Những năm gần đây, voọc gáy trắng là loài quý hiếm có trong Sách Đỏ thế giới IUCN và Việt Nam đang ở mức nguy cấp. Loài linh trưởng đặc hữu này sinh sống ở một số vùng núi đá vôi Việt Nam đang bị săn bắt tận diệt. Song ở vùng núi Thiết Sơn, Quảng Bình nằm sát khu dân cư, đàn voọc gáy trắng hàng trăm con đang sinh sôi ngày một nhiều hơn.
Đàn voọc gáy trắng ngày một sinh sôi nảy nở ở núi Thiết Sơn nhờ vào sự chăm sóc bảo vệ của ông Tú và những người dân địa phương.
Để bảo vệ đàn voọc khỏi sự truy đuổi, săn bắt và tác động đến đời sống của đàn voọc, hơn 6 năm qua, ông Nguyễn Thanh Tú ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa đã âm thầm theo dõi bước chân của đàn voọc để hỗ trợ, bảo vệ chúng giữa rừng già. Những việc làm của ông Tú mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
"Bà đỡ" của loài linh trưởng ở núi Thiết Sơn
Men theo con đường rừng quanh co chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thanh Tú. Hỏi đường mấy lần, người dân đều hỏi lại phải Tú "voọc" không? Biệt danh mấy năm gần đây đã gắn với ông Tú không chỉ ở vùng cát Quảng Bình.
Sinh năm 1962, gần 30 năm khoác màu xanh áo lính Bộ đội Biên phòng, gần 10 năm nay về hưu việc chính của ông Tú là gắn với đàn voọc quý hiếm ở núi Thiết Sơn quê nhà. Trong cơn gió Lào thổi quăng quật, bỏng rát, ông Tú dẫn chúng tôi đi tìm, xem loài linh trưởng quý hiếm này.
Nhấp ngụm nước suối cho dịu đi cái nóng ngày hè, ông Tú kể về cơ duyên gần 2.000 ngày qua ông gắn bó với đàn voọc. "Đầu năm 2012, tui vào leo lèn Hung Sú phát cây tạp để trồng cây sưa. Vào buổi trưa, trong lúc nằm nghỉ trên tảng đá thì nghe tiếng sột soạt trên lèn cao.
Nhìn lên thấy những chấm đen di chuyển trong lùm cây, rồi cứ dần tiến về phía mình. Ban đầu tui có phần hoảng sợ, nhưng sau khi chúng tiến lại gần thì tui nhận ra đó là loại voọc đen, má trắng, đuôi dài quý hiếm ở Việt Nam, bởi trước đây tui đã từng được dự các lớp tập huấn nhận diện các loài động vật đặc hữu, quý hiếm".
Từ ngày gặp đàn voọc những câu chuyện cảm động ông được nghe kể về đàn voọc từ tuổi ấu thơ, ký ức luôn dội về. Người làng ông kể, có người trong làng đi săn khi bắn rơi con voọc con, người đi săn chưa kịp đến lấy thì con voọc đực trong đàn đã lao xuống ôm con voọc con bị thương rồi kêu la thảm thiết chạy vào rừng.
Có người đặt bẫy làm con voọc mẹ mắc bẫy khi tìm đến thì chứng kiến cảnh voọc mẹ đang nặn sữa ra lá rừng để lại cho voọc con tìm đến uống, hoặc có lần người làng bắn chết voọc đầu đàn đem về làm thịt, tối đó cả đàn voọc không biết từ đâu tới kêu la thảm thiết quanh làng…
Ông Tú nhiều hôm mất ăn mất ngủ vì xem đài, báo địa phương đưa tin khi thì kiểm lâm bắt được xe chở voọc quý hiếm trái phép ở chỗ này, khi thì Công an bắt được người đưa voọc đi tiêu thụ ở chỗ khác... Quyết tâm phải bảo vệ đàn voọc, ông Tú nhắc nhở bản thân vậy.
Rồi ông tìm hiểu, hóa ra trước đây vùng núi đá vôi ở Thiết Sơn có rất nhiều voọc sinh sống. Về sau do đời sống cư dân trong vùng sôi động và phần lớn do nhiều người săn bắn nên voọc gần như trốn chạy khỏi nơi này, thời gian gần đây mới xuất hiện trở lại.
Ông Tú âm thầm theo dõi và biết các cá thể voọc mới xuất hiện ở núi đá vôi Thiết Sơn đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn. Ông quyết định bảo vệ đàn voọc theo cách của mình. Từ đó, sau cuối mỗi buổi sáng, ông Tú một mình đùm cơm bới nước lên núi tìm voọc.
Vợ con ông sinh nghi không hiểu ông Tú làm gì cứ leo lèn cao và ở đó một lúc lâu mới trở về nhà. Họ âm thầm theo dõi và khi biết được công việc của ông thì hết sức ủng hộ. Nhưng còn làng xóm, nhiều người chưa hiểu công việc của ông nên họ bảo ông Tú về hưu trở chứng bị hâm, sau mỗi lần leo núi đá Thiết Sơn về thường hay nghĩ ngợi.
Khi những cơn gió Lào thổi ràn rạt và mang hơi nóng phả vào ngọn núi Thiết Sơn, đó cũng là lúc, đàn voọc trên đỉnh Thiết Sơn đối mặt với sự khô hạn do thiếu nguồn nước. Nhiều con voọc liều mình đợi đêm xuống lén đến gần khu dân cư để tìm nước uống. Sợ đàn voọc gặp nguy hiểm, ông Tú đóng gùi, gùi nước lên đổ vào các hốc đá để voọc uống.
Có những đêm ông mò mẫm một mình lên rừng để tìm rồi gỡ những bẫy của thợ săn đặt để bảo vệ đàn voọc. Từ ngày ông Tú đứng ra bảo vệ đàn voọc, một số người làng cũng chung sức cùng ông. Thậm chí có thợ săn voọc khét tiếng trong vùng khi được ông Tú gặp động viên cũng bỏ săn bắt theo ông Tú đi bảo vệ voọc như anh Nguyễn Văn Hồng ở xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Anh Nguyễn Văn Hồng kể lại câu chuyện của chính mình: "Cách đây khoảng năm năm, sau một đêm tui đi săn về thì thấy nhà mình vẫn sáng đèn. Tưởng có chuyện gì tui chạy ngay vào nhà thì thấy ông Nguyễn Thanh Tú ngồi ở bàn nhìn ra chờ đợi. Thấy tôi, ông Tú mừng vui ra bắt tay giới thiệu rồi chuyện trò và thuyết phục tui không nên tiếp tục săn bắn voọc.
Nghe chưa hết chuyện, tui nói ông Tú về đi, việc tui, tui làm can cớ chi ông. Những ngày sau đó, ông Tú vẫn kiên trì lên nhà tui để khuyên nhủ nhưng tui đều không nghe bởi đây là nghề mà mình đã bao năm gắn bó ở chốn này. Nhưng trong một lần đi săn, tui bẫy được một con voọc đầu đàn, lúc đến gỡ bẫy thì thấy một bầy voọc hơn chục con vây quanh kêu thảm thiết.
Ông Nguyễn Thanh Tú cùng kiểm lâm và người dân địa phương đi kiểm tra, bảo vệ đàn voọc.
Ánh mắt của nhiều con voọc đỏ lừ như căm thù, như phản đối kẻ gây ra cái chết cho đồng loại, là tui. Mỗi lần chợp mắt thấy lại cảnh đó tui không khỏi rùng mình. Tui bắt đầu suy nghĩ về những lời ông Tú nói và từ bỏ luôn nghề đi săn".
Anh Hồng cho biết thêm, để tiếp cận và thu phục những thợ săn như anh, ông Tú "voọc" còn đóng vai người mua hàng tươi sống, lân la tiếp cận họ rồi tìm lời lẽ khuyên nhủ họ từ bỏ nghề. Ngoài anh Hồng ra, ở Tuyên Hóa còn có anh Sử, anh Nam cũng là những thợ săn lâu năm được được ông Tú thuyết phục bỏ nghề, tự nguyện chung sức cùng với đội bảo vệ, chăm sóc đàn voọc dù không có chút thù lao nào…
Cần sớm có khu bảo tồn đàn voọc
Vào mùa đông, đàn voọc xuống thường xuyên. Còn mùa hè nắng nóng như thế này thì chúng chỉ xuất hiện tầm khoảng 5 giờ 30 đến 9 giờ sáng sau đó lại nấp vào lùm cây tránh nắng.
Khi chúng tôi đang chìm đắm trong khung cảnh yên bình của núi rừng, từ trên ngọn cây chuyển động, đưa ống nhòm lên nhìn, chúng tôi thấy đàn voọc đang đu xuống tìm chồi lá non, quả cây rừng để ăn. Có nhiều con ngồi vắt vẻo trên mỏm đá mà không tỏ ra sợ sệt con người, thanh âm cuộc sống xung quanh.
Qua gần năm năm ông Tú kiên trì chăn đàn voọc đen gáy trắng (còn gọi là voọc Hà Tĩnh), từ chỗ chỉ có một đàn với khoảng hơn 10 con voọc đến nay trên khối lèn đá ở hai xã Thạch Hóa và Đồng Hóa có hơn một trăm cá thể. Sự phát triển về số lượng cá thể voọc gáy trắng ở Thạch Hóa đã thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Hồng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, công tác bảo vệ đàn voọc đang được giao cho cộng đồng dân cư hai xã Thạch Hóa và Đồng Hóa đảm nhận trên tinh thần tự nguyện. Song đó mới chỉ là trước mắt, còn lâu dài phải có một đề án bảo tồn loài động vật quý hiếm này một cách bài bản và dài hơi.
Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng phương án bảo tồn quần thể voọc gáy trắng. Từ đó, bước đầu hình thành Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc gáy trắng huyện Tuyên Hóa với diện tích 175 ha.
"Loài voọc gáy trắng sinh sống tại huyện Tuyên Hóa đang đối mặt với những thách thức lớn về vùng sống, nguồn thức ăn, các tác động gây ảnh hưởng trực tiếp như: săn bắn, xâm lấn sinh cảnh, khai thác đá, khai thác củi... Các áp lực trên dễ dẫn đến nguy cơ giảm số lượng loài rất cao. Vì vậy việc quy hoạch và xây dựng đề án bảo tồn loài và sinh cảnh đối với quần thể voọc gáy trắng hết sức cấp bách. Đề án thành lập khu bảo tồn đã được Chi cục Kiểm lâm trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai"- ông Phạm Hồng Thái nhấn mạnh.
Theo các nhà khoa học và chuyên gia về bảo tồn linh trưởng, đàn voọc gáy trắng quý hiếm sinh tồn, phát triển trên khối núi đá vôi bên cạnh cộng đồng dân cư, thân thiện với con người như ở xã Thạch Hóa và Đồng Hóa là vô cùng độc đáo, có một không hai.Có được điều đó là nhờ sự đóng góp rất to lớn của những người như ông Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Văn Hồng, ngày đêm miệt mài "vác tù và hàng tổng" bảo vệ vì sự bình yên và phát triển của đàn voọc gáy trắng quý hiếm.
Voọc gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecushatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, loài động vật hoang dã được bảo vệ tại phụ lục II, Công ước CITES 2008; nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP và trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, voọc gáy trắng là loài quý hiếm có trong Sách Đỏ thế giới IUCN và Việt Nam đang ở mức nguy cấp. Đây là loài linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi Việt Nam. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã