Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. (Ảnh I.T)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20 - 28.1.2016 được đánh giá là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại nhất trong năm 2016.
Về dự Đại hội XII của Đảng có 1.510 đại biểu và tổ chức thành 68 đoàn, trong đó có 197 đại biểu đương nhiệm, 1.300 đại biểu bầu cử và 13 đại biểu được chỉ định, tăng 133 đại biểu so với Đại hội XI của Đảng. Đây là Đại hội có số lượng đại biểu đông nhất trong 12 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
Đại hội chỉ bầu một lần là đủ số lượng Ban Chấp hành T.Ư khoá XII gồm 200 đồng chí với số phiếu tập trung cao, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. BCH T.Ư khóa XII đã bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư BCH T.Ư Đảng khóa XI - được Đại hội nhất trí cao bầu vào BCH T.Ư khóa XII, được BCH T.Ư bầu vào Bộ Chính trị và tái cử làm Tổng bí thư nhiệm kỳ mới với số phiếu rất cao.
Quốc hội ra mắt bộ máy mới
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi tuyên thệ nhậm chức tái đắc cử lần thứ 2, sáng 22.7. Ảnh: Như Ngọc/Zing News
Ngày 22.5, cử tri cả nước đã đi bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệp kỳ 2016 – 2021. Theo công bố của Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, trong 870 người ứng cử chính thức có 496 người trúng cử. Theo công bố của Hội đồng bầu cử quốc gia ngày 9.6, người có tỷ lệ phiếu trúng cử cao nhất là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 99,48%, đứng thứ hai là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch 95,87%.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV tháng 7.2016, với gần 98% phiếu tán thành, bà Nguyễn Thị Kim Ngân lần thứ hai được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Bốn Phó chủ tịch gồm bà Tòng Thị Phóng, ông Đỗ Bá Tỵ, ông Phùng Quốc Hiển, ông Uông Chu Lưu cũng tái đắc cử với số phiếu bầu cao.
Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ
Ngày 7.4, theo chương trình kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu kín chức danh Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã được bầu làm Thủ tướng Chính phủ.
Tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội bầu với số phiếu đồng thuận cao.
Sau đó hơn 3 tháng, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021. Quốc hội cũng đã phê chuẩn 27 thành viên Chính phủ.
Phát biểu sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công... Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả”.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ cùng tập thể Chính phủ nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân.
Năm 2016 - năm Quốc gia khởi nghiệp
Năm 2016 được coi là năm Quốc gia khởi nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên với vai trò là người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh: “Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ”.
Năm quốc gia khởi nghiệp 2016 đã chứng kiến làn sóng doanh nghiệp mới thành lập nhiều chưa từng có. Tính đến hết 11 tháng, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có xấp xỉ 102.000 doanh nghiệp mới thành lập, so với con số cả năm 2015 là hơn 94.700. Lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới trong một năm. Cùng với đó, cả nước có hơn 24.500 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng gần 32% so với cùng kỳ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Từ ngày 23 – 25.5, Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam chính thức tại Hà Nội và TP.HCM. Ông là vị Tổng thống Mỹ thứ ba thăm chính thức Việt Nam, sau Tổng thống Bill Clilton và Tổng thống George W. Bush. Trong chuyến thăm và làm việc này, Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có những cuộc hội đàm thảo luận thúc đẩy sâu hơn các hợp tác của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó có các lĩnh vực như kinh tế, an ninh, nhân quyền và các vấn đề khu vực và toàn cầu…
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Obama cũng tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, quyết định được đánh giá mang tính bước ngoặt trong mối quan hệ Việt - Mỹ, góp phần nâng cao và làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược giữa đôi bên, đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất.
Ngoài các hoạt động chính, Tổng thống Mỹ cũng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với người dân Việt Nam về sự giản dị, thân thiện khi đi ăn bún chả, mua cốm, trò chuyện thân mật với nhiều người dân ông gặp trên đường phố Hà Nội và TP.HCM.
Formosa xả thải gây sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung
Hiện tượng cá chết hàng loạt từ tháng 4.2016 tại khu vực biển miền Trung được coi là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Sự cố ô nhiễm môi trường biển khiến cá chết dọc miền Trung, cuộc sống người dân điêu đứng. (Ảnh I.T)
Người dân bắt đầu phát hiện cá biển chết trôi dạt ở gần Khu Công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh. Sau đó, hiện tượng cá chết hàng loạt lan rộng ra khu vực biển 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Gần 100 nhà khoa học trong và ngoài nước cùng vào cuộc để tìm nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường biển kể trên.
Chiều 29.6, tại trụ sở Bộ TNMT ông Trần Nguyên Thành – Chủ tịch HĐQT Formosa thừa nhận Công ty là thủ phạm gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại khu vực biển 4 tỉnh miền Trung. Formosa cam kết bồi thường thiệt hại cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển với số tiền 11.500 tỉ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: “Sự kiện Formosa cũng là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường”.
Vụ Trịnh Xuân Thanh phát lộ từ chiếc xe Lexus biển xanh
Đầu tháng 6.2016, từ vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đi xe Lexus gắn biển xanh, các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ nhiều vi phạm nghiêm trọng khác của ông Trịnh Xuân Thanh.
Quá trình điều tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh. Liên quan tới các sai phạm này, ông Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2016. Nhiều cán bộ cấp cao khác cũng bị kỷ luật vì có khuyết điểm trong việc luân chuyển, khen thưởng ông Trịnh Xuân Thanh.
Bộ Công an cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khi ông này còn làm Chủ tịch Tổng công ty CP xây lắp dầu khí PVC cùng 4 người khác. Hiện ông Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị phát lệnh truy nã quốc tế.
Hạn hán ở Đồng bằng Sông Cửu Long, lũ lụt hoành hành miền Trung
Đợt hạn hán tại lưu vực sông Mekong, đặc biệt là Đồng bằng Sông Cửu Long đầu năm 2016 được coi là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua. Ở khu vực Tây Nguyên, lượng nước trên các hồ ao, công trình thủy lợi đều bị cạn kiệt.
Lũ lớn gây ngập nặng tuyến Quốc lộ 1A tại thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN).
Thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15.4, đã có 377.362 hộ dân ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài. 240.200 ha lúa, 9.649 ha hoa màu, 85.650 ha cây ăn trái, 3.056 ha nuôi trồng thủy sản… bị thiệt hại, ước tính tổng thiệt hại lên đến 5.600 tỷ đồng.
Trong đợt hạn hán này, 13 tỉnh tại khu vực ĐBSCL đã bị mặn xâm nhập, 10 tỉnh công bố thiên tai, 20 triệu người dân bị ảnh hưởng. Theo ước tính của Bộ NNPTNT có khoảng 160 nghìn ha lúa bị thiệt hại, 800 nghìn tấn lúa bị mất trắng.
Tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu dự kiến
Dự báo, tăng trưởng GDP cả năm 2016 ước đạt khoảng 6,3%-6,5% không đạt kế hoạch 6,7% đề ra trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của Quốc hội.
Trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2016, ước thực hiện có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Có 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,3-6,5% so với kế hoạch đề ra là 6,7%, và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6-7% so với kế hoạch đề ra là 10%. Trong đó, xuất khẩu vào các nước ASEAN giảm 7%. Lần đầu tiên trong 30 năm đổi mới, tăng trưởng xuất khẩu giảm liên tục 5 năm liền 2012-2016.
Chính phủ cũng đã nhìn nhận hạn chế, yếu kém như: Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm; đời sống người dân còn khó khăn; mất an toàn thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội… Từ đó, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra nhiều nhóm giải pháp quyết liệt để tháo gỡ, khắc phục những hạn chế trên trong năm 2017.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã