Chuột có tính đa nghi cao, thần kinh khứu giác và vị giác rất phát triển, tập tính hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên rất khó diệt trừ. Chuột có vòng đời từ 370 - 420 ngày. Rất mắn đẻ. 1 con chuột cái trung bình đẻ 3 - 4 lứa/năm, mỗi lứa đẻ được 5 - 10 con.
Chuột con sau 2 - 3 tháng tuổi đã có thể sinh sản, đẻ quanh năm, sinh sản mạnh nhất từ tháng 3 - 10. Chuột có đặc điểm sống theo bầy đàn, chúng thường di chuyển theo lối mòn, có khả năng di chuyển xa để tìm thức ăn, bán kính hoạt động gây hại lớn trên diện tích rộng. Chuột thường đào hang làm tổ trên các bờ mương, bờ ruộng, gò đống, nghĩa địa; đặc biệt ở nơi có nhiều bụi cây. Chúng gặm nhấm liên tục để mài mòn răng nên tác hại gây ra là rất lớn.
Chuột là một trong những loài sinh vật gây hại nguy hiểm đối với SX nông nghiệp và đời sống của con người. Chúng cắn phá gây hại trên hầu hết các loại cây trồng trên đồng ruộng trên đồng ruộng như lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả, hoa - cây cảnh… ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây.
Ngoài ra chúng còn đào phá làm hư hại các công trình thủy lợi đê điều, bờ sông, cầu cống, mương máng. Trong khu dân cư chuột cắn phá các đồ dùng, nông sản phẩm, hàng hóa, quần áo. Nguy hiểm hơn, chuột còn là môi giới truyền một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và gia súc như bệnh dịch hạch, bệnh sốt vàng da…
Trong những năm gần đây, chuột trở thành dịch hại nguy hiểm và gây hại nghiêm trọng cho SX. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2013 các tỉnh phía Bắc đều bị chuột phá hại nặng, chỉ tính riêng lúa bị hại 33.497 ha. Sở dĩ chuột tàn phá cây trồng nhiều như vậy do một số nguyên nhân:
Một là vụ mùa năm 2013 thời tiết diễn biến phức tạp, trời mưa to liên tục kéo dài khó khăn cho công tác phòng trừ, nhất là biện pháp dùng bả. Do ảnh hưởng trời mưa sau khi đặt bả bị rửa trôi hiệu quả kém hoặc không triển khai được. Hai là do việc quy hoạch các trang trại nhỏ lẻ, manh mún nằm rải rác khắp nơi, bờ bụi nhiều là nơi trú ngụ, sinh sôi nảy nở của chuột. Ba là một số thiên địch như mèo, rắn… bị suy giảm.
Biện pháp phòng trừ: Các tỉnh phía Bắc đang tiến hành lấy nước đổ ải để gieo cấy lúa xuân. Đây là thời điểm thích hợp nhất để tổ chức diệt chuột. Việc phòng trừ lúc này có nhiều thuận lợi, đó là triển khai được đồng loạt, thời vụ nông nhàn huy động được nhiều người tham gia. Hơn nữa, diệt trừ lúc này sẽ hạn chế được số lượng lớn chuột tham gia sinh sản và gây hại trong cả năm.
Công tác phòng trừ mang lại hiệu quả cao nhất bởi vì trên đồng ruộng sau khi thu hoạch vụ mùa và vụ đông, nguồn thức ăn khan hiếm khiến chuột đói, mặt khác khi lấy nước vào đồng các hang lỗ bị ngập nước, mất nơi cư trú, làm chúng chạy nên bờ.
Trong các biện pháp thường dùng thì biện pháp dùng bả là có hiệu quả nhất, kể cả bả sinh học và bả thuốc hóa học. Đây là biện pháp dễ làm và diệt chuột triệt để nhất. Dùng các loại bả sinh học, hóa học đặt trên các bờ vùng bờ thửa, nghĩa địa cồn đống.
Các địa phương nên căn cứ vào lịch lấy nước đổ ải để có kế hoạch phòng trừ cụ thể, kết hợp việc phát quang bờ, bụi rậm, gò đống làm mất nơi cư trú của chuột, thông báo rộng rãi cho nhân dân biết thời gian và địa điểm để chủ động nhốt gia súc, gia cầm. Không đặt bả gần nguồn nước, các bãi chăn thả gia súc, gia cầm.
Chỉ nên dùng các loại có độc tính thấp thuộc nhóm chống đông máu được phép sử dụng tại Việt Nam như Rat K, Storm, Rambat2 % D...
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã