Kháng sinh không có lỗi, mà lỗi là do người dùng lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh không đúng mục đích (dùng để kích thích tăng trọng) hay dùng không đúng quy trình. Kỹ sư Võ Đông Đức, chuyên gia trong ngành giống thủy sản từng nói với chúng tôi: “Kháng sinh, theo các nhà khoa học thế giới, được xem như một ân huệ mà thượng đế dành cho loài người”.
Ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thịnh cũng cho biết: “Vai trò của kháng sinh trong ngành chăn nuôi là quá rõ, không thể phủ định được. Hầu hết các nước phát triển đều sử dụng kháng sinh trong ngành chăn nuôi, nhưng có sự kiểm soát gắt gao”. Ông Cung cho rằng sở dĩ việc lạm dụng kháng sinh là do người nuôi hám lợi nhuận: “Khi tôm bị dịch bệnh, sẽ xuất hiện bài toán là hủy, hay dùng kháng sinh? Nếu dùng kháng sinh, có thể cứu vãn một phần đàn tôm, có doanh số, nhưng sẽ khiến mầm mệnh không bị thiêu hủy và nguy cơ lờn thuốc tăng cao”. Rất nhiều trang trại đã chọn việc đổ kháng sinh ào ạt vào ruộng tôm và đó chính là nguyên nhân khiến tôm có dư lượng kháng sinh tăng vọt.
Mặt khác, cũng theo ông Cung: “Hiện nay, rất nhiều công ty sản xuất thuốc thú y đã dùng chính sách chiết khấu hoa hồng cho đại lý rất cao, khiến đại lý tìm mọi cách tiêu thụ càng nhiều thuốc kháng sinh càng tốt. Bởi vậy, các đại lý này thường xuyên khuyến khích người dân sử dụng kháng sinh cho vật nuôi”.
Nhiều chuyên gia ngành thú y cho rằng, với tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp thì việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là điều khó tránh khỏi, vấn đề là nhà nước cần quản lý tốt hơn việc sử dụng kháng sinh. Ngay cả việc tiêu hủy, chôn lấp động vật nhiễm bệnh cũng gây ra nguy cơ ô nhiễm đáng kể. Theo đó, cần phát triển ngành thuốc thú y tương xứng với sự phát triển của ngành, khi mà rất nhiều loại thuốc thú y lưu hành trên thị trường có nguồn gốc Trung Quốc với chất lượng kém, chưa kể thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ: “Nhà nước cần quản lý được chất lượng các sản phẩm thú y, thì các công ty đàng hoàng có nhiều cơ hội phát triển. Chúng ta cần phát triển ngành hậu cần đó là thức ăn, thuốc, các chế phẩm”.
Công nghệ sinh học cũng đang được quan tâm, như một giải pháp hậu cần để giảm rủi ro dịch bệnh. Như chia sẻ của Giám đốc Nguyễn Thanh Lang, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Diên Khánh: “Ngành nông nghiệp Việt Nam còn dùng nhiều sản phẩm liên quan hóa chất, kháng sinh. Chúng tôi khuyến khích nông dân đi theo hướng nông nghiệp bền vững, giảm lệ thuộc hóa chất và kháng sinh, bằng các sản phẩm vi sinh”. Công ty vừa nhập khẩu vừa sản xuất sản phẩm vi sinh. Sản phẩm nhập khẩu chất lượng tốt, đồng thời được “Việt hóa” để phù hợp thổ nhưỡng Việt Nam, nên phát huy hiệu quả cao.
Ông Lang cho biết thêm, người dân vẫn có thói quen sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, để thay đổi tập quán, công ty của ông phải tổ chức nhiều sinh hoạt văn nghệ, thu hút bà con tới dự, sau đó các kỹ sư, các chuyên gia sẽ giúp bà con nhận biết được lợi ích của việc sử dụng các sản phẩm vi sinh thay cho các sản phẩm hóa chất, kháng sinh, giúp bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân.
Ông Kha Sách Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV TM SX ME NON, một trong những công ty cung cấp chất phụ gia lớn nhất trong ngành chăn nuôi cho biết: “Hầu hết các nước vẫn sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhưng họ kiểm soát chặt chẽ chứ không thả nổi”. Để loại bỏ hoàn toàn kháng sinh khỏi ngành chăn nuôi là việc làm rất khó và cũng không cần thiết, bởi vấn đề cuối cùng là tồn dư kháng sinh có xuất hiện trong sản phẩm ngành chăn nuôi hay không? Nếu sử dụng kháng sinh một cách khoa học, thì tồn dư kháng sinh trong vật nuôi sẽ không đáng kể. Trong khi đó, kháng sinh nếu được dùng đúng cách cũng góp phần bảo vệ ngành chăn nuôi khỏi dịch bệnh lan rộng.
Ông Thịnh nói: “Các nước tiên tiến họ kiểm soát kháng sinh và chất cấm ở lò giết mổ chứ không phải kiểm soát các trang trại. Khi vật nuôi chuẩn bị vào lò giết mổ sẽ tiến hành kiểm tra dư lượng kháng sinh qua máu và nước tiểu vật nuôi. Nếu còn dư lượng kháng sinh, họ không giết mổ và cũng không tiêu hủy hết mà tách ra nuôi riêng, kiểm tra khi nào không còn dư lượng kháng sinh họ sẽ cho giết mổ. Một số nước hạn chế sử dụng kháng sinh thì vẫn áp dụng cách như vậy. Quy định thì trước giết mổ 7 - 10 ngày không được sử dụng kháng sinh”.
Tuy vậy, về lâu dài, xu hướng dùng các chất phụ gia thay thế hóa chất, kháng sinh đang ngày càng phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng này. “Công ty Menon chúng tôi đang triển khai nhiều chất phụ gia thay thế kháng sinh như chiết xuất tinh dầu, axit amin… những giải pháp thay thế kháng sinh, ngoài ra còn có vi khuẩn hữu ích”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung cũng cho rằng việc sử dụng các chất phụ gia thay thế kháng sinh trong việc phòng trị bệnh cho vật nuôi cũng như kích thích tăng trưởng là xu thế mới của toàn cầu: “Sở dĩ ở Việt Nam người dân còn chưa quan tâm nhiều đến các giải pháp thay thế kháng sinh một phần là do thị trường các sản phẩm vi sinh rất lộn xộn, thực giả khó lường và giá nhiều sản phẩm còn quá cao do các công ty chiết khấu tỷ lệ hoa hồng quá lớn, làm cho việc sử dụng các sản phẩm thay thế kháng sinh trong ngành chăn nuôi và thủy sản vẫn còn rất hạn chế”.
>> Khảo sát của Cục Thú y với 208 trại gia cầm ở Tiền Giang, mức sử dụng kháng sinh trên đầu gia cầm cao gấp 6 lần so với mức một số nước châu Âu. Nguyên nhân do dịch bệnh còn nhiều, bởi vậy 84% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh. Trong mỗi chu kỳ chăn nuôi, 72% số trang trại đều sử dụng ít nhất 1 loại kháng sinh để phòng bệnh và trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng. |
Nguyễn Anh/nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã