Chưa năm nào các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều được huyện Thanh Hà và tỉnh Hải Dương tổ chức quy mô và chuyên nghiệp như năm nay, chỉ với mục tiêu giúp người tiêu dùng nhận biết và thưởng thức vải Thanh Hà “xịn” với chất lượng tốt nhất. Vải thiều Thanh Hà đã có những “lần đầu tiên” vô cùng ấn tượng.
Đầu tiên phải kể đến việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm sử dụng mã QR. Ngay tại Tuần lễ đặc sản vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội diễn ra từ ngày 12.6 – 18.6 tại 489, đường Hoàng Quốc Việt, các khách hàng đã có thể sử dụng smartphone có kết nối internet, được cài ứng dụng quét mã QR để tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ của quả vải. Chỉ mất vài giây, người tiêu dùng đã biết được sản phẩm có xuất xứ từ đâu, giá cả thế nào.
Người dân Thủ đô hồ hởi mua vải thiều Thanh Hà xịn với giá 20.000 đồng/kg.
Ông Trịnh Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, cho biết, mã QR giúp người tiêu dùng truy được nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ những địa chỉ sản xuất chân chính, tránh bị làm giả, làm nhái. Khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng truy tìm và xử lý vi phạm. “Chúng tôi cam kết với khách hàng về chất lượng của những sản phẩm vải đã được dán tem”, ông Thiện nói.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn An Việt, đơn vị phối hợp với huyện Thanh Hà tổ chức Tuần lễ đặc sản vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội, cho biết, tất cả tem truy xuất nguồn gốc đều được huyện và công ty phát miễn phí cho người dân của 25 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện. Các hợp tác xã này sẽ có trách nhiệm quản lý và sử dụng bộ mã.
Trên mỗi chùm vải đều có tem truy xuất nguồn gốc.
Không chỉ có tem truy xuất nguồn gốc, lần đầu tiên một lễ hội về vải thiều cũng được tổ chức ở ngay quê hương cây vải tổ. Và lần đầu tiên, Tuần lễ giới thiệu đặc sản vải thiều Thanh Hà được tổ chức ở Thủ đô. “Chúng tôi mong muốn giới thiệu đến người dân Thủ đô đặc sản vải thiều Thanh Hà chuẩn, được trồng theo tiêu chuẩn an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Năm nay, chúng tôi cũng liên kết với một doanh nghiệp chuyên về bảo quản kho lạnh để kéo dài mùa vụ của vải thiều”, ông Nam nói.
Các tour du lịch thăm vườn vải cũng được tổ chức. Ảnh: IT.
Được biết, từ đầu mùa vải đến nay, mỗi ngày An Việt thu mua 30 – 40 tấn vải thiều Thanh Hà cung cấp cho các đầu mối trên địa bàn Hà Nội. Giá bán trung bình vẫn đạt 20.000 đồng/kg.
Năm 2018, tổng diện tích vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt 10.500ha, trồng tập trung tại Thanh Hà và thị xã Chí Linh, dự kiến sản lượng khoảng 60.000 tấn, riêng tại Thanh Hà có khoảng 4.000ha vải được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chuyên nghiệp trong cách tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm, sự vào cuộc kịp thời của chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp, nỗ lực của người dân hướng đến sản xuất an toàn đã giúp vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được tiêu thụ thuận lợi tại nhiều thị trường trong và ngoài nước ngay cả khi sản lượng vải vụ này tăng đột biến, gây áp lực không nhỏ lên thị trường.
Theo Khánh Nguyên (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã