường Thủ đô.
Riêng thành phố Hà Nội đã duy trì và phát triển 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 36 chuỗi có nguồn gốc động vật và 44 chuỗi có nguồn gốc thực vật; thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 23 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn.
Giang trưng bày các loại rau an toàn của Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh. Ảnh: M.H
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, trong đó là một loạt hội thảo giới thiệu doanh nghiệp sản xuất chế biến, kinh doanh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, Lào Cai, Phú Thọ... về Hà Nội; tham gia Hội chợ Nông nghiệp - Thương mại vùng trung du miền núi phía Bắc tổ chức tại Thái Nguyên.
Tại hội chợ này đã trưng bày, giới thiệu gần 100 mặt hàng tiêu biểu của Thủ đô là các sản phẩm làng nghề, các giống cây đặc sản, sản phẩm rau củ quả an toàn...
Đặc biệt, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc xuất xứ, đã hỗ trợ xây dựng tem điện tử thông minh QR code cho sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm an toàn.
Sở cũng phối hợp với Công ty CP công nghệ và truyền thông tổ chức hội nghị giới thiệu ứng dụng "Chợ thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn TP.Hà Nội"...
Giang trưng bày các sản phẩm trứng gia cầm sạch của Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội. Ảnh: MH
Trong 6 tháng đầu năm, các tỉnh đã tổ chức cung cấp hàng loạt sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản về tận tay người tiêu dùng Thủ đô, được người dân tin tưởng đón nhận. Đơn cử như tỉnh Điện Biên với các sản phẩm chủ lực gồm bí xanh thơm, bí phấn thơm, rau bò khai; Vĩnh Phúc cung ứng 2.500 tấn rau củ quả, 3 triệu quả trứng gà, gà thịt 60 tấn, lợn thịt 500 tấn...; tỉnh Hòa Bình cung ứng khoảng 210 tấn rau các loại, hơn 34 tấn thịt lợn, 210 tấn cá sông Đà...
Đáng chú ý là bên lề hội nghị tổ chức sáng nay, các đại biểu, người dân Thủ đô đã được thăm quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn ngay tại sân Thành ủy Hà Nội, số 219 Trần Phú, Hà Đông.
Sản phẩm cá sông Đà được "rinh" nguyên con về giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: M.H
Ngoài việc giới thiệu các loại gạo đặc sản đóng gói, ngành nông nghiệp Yên Bái còn có cách giới thiệu đặc sản nếp nương Tú Lệ rất độc đáo bằng việc chế biến thành nhiều loại xôi bắt mắt, như xôi cẩm, xôi gấc, xôi mít..., khiến người dân tham quan vô cùng thích thú. Ảnh: M.H
Anh Nguyễn Huy Ba - Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi, thương mại và đầu tư Đoài Phương (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, là thành viên của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây, đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể “Gà Mía Sơn Tây”, HTX Đoài Phương là đơn vị đảm nhận nhiệm vụ phân phối, tiêu thụ sản phẩm con giống, trứng gà Mía, thịt gà Mía tươi của Hội. Toàn bộ số gà Mía đã sơ chế mang về hội nghị giới thiệu, trưng bày đã được bán hết ngay chỉ trong 2 tiếng đồng hồ sáng 3/8.
Những trái ổi tại gian trưng bày nông sản an toàn của tỉnh Hải Dương đã được khách tham quan mua hết bay...
Rau bò khai giá 50.000 đồng/bó, bí xanh thơm 30.000 đồng/quả. Đây là 2 sản phẩm chủ lực được HTX Sang Hà, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn mang về giới thiệu với người dân Thủ đô lần này. Ảnh: M.H
Các sản phẩm mật ong rừng tự nhiên của người dân Mộc Châu (tỉnh Sơn La) thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan. Ảnh: M.H
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ngành nông nghiệp Thủ đô kết hợp tổ chức hội nghị với tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu nông sản, thực phẩm và thu hút đông đảo người dân địa phương tới tham quan, mua sắm.
Cách làm này không chỉ khiến các hội nghị sơ kết, tổng kết của Sở NN&PTNT Hà Nội trở nên phong phú, hấp dẫn mà còn là dịp tốt để bà con nông dân, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình tới đông đảo người tiêu dùng.
Theo Minh Huệ (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã