Nông dân bị ép giá
Theo ông Lệnh Thế Hội - Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, ngô là cây chủ lực để phát triển sản xuất, giúp đồng bào ổn định nguồn lương thực và vươn lên thoát nghèo của huyện. Do vậy, hằng năm, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ trung ương, huyện Quản Bạ đã dành khoảng hơn 4 tỷ đồng để mua giống ngô lai và hơn 4 tỷ đồng mua phân bón hỗ trợ cho bà con.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năng suất ngô có thể đạt được 12 tấn/ha nhưng lợi nhuận thu về lại không được như mong muốn. Bởi lẽ, việc trồng ngô của bà con là đại trà, trên diện rộng nhưng việc tiêu thụ sản phẩm lại để mặc cho thương lái đến thu mua nên bà con thường xuyên bị ép giá. “Từ trước tới nay bà con đều tự thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, huyện đang tính đến phương án tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của bà con, không riêng gì cây ngô” - ông Hội cho hay.
Tương tự, tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình), khi chúng tôi tới tìm hiểu về công tác xóa đói giảm nghèo mới thấy công việc này còn nhiều gian nan. Bởi lẽ, ngay việc xác định trồng cây gì, nuôi con gì để giúp đồng bào phát triển kinh tế đã là vấn đề nan giải chứ chưa cần đề cập tới việc hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho bà con. Những năm trước, người dân nơi đây đã từng được hướng dẫn trồng đào, trồng mận thương phẩm. Tuy nhiên, trồng được nhưng không bán được, đã có lúc người dân chặt cả cây đem lên trụ sở ủy ban xã, xuống cả huyện... bắt đền cán bộ.
Doanh nghiệp chẳng mặn mà
Bà Nguyễn Thị Tâm- Giám đốc Công ty Phương Huyền chia sẻ: “Trước đây, trên địa bàn huyện Mai Châu cũng có tới năm, bảy doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh sản xuất nông lâm nghiệp. Nhưng bây giờ, họ rút hết, chỉ còn lại mình tôi. Nói như vậy để thấy rằng, hoạt động trong lĩnh vực này rất vất vả vì công sức bỏ ra lại lớn nhưng thu hồi vốn chậm, lợi nhuận ít”.