Muốn đến thăm nhà và bè cá của hai ông, người ta phải đi qua một chiếc cầu nhỏ bắc bằng 3 cây tre già bập bõm trên mặt sông. Nước đục đến nỗi, tôi không thấy một con cá nào, chỉ nghe tiếng nước vỗ vào mạn thuyền ì oạp.
Mỗi lồng nuôi cá chiên rộng 3 mét, dài 6 mét, sâu 1,5 - 2,5 mét, nuôi được khoảng 400 - 500 con cá nhỏ. Khi cá lớn được tách đàn và nuôi từ 100 - 130 con/lồng. Cá chiên sống theo bầy đàn. Mùa nước đục, không ai có thể nhìn thấy một bóng cá nào vì chúng không nổi lên mặt nước.
Khu thuyền bè nuôi cá chiên của ông Nguyên, ông Hà trên sông Gâm đoạn chảy qua Bắc Mê.
Nhưng đến mùa nước trong, từng lớp cá chiên nằm chồng chất lên nhau như xếp bánh, im thin thít, lành hiền đến khó tả, người ta quờ tay chọc vào nó, nó lặng lẽ bơi ra chỗ khác, rồi lại… nằm im. Một năm, cá chiên chỉ ăn trong 3 - 4 tháng, đến mùa đông, chúng sẽ “ngủ đông” như loài gấu, có rải thức ăn chúng cũng không thèm động đến.
Lứa cá chiên to nhất hàng trăm con mà ông Nguyên đã từng nuôi được và “xuất chuồng”, mỗi con nặng ngót nghét 10kg khiến người ta phải vác cá đi như vác cái bình ga; mỗi kilôgram cá chiên có giá đến 600.000 đồng, mang về cho ông một khoản tiền không nhỏ.
Lâu năm gắn bó với nghề, ông Nguyên hiểu đàn cá, chăm sóc cho đàn cá như là những đứa con đẻ của mình vậy. Ông tâm sự: “Cá chiên ngoài tự nhiên thì hung dữ, nhưng cá chiên nuôi lại khá lành hiền. Nuôi cá chiên là mình phải sống với nó, phải nằm nghe xem nó thiếu cái gì, no đói thế nào để mà lo lắng cho nó.
Khi đói, cá chiên sẽ cựa lồng, nó sẽ kêu khiến mình không ngủ được, chỉ có khi no là nó nằm im. Khi có con cá nào lội như cá cảnh, chạy trên mặt nước thì mình biết là nó bị bệnh rồi, phải bỏ nó đi. Nhiều lúc nhìn cá bị ốm mà thương lắm”.
Vào nghề nuôi “thủy quái” sau ông Nguyên, ông Trần Thanh Hà (tổ 1 - thị trấn Yên Phú - huyện Bắc Mê) còn chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông cũng không tránh khỏi những sai lầm ban đầu trong nghề.
Ông Hà kể, giọng buồn buồn: “Thiệt hại nhiều chứ, vấp váp nhiều chứ. Bên nhà tôi đây, hồi tháng 3 tôi thả 1.000 con giống mà tính tròn số là chết mất 700 con. 1.000 con giống là hơn năm chục triệu, chưa kể tiền công vận chuyển đâu. Biết nhà nước có chương trình hỗ trợ dân miền núi làm giàu, tôi đã hai lần làm đơn kêu cứu lên huyện, nhờ nhà nước hỗ trợ giúp đỡ rồi mà vẫn chưa có ai giúp cả”.
Có nhiều khi, ông Hà vì lặn lội đi tìm dòng cá đánh bắt để làm thức ăn cho cá chiên mà bị cả đàn ong bủa vây, đốt cho “lên bờ xuống ruộng”. Cũng có khi, đàn cá chiên háu ăn, quẫy đạp nhau, đâm hàng tá vây cứng nhọn vào tay chân của chủ.
Ông Hà ngửa hai cánh tay lên, giơ ra phía trước mặt rồi chỉ trỏ từng lỗ ở tay: “Những cái lỗ sâu này chưa biết bao giờ mới đầy thịt lên được. Nhưng mà nghề nuôi cá chiên thì chắc không thể bỏ được đâu”.
Nuôi được cá chiên rồi, những rủi ro tàn khốc trong nghề săn bắt cá chiên dưới lòng sông sẽ giảm đi đáng kể. Họ sẽ không còn phải liều mạng nhảy tùm xuống đáy sông nước xiết mà lặn sâu vào tận hang cùng ngõ hẻm của dòng sông Gâm tìm săn “thủy quái” để rồi máu tai, máu mũi rỉ ra, có khi tử nạn.
“Tôi bị ong đốt phù hết cả người lên, rồi cá nó đâm cho lỗ chỗ hết cả chân tay đây thì cũng vẫn là may cô ạ. Nói chung nghề nào nghiệp nấy mà. Khối người đi săn cá chiên còn mất mạng ấy. Mình vẫn còn yên bình chán” - ông Hà lặng lẽ ngẫm ngợi.
Ông Trần Mạnh Tuyên - Chánh văn phòng huyện ủy Bắc Mê, nguyên là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Mê - cho biết: “Nuôi cá chiên trên sông Gâm là một hướng đi tích cực, có hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân. Tuy nhiên, nghề này cần số vốn đầu tư khá lớn, mà người dân thì còn nghèo.
Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp chính quyền để giúp đỡ cho người dân có thể phát triển nghề này, vừa có thể giúp người dân thoát nghèo, vừa bảo tồn được loài cá chiên sông Gâm vô cùng quý hiếm và giá trị”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã