Không có lý do gì để nhập lậu hoa quả tươi Theo ông Hồng, sau một năm thực hiện Thông tư 13/2011/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn kiểm tra VSATTP hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã lấy 1.545 mẫu để kiểm nghiệm các chỉ tiêu VSATTP, phát hiện 12 mẫu (chiếm tỷ lệ 0,8% - rất thấp) vi phạm, có chứa dư lượng thuốc BVTV vượt mức tối đa cho phép. Các trường hợp vi phạm đã được áp dụng các biện pháp xử lý đúng theo quy định. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa sau khi nhập khẩu và trong quá trình lưu thông cần được đẩy mạnh hơn. Hàng hóa nông sản nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm được nhập khẩu từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng đến nay mới có 13 quốc gia được phép xuất khẩu nông sản nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm vào Việt Nam (11 quốc gia được công nhận chính thức và 2 quốc gia được công nhận tạm thời). Trước nghi ngại về thông tin cho rằng, nhiều hàng nông sản Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam, ông Hồng cho biết: “Không có lý do gì để nhậu lậu hoa quả tươi, rau từ Trung Quốc sang Việt Nam và ngược lại. Vì hai nước đã có hiệp định ký với nhau và hiện thuế suất bằng 0% thì nhập lậu để làm gì nên đại đa số các loại rau, củ, quả của Trung Quốc hiện nay được chuyển sang nước ta bằng con đường chính ngạch”.
Bày tỏ quan điểm trước việc thời gian qua có nhiều nơi bán hoa quả với giá rất rẻ, thậm chí chỉ 10.000 đồng/kg khiến dư luận e ngại về tính an toàn của nó, ông Hồng cho rằng: “Không phải cứ giá rẻ là mất an toàn. Thậm chí trong nhiều trường hợp, những loại quả đắt tiền lại có nguy cơ mất ATVSTP cao hơn. Bởi vì những loại quả giá cao thì người sản xuất cố gắng sử dụng các loại hóa chất để đảm bảo cho hình thức đẹp. Còn những loại quả rẻ lại an toàn bởi phương pháp sản xuất đơn giản, không cần áp dụng những các biện pháp tốn tiền”.
Rau ăn lá có nguy cơ mất VSATTP cao Thời gian qua, Cục BVTV đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành lấy 50 mẫu rau sống (xà lách, rau diếp, rau húng và rau mùi) tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng (gồm 11 hoạt chất sử dụng phổ biến và có nguy cơ cao, chì và Arsen). Kết quả kiểm nghiệm 50 mẫu đều đảm bảo quy định về VSATTP đối với các chỉ tiêu được kiểm tra, trong đó 21/50 mẫu (chiếm 42%) không phát hiện thấy dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng, 29 mẫu (58%) phát hiện có dư lượng thuốc BVTV nhưng ở ngưỡng an toàn (thấp hơn dư lượng tối đa cho phép (MRL), 20 mẫu (40%) phát hiện có kim loại nặng nhưng thấp hơn mức giới hạn tối đa. Với kết quả đánh giá khảo sát của Cục BVTV dựa trên khảo sát về sử dụng thuốc, giám sát an toàn thực phẩm trên rau tươi cho thấy, nguy cơ gây mất VSATTP đáng chú ý nhất đối với sản phẩm rau tươi là dư lượng thuốc BVTV. Trong đó nhóm rau ăn lá (rau muống, rau cải các loại, rau ngót…) có nguy cơ mất VSATTP cao nhất, tiếp đến là đậu đỗ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, cải bắp, nhóm rau ăn củ, các loại rau ăn quả: bầu bí, su su, cà chua, mướp đắng là các sản phẩm ít có mẫu phát hiện dư lượng vượt mức cho phép. Ông Hồng cho biết: “Tỷ lệ mẫu giám sát có dư lượng vượt mức cho phép ở các tỉnh, thành phố là khác nhau, tuy nhiên Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội có tỷ lệ vượt mức cao hơn, tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Tiền Giang”. Kiên Thành |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã