Vầu đắng là một loại tre mọc đơn lẻ từng cây một. Nó không có gai và mọc rất thẳng. Mang tiếng là “đắng” nhưng nếu hái măng vào đầu mùa thì măng không đắng và ăn rất ngon, còn thu muộn hơn nó sẽ có vị đắng đặc trưng.
Cây vầu thẳng và vươn cao, có cây cao tới gần 20m, đường kính thân từ 10-12cm, vách thân dày tới 1cm. Vì vậy, nó được dùng làm vật liệu trong xây dựng, làm đũa xuất khẩu, làm các đồ gia dụng và còn làm cả nguyên liệu để sản xuất giấy nữa.
Cây vầu có 2 loại thân. Phần ta nhìn được là thân khí sinh. Còn phần ngầm mọc từ gốc thân khí sinh ra đâm ngang dưới đất gọi là thân ngầm. Thân ngầm sinh trưởng mạnh vào mùa hè, lúc đó thường có mưa. Trên thân ngầm sẽ mọc lên những chồi măng, nó đội đất và vươn lên thành những cây vầu mới. Thân ngầm lan tới đâu là măng vầu mọc lên tới đó. Hiện nay, vầu đắng chủ yếu phân bố ở vùng trung du và miền núi phía Bắc. Nó có nhiều nhất là ở Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Hoà Bình, Thanh Hoá và cả Quảng Ninh nữa.
Vầu thích hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa đông bắc; nền nhiệt trung bình trong năm từ 21-22 độ C; lượng mưa từ 1.600 - 4.000m; độ ẩm không khí cao từ 85-90%. Các sườn đồi dốc 25-30 độ và các thung lũng ở độ cao 350-1.200m có nền đất thịt và tầng canh tác từ 0,5-0,8m là nơi vầu mọc rất tốt. Nó là cây chịu bóng, ưa ẩm, mọc tốt dưới tán rừng thứ sinh và có thể mọc hỗn loài với các loại cây lá rộng trong rừng mới phục hồi sau nương rẫy bỏ hoang hoá. Nhưng cần lưu ý, không nên trồng vầu vào những dải đất trống trải và đầy sáng vì nó không thích ứng môi trường đó, cả măng và cây đều lên chậm.
Hiện nay, vầu được nhân chủ yếu bằng hom. Hom thân ngầm nên dài 50-60cm và có ít nhất 2-3 mắt đốt có chồi ngủ còn tươi ở những cây tuổi từ 1-2 năm. Còn hom thân khí sinh một tuổi nên dài từ 40-50cm và còn có cành lá.
Mỗi hecta ta trồng độ 400 gốc, cự ly 5x5m. Khi cây lên rồi, nó sẽ tự lan rộng ra. Ta cần phát dọn thực bì và đào hố để trồng với kích thước 50x50x40cm. Mỗi hốc bón lót 2-3kg phân chuồng và 5-7kg phân xanh cùng với 100g NPK(2:3:1). Sau khi trồng cũng cần định kỳ phát dọn với các cây bụi và các loại dây leo, vun xới đất quanh gốc.
Vầu xếp vào loại cây lâm nghiệp ngoài gỗ và nhanh cho thu hoạch. Chỉ 3-4 tuổi là ta đã khai thác được rồi, để tới 5 tuổi là cây đã già. Khi khai thác, ta chặt cây 4 tuổi và để mật độ còn lại ổn định khoảng 6.000 cây/ha. Chu kỳ khai thác là 2-4 năm. Nếu tạo được rừng vầu, bà con ta sẽ có được nguồn thu liên tục và bền vững.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã