Học tập đạo đức HCM

Quỹ hỗ trợ nông dân: Điểm tựa vững chắc của nhà nông

Thứ năm - 18/06/2015 21:14
LTS: Vượt lên trên cả ý nghĩa là kênh tín dụng hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của Hội ND Việt Nam đã trở thành “phương tiện” hữu hiệu để tập hợp, tổ chức hội viên ND thông qua những mô hình kinh tế hợp tác cùng lợi ích, cùng trách nhiệm.

Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) vừa là “công cụ”, vừa là một trong những phương tiện hữu hiệu để Hội NDVN hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, ND xây dựng, hình thành mô hình kinh tế tập thể, các hình thức liên kết trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền nông nghiệp hàng hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (ảnh) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN.

 

Quy ho tro nong dan: Diem tua vung chac cua nha nong
Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường (thứ 2 từ trái) thăm mô hình sản xuất vay vốn Quỹ HTND tại tỉnh Hà Tĩnh.  Ảnh: N.C

Phó Chủ tịch Thường trực Lại Xuân Môn cho biết, sau gần 20 năm xây dựng, phát triển, phương thức hoạt động của Quỹ HTND đã chuyển từ cho vay theo hộ, nhóm hộ nhỏ lẻ sang cho vay theo dự án nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác, nhóm hộ, trang trại; từng bước hình thành chuỗi nông sản hàng hóa…

Thưa ông, thành lập tháng 3.1996, những năm đầu phương thức hỗ trợ của Quỹ HTND thế nào và nguồn vốn được sử dụng ra sao?

- Quỹ HTND ra đời nhằm hỗ trợ vốn ưu đãi cho ND, trước hết là ND nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Việc điều hành, sử dụng nguồn vốn quỹ thời gian đầu gắn liền với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo. Chính vì vậy, giai đoạn đầu (1996 - 2010), Quỹ HTND chủ yếu cho vay đối với hộ, nhóm hộ nhỏ lẻ. Quy mô nguồn vốn ban đầu còn hạn chế, nên Quỹ HTND hướng dẫn hộ ND nghèo sử dụng vốn theo phương châm, làm từng việc, đi từng bước, “lấy ngắn nuôi dài”. Nhiều hộ vay vốn đã thoát nghèo, một số hộ trở nên khá giả, ổn định cuộc sống. Có thể khẳng định, thời gian đầu, Quỹ HTND đã bắt nhịp với Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo…

Vì sao T.Ư Hội NDVN lại xây dựng và thực hiện đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, giai đoạn 2011-2020?

- Giai đoạn đầu (1996 - 2010) kết quả hoạt động Quỹ HTND còn rất khiêm tốn, chưa được như kỳ vọng; tốc độ tăng trưởng nguồn vốn còn chậm, quy mô vốn của nhiều đơn vị quá nhỏ, nhất là cấp huyện và cơ sở, nhiều đơn vị chưa xây dựng được Quỹ HTND; hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý điều hành chưa hoàn thiện... Trước tình hình đó, Ban điều hành Quỹ HTND tiến hành nghiên cứu, khảo sát, hội thảo, tổng kết đánh giá đúng thực trạng về Quỹ HTND, từ đó tham mưu, đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2011 -2020.

Một trong những điểm nhấn là Quỹ HTND đổi mới căn bản phương thức hỗ trợ cho ND vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh theo mô hình dự án (thay cho vay theo hộ hay nhóm hộ nhỏ lẻ) để xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác, nhóm hộ, trang trại, doanh nghiệp nhỏ...

Thưa ông, tại sao phương thức hỗ trợ của Quỹ HTND lại có sự chuyển hướng từ cho vay theo hộ, nhóm hộ nhỏ lẻ sang cho vay theo dự án, các mô hình liên kết, hợp tác?

- Cho vay theo mô hình dự án bên cạnh đảm bảo cho việc quản lý, theo dõi, giám sát tốt hơn nguồn Quỹ HTND còn đem lại nhiều lợi ích khác. Trước kia mỗi hộ, nhóm hộ nhỏ lẻ sử dụng vốn vay đầu tư vào phát triển các mô hình sản xuất khác nhau. Như thế rất phân tán mà không thể hỗ trợ nhau về “đầu vào, đầu ra”, kinh nghiệm, kiến thức sản xuất. Khi thực hiện theo phương thức cho vay theo dự án, các hộ cùng sinh sống trên một địa bàn, có sở thích hoặc cùng sản xuất ra một loại hàng hóa nông sản nào đó. Do đó, các hộ có thể tương trợ, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, kiến thức kỹ thuật, cây, con giống, vật tư... hay tiêu thụ sản phẩm.

Cho vay theo dự án còn giúp Hội ND các cấp lồng ghép tốt hơn các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề, từ đó phát huy tối đa hiệu quả kinh tế-xã hội của mô hình sản xuất. Phương thức hỗ trợ vốn vay theo dự án như một “chất xúc tác” làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của hội viên, ND từ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún tiến tới liên kết, hợp tác với nhau xây dựng các hình thức kinh tế tập thể. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, yêu cầu của sản phẩm nông nghiệp dù là nông sản thô hay đã qua chế biến không chỉ ngon, an toàn mà phải có giá thành cạnh tranh. Với tính chất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhà nào biết nhà nấy thì khó đáp ứng được điều này. Theo đó, ND phải liên kết, sản xuất nông nghiệp phải được tổ chức theo chuỗi với quy mô hàng hóa tập trung mới có thể áp dụng cơ giới hóa, đầu tư khoa học, công nghệ để có sản lượng nông sản lớn, tương đối đồng nhất về chủng loại và chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm... Hỗ trợ vốn cho các tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và ngành hàng đang là mục tiêu hướng tới của Quỹ HTND…

Kết quả thu được từ khi Hội NDVN triển khai phương thức cho vay Quỹ HTND theo mô hình dự án là gì?

- Các dự án vay vốn Quỹ HTND có sự liên kết giữa các hộ vay đang chuyển mình từ mô hình nhỏ, đơn giản như tổ, nhóm ND cùng sở thích, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp đến hợp tác xã, thậm chí sau này lên doanh nghiệp do ND góp cổ phần… Các hình thức kinh tế tập thể này đang ngày một rõ dần. Quỹ HTND góp phần phát huy các thế mạnh nông nghiệp của mỗi địa phương… Đó là các mô hình HTX sản xuất nấm, chè ở Thái Nguyên, chăn nuôi đại gia súc trâu, bò ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chăn nuôi lợn, gà thương phẩm ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trồng cây công nghiệp ở Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ, nuôi thủy sản, cây con, đặc sản ở các tỉnh ĐBSCL...

Một số mô hình ban đầu là chi hội nghề nghiệp, nhóm ND liên kết đã vươn lên thành các HTX kiểu mới. Có những mô hình đã bước đầu hình thành chuỗi sản phẩm và ngành hàng có sự liên kết giữa ND với ND, giữa ND với doanh nghiệp và được tác động thêm bởi chính sách hỗ trợ của địa phương như mô hình nuôi bò ở Tuyên Quang, nuôi hươu lấy nhung Hà Tĩnh; sản xuất chè sạch ở Thái Nguyên; trồng cây dược liệu ở Hưng Yên... Như vậy, Quỹ HTND là phương tiện, công cụ hữu hiệu để các cấp Hội tham gia vào thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…

Xin cảm ơn ông!

 Ngày 1.4.2015, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã ban hành Quy định số 282/QĐ-TW quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh, huyện. Tại Điều 6 quy định rõ, Quỹ HTND là 1 trong 5 ban, đơn vị thuộc tổ chức biên chế của Hội ND cấp tỉnh, thành phố. Ngày 11.5.2015, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 166/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Hội Nông dân Việt Nam. Tại nội dung “Một số kiến nghị của Hội NDVN”, về Quỹ HTND, Thủ tướng Chính phủ kết luận: Đồng ý cấp bổ sung vốn cho Quỹ HTND T.Ư. Giao Bộ Tài chính hàng năm đề xuất mức cấp vốn bổ sung cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện hàng năm cấp bổ sung từ ngân sách địa phương cho Quỹ HTND cùng cấp theo Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 11.5.2011 của Thủ tướng Chính phủ.  
Theo danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập359
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại812,846
  • Tổng lượt truy cập90,876,239
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây