Từ khách quan…
Trước tiên, đó là vấn đề suy giảm chất lượng nguồn nước. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều và do nhiều yếu tố. Chất thải trong nuôi trồng thủy sản là bùn thải chứa phân của vật nuôi, nguồn thức ăn dư thừa, các chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng trong nuôi trồng như: hóa chất, vôi và các loại khoáng chất... lắng đọng trong ao nuôi. Đặc biệt, với các mô hình nuôi kỹ thuật cao, mật độ nuôi lớn như nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp... thì nguồn thải càng lớn và tác động gây ô nhiễm môi trường càng cao.
Cùng với đó, “vai trò” của các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp cũng không nhỏ, bởi việc xả thải của các nhà máy cũng gây thiệt hại nặng cho các hộ nuôi thủy sản trong khu vực. Bên cạnh đó, là ý thức của người nuôi. Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 4.000 ha nuôi tôm công nghiệp, sản lượng chiếm gần ¼ cả nước và các ngành chức năng đánh giá, có khoảng 70% các đầm tôm công nghiệp xả thẳng thải ra môi trường.
Diện tích nuôi tôm tăng thì lượng chất thải ra môi trường càng lớn - Ảnh: Huy Hùng
Năm 2012, cả nước điêu đứng vì dịch bệnh bùng phát trên tôm. Năm 2013, tình hình có giảm nhưng không đáng kể và chưa mấy khả quan. Mặc dù nguyên nhân chính gây tôm chết đã được tìm ra, tuy nhiên, biện pháp phòng trị, cũng như mô hình nuôi phù hợp đến nay vẫn chưa có.
Chi cục Thú y Sóc Trăng xác nhận, vụ nuôi tôm vừa qua diện tích tôm bị thiệt hại tuy có giảm nhưng vẫn cao so mục tiêu đặt ra. Nguyên nhân do phần lớn người dân nuôi tôm quy mô nhỏ lẻ; thiếu ao lắng xử lý và vẫn còn tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch làm lây lan mầm bệnh... Còn Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cho rằng, với mức thiệt hại 30% trong vụ nuôi 2013 cho thấy việc nuôi tôm vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn.
Đến chủ quan
Tất cả những bất ổn về thời tiết, dịch bệnh đã và đang khiến người nông dân tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, diệt giáp xác, kích thích tôm lột vỏ, mau lớn nhằm tăng năng suất trong nuôi tôm. Và theo nhiều chuyên gia, tình trạng tôm chết hàng loạt ở các tỉnh vừa qua có nguyên nhân từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Hơn nữa, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng thủy sản hết sức nguy hiểm, không chỉ hại người nuôi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nước. Cùng đó, dư lượng kháng sinh trong thực phẩm còn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng tôm cũng như những người sống trong vùng nuôi tôm. Xa hơn, mấy năm qua, sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu luôn bị báo động về vấn đề dư lượng kháng sinh. Đặc biệt là tại thị trường EU và Nhật Bản, với những hạn mức hết sức khắt khe. Điều này đang khiến việc “xuất ngoại” của tôm Việt Nam ngày càng chông chênh và thu hẹp.
Mặt khác, rủi do càng cao, khó khăn càng nhiều thì mức đầu tư cho sản xuất của người nuôi cũng theo đó tăng lên. Bởi ngoài chi phí đầu vào như: thức ăn, con giống, hóa chất,… tăng, thì rủi ro dịch bệnh hiện cũng không hề nhỏ.
Theo tính toán, hiện nay chi phí đầu tư cho 1 ha tôm nuôi đã tăng lên rất cao.
Với giá thành sản xuất hiện nay, người nuôi cần đầu tư hơn 420 triệu đồng để nuôi 1 ha tôm sú và hơn 350 triệu đồng để nuôi 1 ha tôm thẻ chân trắng. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn tôm giảm chất lượng để tăng lợi nhuận. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá bán tôm dù đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng lợi nhuận từ đầm tôm không còn là “kho bạc” của người nuôi.
>> Nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là nguyên nhân gây tôm chết vẫn chưa được khẳng định tuyệt đối, khó khăn về thời tiết, chi phí đầu tư ngày càng cao đang khiến nhiều người nuôi tôm e dè khi đầu tư vào vật nuôi này. Nhiều người bỏ nghề, ao nuôi thu hẹp khiến diện tích tôm nuôi giảm đáng kể. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã