Lợi thế ngắn hạn
Phân tích về thói quen tiêu dùng thịt tươi, GS-TS Vũ Chí Cương – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Thói quen này chí ít vẫn là “hàng rào bảo hộ tự nhiên’’ hay “lá chắn” cho các nhà sản xuất trong nước. Hiện đa số người Việt Nam vẫn ưa thích thịt tươi, trong khi thịt nhập khẩu chủ yếu là thịt đông lạnh. Thói quen tiêu dùng này sẽ giúp Việt Nam còn đủ thời gian để tái cơ cấu nhanh ngành chăn nuôi. Thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt trong một sớm một chiều là không dễ. Rất nhiều gia đình Việt Nam vẫn ưa dùng gà nuôi, gà thả đồi hơn gà công nghiệp. Với thịt lợn cũng vậy, người Việt chưa quen sử dụng thịt đông lạnh”.
TS Đặng Kim Khôi dẫn chứng: Giá thịt lợn của Việt Nam ở mức 45.000- 50.000 đồng/kg, trong lúc đó giá thịt lợn ngoại nhập về bán trên thị trường Việt Nam chỉ 36.000 đồng/kg. Đến năm 2016, khi vào TPP, thuế suất sẽ là 0%, sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Bên cạnh đó, gần đây Thái Lan đã mua được hệ thống siêu thị Metro, và một loạt chuỗi siêu thị bán lẻ khác của Việt Nam. “Đây là những kênh tiêu thụ rất tốt cho họ, và khi thuế suất bằng 0%, việc nhập khẩu thịt nguyên con (lợn, bò, gà…) trở nên rất rẻ, cộng với việc có hệ thống chế biến, phân phối hoàn chỉnh ở Việt Nam, thì thói quen ăn thịt tươi của người Việt Nam cũng trở thành một lợi thế vượt trội của họ, không riêng gì của các hộ chăn nuôi trong nước”.
Giúp nông hộ hiểu rõ hơn về TPP
Theo nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (IPSARD), nhu cầu sử dụng thịt trong thời gian qua đang tăng lên, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 25 kg thịt lợn/năm. Mức độ sử dụng thịt đông lạnh có tăng lên, tuy nhiên chưa đáng kể, mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Vì vậy để tận dụng lợi thế ngắn hạn, trước mắt từ thói quen sử dụng hàng tươi sống của người Việt, các nông hộ nhỏ cần điều chỉnh, cải tổ lại kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên để làm được điều này các nông hộ nhỏ cần phải có thông tin và hiểu biết về TPP. “Hiện nay các đối tượng này gần như không biết gì về việc nước ta sắp gia nhập TPP, họ không hề biết những khó khăn thách thức đang rất cận kề với họ. Vì vậy, một trong những vấn đề trước mắt là các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực kiến thức hiểu biết của các chủ trang trại, nông hộ nhỏ, đặc biệt là những cơ sở sản xuất giống để họ nắm bắt được các thông tin về TTP cũng như những cơ hội thách thức đi kèm để họ điều chỉnh, cải tổ lại kế hoạch sản xuất” - TS Đặng Kim Khôi kiến nghị.
Vấn đề thứ hai mà các cơ quan chức năng cần làm ngay đó là siết chặt mạng lưới kiểm soát, kiểm dịch gia cầm nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Bởi giá gà thịt cũng như gà giống của Trung Quốc bán rất rẻ và cũng có thể bị bán phá giá nhưng cơ quan chức năng Việt Nam không kiểm soát được.
Cũng theo GS-TS Vũ Chí Cương – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT): “Một cơ hội nữa ít được nói đến, và vô cùng quan trọng trong cạnh tranh chăn nuôi chính là sự đa dạng của các giống vật nuôi bản địa. Chúng ta cần rà soát lại đồng thời thúc đẩy chăn nuôi sản xuất những mặt hàng đặc sản của địa phương vùng miền”.
Theo GS Cương, muốn làm được điều đó cần kết hợp với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng chuỗi giá trị từ người sản xuất đến người tiêu dùng, và cần có các doanh nghiệp lớn tham gia để xây dựng chuỗi giá trị đưa sản phẩm vào siêu thị. “Theo xu hướng, một thời gian ngắn nữa, thị hiếu người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng hàng đông lạnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kể cả người tiêu dùng thịt ăn thịt tươi sống, nhưng nếu không đảm bảo kiểm dịch, trong khi sản phẩm nước ngoài làm tốt thì họ sẽ ăn sản phẩm nhập ngoại, vừa an toàn mà giá cả cũng phù hợp”, ông Cương nhận định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã