Nếu có dịp lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hoặc Sa Pa (Lào Cai), chúng ta sẽ bắt gặp những vườn su su rộng lớn. Có lẽ trước đây bà con ở đây cũng đã trồng nhiều loại cây khác, nhưng thực tiễn cho thấy, không cây nào cho lợi nhuận cao hơn su su.
Khi lên thăm Mộc Châu (Sơn La), chúng ta cũng thấy nhiều vườn mận tươi tốt trước đây lại được thay bằng những vườn su su. Bà con chắc cũng đánh giá đúng được giá trị của su su nên cũng đã nhanh chóng chuyển đổi.
Không riêng gì miền núi phía Bắc mà ngay cả ở đồng bằng Bắc Bộ, mùa này, bà con cũng bắt đầu trồng su su. Ở Tây Nguyên, nhiều nhà coi su su là cây rau thuận lợi nhất của gia đình… Ta không ngạc nhiên khi thấy ở thành phố, có người đã trồng su su ngay trên sân thượng và đó là cách giải quyết nhu cầu rau sạch tốt nhất. Có lẽ điều đó cũng đúng vì một gốc su su mà được chăm bón tốt, đủ giàn để leo thì có thể cho ta từ 300 – 400 quả - thừa ăn suốt mùa!
Su su rất dễ trồng. Ta đào hố để trồng nên dù đất có xấu ta vẫn khắc phục được. Mùa này bắt đầu trồng là hợp lý. Ta mua quả su su giống đã nảy mầm để đem trồng. Hố phải đào rộng, kích thước ít nhất phải 0,5 x 0,5m và sâu 0,4m; cho phân chuồng hoai mục và 200g NPK trộn đều với đất mặt để đưa vào hố. Ta làm ụ cao hơn mặt đất để phòng bị úng. Có thể trồng các hố cách nhau 4-5m hoặc 7-8m.
Su su là cây leo giàn, vì vậy phải có cây để nó leo lên. Giàn có thể làm bằng tre, nứa hoặc bằng dây thép. Nhiều nơi đã đúc trụ xi măng và giăng dây thép làm giàn, như vậy sẽ vĩnh cửu và không lo bị đổ khi có gió lớn. Giai đoạn cây vừa mới nhô lên, cần tránh để gà, lợn ăn mất ngọn. Ta có thể lấy nứa đập dẹp để uốn bao xung quanh, ngăn cho vật nuôi không tiếp xúc được với cây.
Trong những tuần đầu, phải tưới thường xuyên để giữ ẩm cho cây. Khi nó đã lên tới giàn, ta lưu ý vắt cành để nó có thể mau chóng bò kín giàn. Làm sao để mọi lá đều có thể tiếp nhận được ánh sáng đầy đủ.
Sau 3 tháng, cây bắt đầu cho quả đều. Quả su su lớn, bình thường đạt 3-4 lạng/quả, có quả nặng tới 5-6 lạng. Để ý sẽ thấy, cứ mỗi mắt lá lại ra một quả. Vì vậy, số quả trên giàn rất nhiều. Ta phải thu hoạch thường xuyên và cũng phải nhớ tưới, bón thường xuyên. Nếu thiếu dinh dưỡng và thiếu ẩm, su su rất nhanh già cỗi và lụi tàn.
Su su còn được thu ngọn để làm rau. Rau su su cũng được người tiêu dùng ưa thích nên bán rất chạy. Có nơi thu ngọn su su là chính, quả là phụ.
Tuỳ từng địa phương mà ta chọn việc lấy quả hay lấy ngọn. Chỉ có điều, su su không cần bất cứ loại thuốc trừ sâu nào. Do đó, ta cố giữ để nó luôn luôn là sản phẩm an toàn và hấp dẫn cho người tiêu dùng.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã