Vụ đông xuân 2017 - 2018, nhiều nông dân Đại Hồng (Đại Lộc) trồng đậu phụng được mùa, được giá; bỗng nhiên gặp khó trong việc tiêu thụ vì tin đồn thất thiệt.
Người trồng đậu phụng xã Đại Hồng bị ép giá sản phẩm vì tin đồn thất thiệt. Ảnh: CÙ THỊ HUỆ
Vùng bãi biền ven sông Vu Gia qua Đại Hồng có diện tích hàng trăm héc ta trồng cây ớt, đậu phụng, đậu xanh, bắp... Vụ đông xuân 2017 - 2018, cây đậu phụng được trồng với diện tích hơn 240ha cho năng suất, sản lượng cao, giá cả tại các nơi cũng khá tốt.
Thế nhưng nhiều ngày qua, người dân thu hoạch đậu phụng như “ngồi trên lửa” khi thương lái thu mua cầm chừng, ép giá vì tin đồn thất thiệt là có hiện tượng xịt thuốc ủ để trái đậu rụng mà không phải tốn công đập, bứt củ đậu theo kiểu truyền thống. Kéo theo đó, hàng trăm hộ dân thay vì bán đậu tại ruộng cho thương lái và các cơ sở ép dầu, phải chở đậu về cất vì tin đồn. Nhiều người dân tại xã Đại Hồng và vùng lân cận cũng không dám mua đậu phụng vùng này để ép dầu.
Chị Nguyễn Thị Bích Thu - Chi hội trưởng phụ nữ thôn Hà Vy xác nhận: “Gia đình tôi mua 8 sào đất màu để canh tác đậu phụng và một số cây màu khác. Vụ này, tôi thu được hơn 1,4 tấn, chưa kịp mừng vì đậu được mùa thì suốt 20 ngày qua thương lái ngừng thu mua. Đầu tư cho vụ này khoảng 15 triệu đồng nhưng giờ vẫn chưa bán được. Vợ chồng tôi bao năm trồng đậu cùng bà con, thu hoạch tới đâu là trải trên bãi, dưới cái nắng này thì cuống đậu giòn tan, chỉ đập là rụng hết. Còn ai có điều kiện thì sử dụng máy bứt củ nhưng rất ít”.
Còn chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Lập Thuận, xã Đại Hồng) canh tác 4,5 sào đất, thu được 900kg đậu, hiện chỉ bán được 100kg với giá 21.500 đồng/kg, trong khi giá thị trường là 26.000 - 28.000 đồng/kg.
Không những không bán được đậu, chị Thủy cũng như người dân ở đây liên tục bị tư thương ép giá cũng từ tin đồn trên. “Không hề có chuyện xịt thuốc vào đậu để rụng trái. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc xem tin đồn phát tán từ đâu để bảo vệ nhà nông” - chị Thủy nói. |
Ông Từ Thương - Bí thư Chi bộ thôn Hà Vy xác nhận, toàn thôn có 20ha trồng đậu phụng, đầu ra và giá cả cũng bị ảnh hưởng bởi tin đồn ác ý. “Người dân nơi đây trồng cỏ nuôi bò, tận dụng thân cây đậu phụng để nuôi bò không dại gì mà xịt thuốc vào cây. Có thể đây là chiêu trò của một nhóm người để ép giá nông dân bởi nhiều gia đình chỉ bán với giá 21.000 đồng/kg, trong khi các nơi là 25.000 đồng/kg” - ông Thương nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Từ Văn Thẩm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết: “Không rõ tin đồn từ đâu nhưng có hiện tượng thương lái thu mua cầm chừng, ép giá so với giá thị trường. Người dân các vùng khác nghe tin cũng xôn xao. Sự việc này nếu không bị đẩy lùi sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín của vùng sản xuất nông sản tại địa phương. UBND xã cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin truyền thanh xã để nhân dân nắm rõ” - ông Thẩm cho biết.
Bà Cù Thị Huệ - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc chia sẻ, trước khó khăn của bà con nông dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ xã, Hội LHPN huyện đã làm việc với Ban Chấp hành Hội LHPN xã Đại Hồng tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân trong xã mua đậu ép dầu, ủng hộ người dân gặp khó. Đồng thời vận động các tổ chức hội từ huyện tới cơ sở làm cầu nối tìm đầu ra cho nông sản… hỗ trợ phụ nữ xã Đại Hồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã