Chiếc máy cày đất tự chế của anh Phan Bá Toàn ở thôn 2 , Đức Sơn, Anh Sơn. Ảnh: Thái Hiền
Chúng tôi tìm gặp anh Phan Bá Toàn khi anh đang dùng chiếc máy cày tự chế làm đất gieo trỉa ngô đông. Anh Toàn chia sẻ: Gia đình có 9 sào đất bãi chuyên gieo trỉa ngô, trong quá trình sản xuất, hàng năm, mỗi khi mùa vụ đến khâu làm đất luôn khiến anh phải đau đầu tính toán. Bởi nếu thuê máy cày công suất lớn thì chi phí cao, 9 sào đất của gia đình cũng mất hơn 1 triệu đồng, cày bằng trâu bò thì tốn rất nhiều công sức.
Từ đó, anh luôn trăn trở phải làm sao đưa máy móc vào để giải phóng sức lao động, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh đã nảy ra sáng kiến chế tạo máy cày mini dựa trên cơ sở tận dụng động cơ, linh kiện từ chiếc xe máy cũ trong nhà. Nghĩ là làm, anh bắt đầu nghiên cứu, mày mò vẽ ra giấy thiết kế cho ý tưởng của mình.
Sáng chế của anh Toàn được tận dụng từ động cơ và linh kiện của chiếc xe máy cũ. Ảnh: Thái Hiền
Khi bắt tay vào làm, anh Phan Bá Toàn cũng gặp không ít khó khăn vì tất cả đều tự anh suy nghĩ và thực hiện, từ việc tìm nguyên vật liệu rồi lắp ghép và hàn, có những lúc hàn xong nhiều chi tiết không phù hợp anh lại phải tháo ra làm lại từ đầu. Vừa làm vừa khắc phục, sau hơn 4 tháng, anh đã chế tạo thành công chiếc máy cày mini vừa cày đất vừa làm hàng gieo trỉa ngô, đậu, lạc… trước sự thán phục của bà con trong vùng.
Anh Toàn cho biết: Chiếc máy cày này được tận dụng từ động cơ và linh kiện của chiếc xe máy cũ, gắn với giá đỡ do anh tự tay thiết kế, hàn nối bằng các loại sắt, thép, phế liệu tận dụng. Chiếc máy có cấu tạo gồm: Động cơ xe máy; tay cầm lái; lưỡi cày có thể tháo ra dễ dàng, một lưỡi dành cho đất nhiều cỏ và một lưỡi dành cho đất ít cỏ; hai bánh lồng anh thiết kế kiểu bánh răng để không bị lún đất trong quá trình di chuyển. Đặc biệt anh đã tự chế tạo hệ thống phanh, cần số để tăng giảm vòng quay bánh xe, tăng sức kéo cho lưỡi cày khi cần thiết. Máy cày có một bình chứa xăng, một bình chứa nước làm mát hệ thống máy. Hiện tại ngoài cày đất, chẻ hàng ra anh Toàn đã thiết kế thêm bộ phận vừa kết hợp bón phân, vừa tra hạt tự động.
Anh Toàn nhẩm tính nếu như trước đây, một sào đất hai vợ chồng anh thuê máy cày phải mất 150 nghìn đồng thì với chiếc máy này anh chỉ cần 15.000 đồng tiền xăng, nâng hiệu quả lao động lên gấp hơn 10 lần so với lao động bình thường và tiết kiệm được chi phí. Đặc biệt, với kết cấu máy này sử dụng để cày rãnh, vun gốc trong giai đoạn ngô phát triển rất phù hợp, điều mà các máy cày hiện có không làm được, trong khi đó vốn để đầu tư chế tạo một chiếc máy chỉ từ 3- 4 triệu đồng.
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Sơn cho biết: Sáng chế của anh Phan Bá Toàn ở thôn 2 có thể chưa có mẫu mã hình thức bắt mắt nhưng vô cùng hiệu quả và hữu ích. Nó rất nhỏ gọn, dễ vận chuyển, góp phần giảm công lao động, giúp người nông dân đỡ vất vả, chi phí lại rất ít. Hiện nay việc cải tiến kỹ thuật của anh Toàn đã thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân. Góp phần đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp theo đúng lộ trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã