Sau những cái bắt tay thắm đượm tình đoàn kết là những câu chuyện về làng quê, về nông nghiệp, nông thôn giữa những “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” tưởng không bao giờ dứt.
Sôi nổi chuyện làm ăn
Nông dân Đặng Thị Dịu (Quảng Ninh), chia sẻ với nhiều người ở các tỉnh, thành phố khác về lĩnh vực nuôi trồng hải sản. Chị thổ lộ, nuôi trồng thủy sản phải có vốn rất lớn, tuy còn rủi ro, nhưng nếu đầu tư bài bản, áp dụng quy trình nuôi trồng an toàn, khoa học thì hiệu suất lợi nhuận thu được vẫn tốt.
Anh Nguyễn Quang Trung kể về nghề trồng cây quế của ND tỉnh Yên Bái với nhiều triển vọng cho thu nhập khá trong những năm gần đây nhờ tìm được thị trường xuất khẩu ổn định ở các nước Nam Á. Từ câu chuyện nuôi thủy hải sản, trồng rừng, trồng hồ tiêu, cà phê, lúa gạo cho đến cây ăn quả… nhiều “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” lại quay ra trao đổi, thảo luận tới những chuyện vĩ mô- đó là nỗi lo của nhà nông khi một số lĩnh vực nông nghiệp khó “chống đỡ” trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với kinh tế khu vực và thế giới. Mặc dù đầu tư hiện đại, giàu kiến thức, kinh nghiệm, quy mô trang trại lên tới 800-900 đầu lợn nái, hơn 4.000 đầu lợn thịt siêu nạc, từng đi tham quan, học hỏi ở nhiều nước, nhưng anh Nguyễn Văn Đẩu (Bắc Ninh) vẫn trăn trở: “Tôi vẫn lo khi hội nhập sâu với kinh tế khu vực và thế giới thông qua các hiệp định thương mại thì nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi gia súc, gia cầm của Việt Nam sẽ khó chống đỡ trước sản phẩm nước ngoài. Lúc đó, người chịu thiệt là ND…”.
Theo nhiều nhà nông xuất sắc, việc xác định được khó khăn, thách thức không phải để ND lùi bước mà để có những giải pháp giải quyết. Theo anh Tăng Xuân Trường (Hải Dương), để giải quyết thách thức thì đòi hỏi ND phải đầu tư, áp dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành để nông sản có tính cạnh tranh hơn. Còn anh Phạm Văn Tràng (Thái Bình) nêu quan điểm, chủ trang trại, ND SXKD giỏi phải nâng cao kỹ năng, kiến thức quản lý bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công…
Kết nối, chia sẻ trong sản xuất
Ngay buổi gặp mặt đầu tiên đã có nhiều “Nông dân Việt Nam xuất sắc” tỏ ra “tâm đầu ý hợp” trong việc hợp tác sản xuất, kinh doanh. Chỉ người đàn ông luống tuổi, ăn mặc giản dị, chất phác đang vác cái máy ảnh to tướng, bà Bùi Thị Ba (Long An) nói: “Ổng là sư phụ của tui đấy. Trông thế thôi, chứ ổng làm ăn hoành tráng lắm nha”. Ông Xê (Bình Dương) là người tạo ra cây canh bông tím và chuyển giao kỹ thuật cho bà Ba. Hiện nay, ông Xê đang tập trung đặt mối quan hệ với ND các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên để mở rộng vùng trồng một số loại cây có múi chủ lực, thế mạnh như bưởi da xanh, cam. “Tôi rất hy vọng dịp này gặp gỡ được nhiều ND giỏi ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên để hợp tác sản xuất bởi đây là những vùng đất rất có tiềm năng, thế mạnh phát triển các loại trái cây có múi” - ông Xê thổ lộ. Cũng rất tình cờ, anh Đào Tiến Tình trồng tiêu giỏi tỉnh Gia Lai gặp anh Ngô Bá Thịnh, người sáng chế các máy bơm nước, phun thuốc, gieo hạt, bón phân tự động ở Bình Phước trong dịp ra Hà Nội nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”. Anh Tình cho hay, anh mới sử dụng các loại máy của anh Thịnh tại trang trại trồng tiêu của gia đình. Sau những câu chuyện hỏi thăm về gia đình, quê hương, nhiều “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” tạo mối liên lạc với nhau bằng cách trao đổi số điện thoại và danh thiếp…
Hấp dẫn chuyện biển đảo, biên cương
Đến địa đầu biên cương Tổ quốc-xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang), lão nông Vàng Vả Sài, dân tộc Mông, 68 tuổi được nhiều người hỏi thăm, nhất là câu chuyện về bảo vệ chủ quyền biên giới. Qua câu chuyện của ông, mọi người hình dung được sự vất vả, khó khăn nhưng cũng rất bền gan vững chí của người ND nơi biên cương. “Khó nhưng đồng bào vẫn có thể làm ăn khấm khá nếu được Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ qua các mô hình như trồng cỏ nuôi bò, trồng ngô và đỗ tương…”- ông Sài thổ lộ.
Câu chuyện về anh Nguyễn Trính (Bà Rịa-Vũng Tàu) đưa 6 tàu đánh cá công suất lớn ra làm nhiệm vụ trên vùng biển Trường Sa trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông khiến nhiều người thích thú, khâm phục. “Tôi rất ủng hộ việc Chính phủ ra Nghị định 67 cho ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu lớn khai thác hải sản. HTX Dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng do tôi làm giám đốc được duyệt đóng 1 chiếc tàu sắt công suất 2.000CV…”- anh Trính tâm sự.
Chuyện của ngư dân bám biển khẳng định chủ quyền nhiều người còn được biết tới qua câu chuyện của các anh Lê Văn Chiến (Đà Nẵng); Trần Đình Ánh (Nghệ An); Nguyễn Công Hoan (Quảng Bình)…
Khi được hỏi về suy nghĩ của mình khi được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014, ông Nguyễn Văn Tính (ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) với mô hình lai và chọn tạo giống lúa thông tin: “Đầu tiên tôi rất cảm ơn lãnh đạo các cấp, các đơn vị tổ chức chương trình này. Tôi muốn gặp được lãnh đạo của đất nước, nói lên trăn trở bấy lâu nay của dân. Đó là vấn đề được mùa mất giá, làm cho người dân chúng tôi đứng ngồi không yên trong thời gian qua. Tôi hy vọng, các cấp lãnh đạo sẽ có biện pháp khắc phục tình trạng trên để giúp cho người dân có thêm thu nhập”. |
Chị Phan Thị Hải - nông dân xuất sắc Quảng Nam: Học nhiều từ đồng nghiệp Tuy mới gặp các nông dân xuất sắc ở các tỉnh, thành hơn một tiếng nhưng tôi đã học được từ họ rất nhiều. Tôi làm trang trại gà giống, mới chỉ liên kết được với công ty cổ phần CP để lo đầu ra. Qua trao đổi với các các nông dân xuất sắc, tôi biết có rất nhiều nông dân không chỉ sản xuất giỏi mà bán sản phẩm cũng rất giỏi. Dù thị trường tiêu thụ các sản phẩm gà hiện nay ở Quảng Nam khá khó khăn, tôi vẫn ấp ủ tới đây sẽ quy hoạch lại trang trại, tìm thêm nhiều đầu mối tiêu thụ để có giá tốt nhất, không phải phụ thuộc vào một công ty như hiện nay. Ông Hà Kim Tới, nông dân xuất sắc tỉnh Phú Thọ: Mong giúp bà con bớt khổ Từ ngày chế tạo ra cái máy duôi sắn, tôi nhiều lần được lên huyện, lên tỉnh, lên trung ương để báo cáo thành tích. Đợt này, tôi được mời dự cả hai hội nghị cùng một lúc, nhưng các anh ở tỉnh bảo, ưu tiên cho tôi lên Trung ương tuyên dương. Tôi tự hào lắm. Mình là nông dân, chỉ mong giúp bà con bớt nhọc nhằn thôi. Trên đường ra Thủ đô, tôi nhận được nhiều điện thoại đặt mua máy duôi sắn. Mới rồi, có một khách hàng ở Phú Thọ gọi điện đặt mua một máy, rồi nhiều khách hàng yêu cầu tôi chỉnh sửa lại máy cho phù hơn với địa phương họ. Tôi hứa, sau buổi lễ này, về nhà tôi sẽ nghiên cứu, chỉnh sửa ngay”. Ông Lê Đình Hoan - nông dân xuất sắc Quảng Trị: Trồng bời lời được ghi nhận Ra Hà Nội dự lễ vinh danh trao tặng danh hiệu “Nông dân xuất sắc”, tôi đã phải thu xếp nhiều công việc. Hơn 39 năm, nay tôi mới có dịp ra Thủ đô, phố phường thay đổi nhiều quá. Cách đây 15 năm tôi dồn hết số vốn 20 lượng vàng đi vào thôn Cù Bai, huyện Hướng Hóa- mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” trồng bời lời. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, bời lời chết hết. Tôi quyết khăn gói vào Tây Nguyên, học hỏi cách trồng bời lời. Cố gắng của tôi đã được đền đáp. Đến nay hơn 30ha của tôi cho hiệu quả cao. Không những thế tôi còn động viên được dân bản thôn Cù Bai trồng hàng ngàn ha bời lời. Được bình chọn là “Nông dân xuất sắc”, tôi rất tự hào và xúc động. Xúc động vì những gì mình làm được bà con thôn bản ghi nhận, được Hội NDVN vinh danh. Anh Làn Mậu Thành - nông dân xuất sắc Lào Cai: Mang quýt ngọt làm quà Khi được Hội ND tỉnh thông báo tôi được bình chọn là “Nông dân xuất sắc 2014”, tôi hết sức bất ngờ và vui sướng. Đây là lần thứ 4 tôi về Hà Nội nhưng lần này tôi rất háo hức và tự hào. Mấy hôm nay, các bạn hàng điện thoại tới tấp cho tôi đặt hàng. Trước khi đi Hà Nội, tôi đã bàn giao công việc ở nhà cho vợ con, đồng thời thông báo với các bạn hàng số điện thoại của mình và của vợ để tiện liên lạc. Ra Hà Nội lần này tôi mang theo thùng quà do chính tay tôi và vợ chọn. Đó là những quả quýt tươi ngon nhất, mới cắt chiều qua làm quà cho mọi người. Từ năm 2010 ra Hà Nội đăng ký độc quyền thương hiệu “Bơ Trịnh Mười” thì nay tôi mới có dịp trở lại nơi đây. Được là nông dân xuất sắc, tôi hết sức sung sướng vì có thêm cơ hội được giao lưu, học hỏi với các nông dân xuất sắc khác. Đến đây, ai cũng là người tài giỏi cả. Để có thành công như ngày hôm nay tôi và các nông dân khác phải trải qua gian truân vất vả mới được hưởng “trái thơm, quả ngọt”. Vẫn còn đấy bao khó khăn, lo toan, vất vả nhưng tôi tin với sự nỗ lực, học hỏi của bản thân, sự động viên, giúp đỡ của các cấp Hội ND, các ban ngành đoàn thể... nông dân chúng tôi sẽ mang lại nhiều niềm tự hào hơn nữa cho đất nước. Thu Hà- Nguyễn Lê (ghi) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã