Vừa lúi húi kiểm tra tiến độ phục hồi của những vạt lúa bị chuột và bệnh đạo ôn cắn phá, lão nông Nguyễn Văn On ở thôn Thuận Hòa, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) vừa tranh thủ tìm bắt ốc bươu vàng khi phát hiện trên các cây cọc cắm quanh ruộng đỏ trứng ốc. "Có trứng nghĩa là có ốc bố mẹ, mình phải bắt cho được chúng chứ để gặp thời tiết thuận lợi, nó sinh đẻ rộ thì nguy. Phòng bệnh hơn chữa bệnh mà", ông On cho hay. Cạnh bên, đám ruộng của bà Hồ Thị Lại trông xanh mướt nhưng vẫn nhận được sự chăm sóc đặc biệt.
Kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa nhưng nông dân đừng quên tìm bắt ốc bươu vàng khi phát hiện chúng có mặt ở ruộng. |
Lý giải điều này, bà Lại cho rằng lâu nay, vì chủ quan là trứng và ốc bươu vàng con đã bị loại bỏ ngay từ đầu vụ nên giờ chỉ tập trung diệt trừ chuột, sâu bệnh mà quên đối tượng này. Thế nên khi thấy trên bao ni lông bọc quanh ruộng để xua đuổi chuột xuất hiện trứng đỏ, bà mới sực nhớ đến tập tính "ăn mạnh, đẻ nhanh, chóng lớn" của loài ốc bươu vàng. Ấy vậy nên mấy hôm nay, bà Lại tăng cường thăm ruộng để vừa kiểm tra tình hình phát triển cây lúa, vừa tìm diệt ốc bươu vàng.
Còn ở xã Đức Phong (Mộ Đức), ốc bươu vàng cũng có mặt rải rác trên các đồng ruộng. Do đó, dù bận rộn với các đối tượng sâu bệnh nhưng nông dân nơi đây vẫn dành thời gian cho ốc bươu vàng. Vì đây là vùng ngập trũng nên rất thích hợp để ốc bươu vàng sinh sống và phát triển. Do đó, cứ thấy mặt nó là phải diệt liền, vừa nói, lão nông Nguyễn Long ở thôn Vân Hà vừa chỉ bịch ni lông đang chứa chục con ốc bươu vàng vừa bị ông tóm gọn.
Tuy nhiên, theo ông Long thì không phải dễ nhận ra sự có mặt của đối tượng này trên ruộng, nhất là vào thời điểm lúa đang phát triển như hiện nay nếu không nhờ… mấy cái cọc! Bởi đó là giá thể để ốc bươu vàng tìm đến ẩn nấp và đẻ trứng. Không riêng gì ông Long mà nhiều nông dân cũng nghĩ rằng, ốc bươu vàng chẳng còn đáng ngại vì đã bị truy diệt, mất khả năng lây lan và gây hại cho cây trồng trên diện rộng. Điều này dễ khiến họ chủ quan, bỏ qua sự có mặt nhỏ lẻ của ốc bươu vàng.
Theo ông Phạm Bá - Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh thì: "Không thể diệt sạch hoàn toàn ốc bươu vàng. Chúng vẫn tồn tại, âm thầm phát triển ở ao, hồ, đầm, mương dẫn nước và ruộng thấp trũng. Do đó, nếu không thường xuyên quan tâm và diệt trừ thì khi gặp thời tiết thuận lợi, chúng rất dễ bùng phát và sẽ gây ra "thảm họa" ốc bươu vàng như đã từng xảy ra vào những năm 90". Có lẽ vì lý do này nên dù đã bị khống chế, địa bàn hoạt động thu hẹp nhưng ốc bươu vàng vẫn được liệt vào danh sách những đối tượng gây nguy hiểm tiềm ẩn cho lúa và các loại rau màu.
Do đó, theo khuyến cáo của Chi cục BVTV tỉnh thì khi thăm ruộng, nếu phát hiện sự có mặt của ốc bươu vàng thì nông dân phải tìm bắt, hoặc đóng cọc xung quanh ruộng, tạo rãnh nước để thu hút ốc bưu vàng đến đẻ nhằm tiêu diệt trọn trứng lẫn ốc trưởng thành. Đồng thời, chính quyền các địa phương phải thường xuyên phát động phong trào toàn dân ra quân diệt ốc bươu vàng, tập trung ở các vùng đầm, kênh rãnh, ruộng trũng… để tránh trường hợp "nước đến chân mới chạy" bởi loài này có khả năng di cư và lây lan với tốc độ rất nhanh.
Bài, ảnh: MỸ HOA
Nguồn:baoquangngai.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã