Đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (ở ngoại ô thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), chúng tôi bắt gặp những thảo nguyên xanh ngút ngàn, trên triền đồi là hàng trăm con ngựa đang thong thả gặm cỏ. Trên con đường rải sỏi, thỉnh thoảng gặp những con ngựa đua lao vút đi, để lại thảo nguyên đám bụi mờ đỏ huyền ảo trong sương sớm.
Câu chuyện của những “Bật mã ôn”
TS.Nguyễn Hữu Trà, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi và TS.Vũ Đình Ngoan, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu ngựa niềm nở dẫn chúng tôi đi tham quan khu chuồng trại. Ông Trà cho biết, tiền thân của Trung tâm là Trạm thí nghiệm ngựa Bá Vân, sau này được nâng cấp lên thành Trung tâm, trực thuộc quản lý của Viện Chăn nuôi quốc gia. Hiện, nơi đây lưu giữ khoảng 150 con ngựa giống gốc cấp quốc gia và chăn nuôi hàng trăm con ngựa giống.
Ông Ngoan dắt ra một con ngựa to lớn, chiều cao vai tới 1,6m (nếu tính từ trán xuống phải 2,4m), chiều dài thân 1,7m, ước nặng khoảng 500kg, khoe: “Đây là giống Cabardin thuần chủng. Ngựa chiến thời xưa ở Trung Quốc, ngựa Xích Thố mà Quan Vũ cưỡi cũng thuộc giống này”. Năm 1964, Chính phủ cho nhập 8 con ngựa Cabardin từ Liên Xô (cũ) về nuôi thích nghi tại Bá Vân. Đến năm 2000, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho nhập 3 con ngựa Cabardin từ Hắc Long Giang (Trung Quốc) về nữa. Từ nguồn gen quý đó, Trung tâm đã thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Nghiên cứu chọn lọc và lai tạo giống ngựa địa phương với giống ngựa Cabardin phục vụ dân sinh và quốc phòng”. Kết quả, tạo được dòng ngựa lai 25% máu Cabardin và 75% máu ngựa bản địa, thích nghi nhất trong việc thồ hàng ở nước ta. Dòng ngựa lai này có chiều cao vây 123 - 128cm, dài thân 123 - 125cm, trọng lượng 238 - 246kg, sức kéo hàng 900 - 1.000kg, thồ hàng 70 - 80kg, thích ứng rất tốt với điều kiện nuôi dưỡng, quản lý và sinh thái ở nước ta. “Ngựa Cabardin to khỏe, nhưng ngựa bản địa lại khéo léo hơn, bởi vậy ngựa lai phù hợp để kéo xe vận chuyển gạch, cát, xi măng. Với đồng bào ở miền núi cần ngựa làm phương tiện đi lại hoặc thồ nông sản thu hoạch từ nương về nhà, thì giống ngựa này rất phù hợp. Miền núi không bao giờ bỏ được ngựa, vì nhiều chỗ địa hình hiểm trở, không thể làm đường cho xe máy lên được. Những năm qua, xe máy đã được đồng bào mua sắm nhiều, nhưng thống kê cho thấy, đàn ngựa không giảm”, TS.Ngoan chia sẻ.
Đến nay, đã có 20.000 con ngựa lai 25% máu Cabardin đang được người dân các tỉnh miền núi nuôi (chiếm 17,86% tổng đàn ngựa trong cả nước) phục vụ sản xuất và đời sống.
Hiện, TT Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền núi đang lưu giữ nhiều giống ngựa quý. |
Chu Khôi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã