Đề nghị tiếp nhận nông dân trẻ của VN
HTX ở Nhật Bản được hình thành từ năm 1843 nhằm phục vụ các hoạt động tín dụng của nông dân, khi đó chưa có tổ chức hình mẫu về HTX nông nghiệp.
Ông Atshio Mastsuda - Giám đốc Viện rau hoa quả Nhật Bản giới thiệu về hệ thống canh tác ứng dụng công nghệ cao với đoàn công tác Hội NDVN. Ảnh: X.Đ
Chuyến công tác tại Nhật Bản đã thành công tốt đẹp, giúp đoàn công tác và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu cho Đảng để hoạch định đúng đắn chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. |
Liên minh HTX nông nghiệp Nhật Bản (JA) được thành lập năm 1962, với 3 cấp là trung ương, tỉnh và cơ sở. Các hoạt động của JA được quy định bởi Luật HTX nông nghiệp và nhiều luật chuyên ngành. Chức năng của JA là đào tạo nâng cao năng lực sử dụng công nghệ trong nông nghiệp; phát triển và mở rộng diện tích đất nông nghiệp, chú trọng công tác thủy lợi, hướng dẫn lập trang trại, vận động các thành viên liên kết tập trung đất đai; nghiên cứu thị trường, bảo quản và vận chuyển nông sản. JA cũng có chức năng cung cấp vật tư cho sản xuất nông nghiệp và các hàng hóa thiết yếu phục vụ nông dân; thành lập và quản lý quỹ phục vụ sản xuất nông nghiệp; cung cấp các dịch vụ bảo hiểm; sản xuất phân bón; chế biến các sản phẩm nông nghiệp; cung cấp phúc lợi công cộng; đại diện và bảo vệ quyền lợi của nông dân; mở rộng các hoạt động văn hóa…
Tại Nhật Bản, Chính phủ để các HTX nông nghiệp hoạt độc lập, nhưng có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Các ngành, các cấp cũng được yêu cầu phải giúp đỡ HTX về vốn, kỹ thuật, tư liệu sản xuất… Các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều được JA đề xuất trực tiếp với Chính phủ thông qua tổng hợp đề xuất từ các liên đoàn, HTX thành viên, xã viên… Chính phủ Nhật Bản đặc biệt chú trọng hỗ trợ vốn xây dựng các kho chứa nông sản, kho bảo quản nông sản lạnh, chợ đầu mới nông sản, hệ thống bán buôn, bán lẻ nông sản…
Trong buổi làm việc với lãnh đạo JA, Chủ tịch Thào Xuân Sùng bày tỏ sự quan tâm đối với tổ chức, hoạt động của tổ chức này, đặc biệt mối quan hệ giữa JA và Chính phủ Nhật Bản.
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam và Nhật Bản có rất nhiều nét tương đồng, những kinh nghiệm phát triển HTX nông nghiệp của Nhật Bản rất hữu ích và có thể áp dụng tại Việt Nam. Đồng chí Thào Xuân Sùng đề nghị JA chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phát triển HTX nông nghiệp, tổ chức các hoạt động dịch vụ và tham gia xây dựng chính sách với Hội NDVN thông qua các buổi hội thảo, tập huấn, trao đổi đoàn.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo JA, người đứng đầu Hội NDVN cũng đề nghị JA hợp tác tiếp nhận thực tập sinh là nông dân trẻ Việt Nam sang làm việc tại các HTX của Nhật Bản để vừa học kỹ thuật, vừa học về quản lý, đồng thời giúp đào tạo cán bộ trẻ cho Hội NDVN. Các doanh nhân, nông dân trẻ của Việt Nam đang tích cực chuẩn bị tâm thế chủ động, vững vàng để khởi nghiệp nghiêm túc, đúng hướng đi, thực sự sáng tạo, quyết tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững, cạnh tranh và hội nhập…
Ông Takeshi Kanai - Phó Chủ tịch thường trực JA cảm ơn và đánh giá cao các đề xuất của Chủ tịch Thào Xuân Sùng và đoàn công tác Trung ương Hội NDVN. Ông cho biết sau chuyến thăm Việt Nam năm 2017, được tiếp xúc với Hội NDVN, ông thấy giữa 2 tổ chức có nhiều điểm tương đồng, có thể hợp tác với nhau trên nhiều khía cạnh. Ông Takeshi Kanai cũng thông báo, nhiều HTX nông nghiệp Nhật Bản đang tiếp nhận các thực tập sinh là con em nông dân Việt Nam sang lao động và học tập. Ông Takeshi Kanai nhất trí với Chủ tịch Thào Xuân Sùng về các nội dung có thể hợp tác trên cơ sở ký kết thỏa thuận hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định
Tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản, ông Takebe Tsutomo - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, Chủ tịch viện cho rằng chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển của nền nông nghiệp. Trong những năm qua, ông đã nỗ lực thúc đẩy việc đưa các thực tập sinh là con em nông dân của Việt Nam sang Nhật Bản trải nghiệm thực tế tại nông trại để học tập, tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm phát triển nông nghiệp. Ông Takebe Tsutomo chia sẻ: “Các thực tập sinh Việt Nam rất thông minh, làm việc chăm chỉ, tiếp thu kiến thức tốt. Tuy nhiên khi trở về Việt Nam rất khó áp dụng vì lãnh đạo trực tiếp của họ chưa hiểu nhiều về cách thức tổ chức, mô hình sản xuất nông nghiệp Nhật Bản…”.
Ông Takebe đồng tình với Chủ tịch Thào Xuân Sùng là phải tập trung đào tạo cán bộ trẻ để tạo nguồn lãnh đạo tương lai cho Việt Nam. Không chỉ đào tạo kỹ thuật mà còn phải đào tạo các kiến thức, kỹ năng về quản lý, vận hành. Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản dự kiến mỗi năm, ngoài việc tiếp tục đưa thực tập sinh là con em nông dân Việt Nam sang Nhật Bản lao động, học tập thì sẽ đào tạo khoảng 100 cán bộ, lãnh đạo trẻ cho Hội NDVN. Chủ tịch Thảo Xuân Sùng và ông Takebe nhất trí cùng nhau xây dựng đề án cụ thể trình Chính phủ 2 nước phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Ông Tsutomo Takebe cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Nhật Bản. Đó là không nhất thiết nơi nào cũng sản xuất theo quy mô lớn, mà điều quan trọng là phải biết khai thác lợi thế của từng địa phương. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng, nhưng Việt Nam không nên xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao một cách ồ ạt, nhanh chóng vì sẽ dẫn đến dư thừa lao động, tạo áp lực về mặt xã hội.
Ở Nhật Bản, doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư vào nông nghiệp phải hợp tác với nông dân thành lập doanh nghiệp để tránh tình trạng khi có lãi thì doanh nghiệp ở lại, khi lỗ thì doanh nghiệp bỏ nông nghiệp. Đất đai của Nhật Bản rất ít, nhiều nông dân Nhật Bản đã tích lũy được lượng vốn lớn, tương lai có thể sẽ đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, ông Tsutomo Takebe nhất trí với Chủ tịch Thào Xuân Sùng về việc đào tạo nguồn nhận lực trẻ cho Hội NDVN. Qua đó sẽ thúc đẩy cho đầu tư của nông dân, doanh nghiệp Nhật Bản và sẽ rất thuận lợi cho 2 bên hợp tác đầu tư sản xuất sản phẩm tại Việt Nam đưa về Nhật Bản hoặc xuất sang nước thứ 3. Ông Tsutomo cũng bày tỏ mong muốn có trang trại mang tên ông tại Việt Nam trong tương lai.
Tại buổi làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), ông Shinya Ejima - Giám đốc JICA đánh giá cao kết quả triển khai các chương trình, dự án của JICA tại Việt Nam. Hiện nay, JICA đang hỗ trợ triển khai dự án tại Nghệ An, Lâm Đồng, Hà Nội, TP.HCM và Đại học Cần thơ. Ông ủng hộ đề xuất của Chủ tịch Thào Xuân Sùng về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hội NDVN; xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trước đó, Chủ tịch Thào Xuân Sùng cùng đoàn công tác đã thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để tìm hiểu thêm về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn Nhật Bản, triển vọng hợp tác giữa 2 nước và giữa Hội NDVN với các tổ chức tương ứng của Nhật Bản.
Theo Nguyễn Xuân Định (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã