Trồng lạc cho lãi ròng gấp 10 lần so với cây lúa
Vụ HT 2016, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với xã Bình Đào, huyện Thăng Bình SX 10ha lạc L23 trên đất lúa chuyển đổi. Có 70 hộ dân thuộc tổ 10, thôn Vân Tiên tham gia mô hình. Ngay từ đầu vụ, bà con được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ giống, sử dụng chế phẩm Tricoderma.
Ông Lê Văn Để, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thăng Bình đánh giá, đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khá cao so với cây lúa. Quá trình triển khai và theo dõi thấy mô hình cho thu nhập khá.
Ông Để hạch toán: Trồng 1 sào lạc đầu tư giống 450.000 đồng tiền giống, phân bón, thuốc BVTV, vôi… gần 400.000 đồng và tiền công 1,2 triệu đồng. Thu hoạch được 175kg, bán với giá 25.000 đồng/kg, cho thu nhập hơn 4 triệu đồng. Trừ chi phí cho lãi ròng 2,3 triệu đồng. Còn 1 sào lúa, tổng chi phí hết 1,3 triệu đồng, thu về chỉ 1,5 triệu đồng, cho lãi 201.000 đồng. Qua con số này cho thấy, trồng lạc lãi ròng gấp 10 lần trồng lúa.
“Mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng lạc rất có ý nghĩa trong công tác chuyển đổi cây trồng ở huyện Thăng Bình. Cây lạc cho năng suất cao, sinh trưởng và phát triển trên vùng đất thiếu nước. Nếu thâm canh tốt, trồng lạc sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn nữa”, ông Để cho hay.
Trồng lạc tiết kiệm 70% nước so với trồng lúa
Theo ông Để, giai đoạn gần đây cây trồng ảnh hưởng rất nặng nề từ biến đổi khí hậu. Tại Thăng Bình, một số vùng SX lúa gặp rất nhiều khó khăn về nước tưới. Do đó, việc chuyển đổi sang cây trồng cạn là rất cần thiết.
Đang thu hoạch 2 sào lạc do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, nông dân Trần Thị Tâm ở thôn Vân Tiên cho hay, đầu vụ gia đình bà được hỗ trợ giống trồng 2 sào lạc L23 và chế phẩm Tricoderma. Vụ HT này, thời tiết có nhiều bất lợi, song năng suất lạc vẫn đạt khá.
“Trồng lạc có sử dụng chế phẩm sinh học đã hạn chế được sâu bệnh, củ to, đẹp. Dùng chế phẩm chỉ mất ít thời gian đầu vụ, nhưng cả vụ được lợi nhiều cái. Có thể nói sử dụng chế phẩm sinh học đã tiết kiệm được nhiều thứ”, bà Tâm bày tỏ.
Còn lão nông Lâm Văn Hậu cho hay, cánh đồng Tràm này thiếu nước thường xuyên, vụ ĐX bà con SX lúa, còn vụ HT thiếu nước nghiêm trọng. Qua 2 vụ liên tiếp được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ chuyển đổi sang trồng lạc, người dân có thu nhập.
Lão nông Lâm Văn Hậu thu hoạch lạc
Theo ông Hậu, trồng lạc mỗi vụ chỉ tưới nước 3 đợt, so với cây lúa thì tiết kiệm hơn 70%, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Trong khi đó, đầu ra của cây lạc rất thuận lợi, thời gian chăm sóc ít, thu hoạch xong tận dụng thân cây làm thức ăn chăn nuôi.
Ông Võ Tấn Sanh, GĐ HTX Nông nghiệp Bình Đào cho biết, trên địa bàn xã chủ yếu là vùng đất cát, hệ thống thủy lợi tê liệt, nước từ hồ Phú Ninh không về được, vụ HT trồng lúa rất khó khăn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là những giống cây chịu hạn như lạc là hết sức cần thiết...
Tỉnh Quảng Nam có khoảng 12.000ha lạc, là cây trồng truyền thống có diện tích đứng thứ 3, sau cây lúa và ngô. Tiềm năng diện tích trồng lạc có thể mở rộng trên 20.000ha trên đất lúa không chủ động nước tưới, nhiễm mặn. Diện tích lạc còn có thể mở rộng hơn nữa nhờ chuyển đổi cây trồng đang được đẩy mạnh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã