Chuyện của những “siêu nông dân”
Sở hữu biệt thự sang, kho xưởng tiền tỷ và 5 xe ô tô, ít ai nghĩ ông chủ của khối tài sản này lại là một nông dân chính hiệu khởi phát từ 6 sào cà phê. Đó là lão nông Lê Hồng Thịnh (46 tuổi, ở thôn 5, xã Gào, TP.Pleiku, Gia Lai). Hiện tại, tài sản về nông nghiệp của ông có hơn 20ha, trong đó diện tích cây cà phê hơn 17ha.
Ông Thịnh cho biết, gia đình ông vào Gia Lai từ năm 1976, đến giai đoạn ông lấy vợ và có 2 con nhỏ thì đời sống gia đình vẫn còn rất khó khăn. Nhưng từ năm 1995 trở đi, cuộc sống của gia đình ông dần dần thay đổi, khấm khá sau khi được Agribank Gia Lai tạo điều kiện cho vay vốn kịp thời.
“Hồi đó do chưa có các loại giấy tờ đất nên chưa được vay theo diện thế chấp, ngân hàng tin tưởng mình nên cho vay theo kiểu “tiền trao tay”. Lúc đó tôi vay 5 triệu đồng là to lắm, số tiền ấy tôi đầu tư trồng 6 sào cà phê. Thấy tôi làm ăn hiệu quả, qua các năm sau ngân hàng cho vay tăng lên 10 triệu, 20 triệu và đến nay tôi vẫn đang vay 5,4 tỷ đồng. Nhớ lại cái hồi ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, mà có cơ ngơi như hôm nay thì cảm thấy như nằm mơ mới có được…” - ông Thịnh chia sẻ.
Cán bộ Agribank trao đổi với nông dân Lê Đức Hạnh về sử dụng vốn vay hiệu quả. ảnh: Lê Kiến
Theo nhiều bà con, ông Thịnh được biết đến như một “siêu nông dân” với thu nhập hàng năm trên dưới 2 tỷ đồng từ bán nông sản làm ra, kinh doanh dịch vụ nông sản. Trong đó, mỗi năm gia đình thu 70 tấn cà phê nhân, 3 tấn hồ tiêu. Vợ chồng ông còn thu mua và xay xát gần 1.000 tấn cà phê. Ông mừng nhất là khi khó khăn hay làm ăn phát đạt, ngân hàng cũng luôn đồng hành, sát cánh cùng nông dân.
Cũng nhờ nguồn vốn cho vay kịp thời từ Agribank, nông dân Lê Đức Hạnh (thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai) từ một hộ găp nhiều khó khăn đã trở thành tỷ phú.
Ông Hạnh vui kể: “Tôi thích nhất là câu “Mang phồn thịnh đến mọi nhà” của Agribank. Kể từ khi tôi vay 20 triệu đồng lấy vốn làm ăn, kinh tế gia đình từ đó không ngừng đi lên và không ngừng có tích lũy. Đến nay tôi đã tích tụ được hơn 12ha cà phê, 2.000 trụ tiêu và đang tiếp tục vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng để đầu tư chăm sóc, nâng cao hiệu quả vườn cây. Hàng năm, thu nhập bình quân của gia đình hơn 1 tỷ đồng. Mình vay vừa có vốn kịp thời trong lúc khó khăn, vừa lấy việc vay làm động lực để phấn đấu trả nợ”.
Trao đổi với NTNN, ông Lê Nguyên Đức – Giám đốc Phòng giao dịch Bàu Cạn, Chi nhánh Agribank huyện Chư Prông - cho biết: “Trong quá trình cho vay, chúng tôi liên tục tinh giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Đến nay tổng dư nợ của Phòng giao dịch đạt hơn 298 tỷ đồng, chủ yếu là nông dân vay vốn làm ăn. Về nguồn vốn, ngân hàng luôn đáp ứng đầy đủ cho người dân được vay với các gói ngắn hạn, trung hạn cho đến dài hạn. Bên cạnh việc cho vay, ngân hàng luôn tăng cường sự giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn đúng mục đích để phát huy hiệu quả vốn vay”.
Agribank luôn sát cánh với người trồng cà phê
Trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020, Agribank Đăk Lăk tiếp tục cân đối và bố trí nguồn vốn kịp thời. Phấn đấu đầu tư vốn, tăng trưởng tín dụng từ 15 – 17%/năm, với tổng dư nợ tăng lên khoảng 13.000 – 14.000 tỷ đồng. Trong đó duy trì 90% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân…”. Ông Vương Hồng Lĩnh – Giám đốc Agribank chi nhánh Đăk Lăk |
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 2 chi nhánh Agribank cấp tỉnh, gồm Agribank chi nhánh tỉnh Gia Lai và Agribank chi nhánh Đông Gia Lai. Cả hai chi nhánh đều có sự đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển tam nông, dư nợ cho vay nông nghiệp đều trên 90%. Tính đến 31.12.2017, Agribank chi nhánh Đông Gia Lai có tổng dư nợ hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó huy động vốn tăng 11%, dư nợ tăng hơn 17%. Còn Agribank chi nhánh Gia Lai có tổng dư nợ 7.600 tỷ đồng.
Còn tại Đăk Lăk, Agribank chi nhánh Đăk Lăk là ngân hàng đi đầu trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới... Trong đó cho vay trồng mới, chăm sóc, kinh doanh và xuất khẩu cà phê lên tới khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đặc biệt trong các năm 2001, 2004, khi giá cà phê giảm “chạm đáy” dẫn đến khủng hoảng toàn ngành cà phê, Agribank chi nhánh Đăk Lăk đã thực hiện việc khoanh nợ trên 605 tỷ đồng và miễn, hoàn lãi trên 68 tỷ đồng cho 80 doanh nghiệp và hơn 30 ngàn hộ sản xuất cà phê. Đây là những cơ chế, chính sách hỗ trợ hết sức thiết thực, giúp cho ngành cà phê Đăk Lăk có điều kiện khôi phục và mang lại hiệu quả như hôm nay.
Trong việc tái canh cà phê hiện nay, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên gặp không ít thách thức do cà phê bị các loại cây trồng khác cạnh tranh. Mặc dù vậy, tính đến nay, Agribank Đăk Lăk đã giải ngân cho vay được hơn 37 tỷ đồng, phục vụ tái canh hiệu quả hơn 1.000ha cà phê, trong đó Chi nhánh Agribank huyện Ea Kar cho vay 25 tỷ đồng…
Ông Tăng Hải Châu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đăk Lăk đánh giá: “Mặc dù có nhiều ngân hàng thương mại cùng cho vay ở khu vực nông thôn nhưng chủ yếu là vùng trung tâm, còn Agribank Đăk Lăk vươn đến tận các vùng sâu, vùng xa của tỉnh, vùng khó khăn của tỉnh. Điều này cho thấy vai trò hết sức quan trọng của Agribank trong phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
Theo Lê Kiến - Đồng Nguyên (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã