Sau hơn 8 năm gắn bó với động vật hoang dã (ĐVHD), anh Cao Thanh Long đã xây dựng cho mình được một trang trại nuôi ĐVHD quy mô lớn bậc nhất tại thành phố với thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Điều đặc biệt trang trại ĐVHD của anh không nằm ở những nơi xa xôi, hẻo lánh mà lại nằm ngay giữa đất Sài Gòn phồn hoa.
Đến đường số 11 (của phường Linh Xuân, quận Thủ Đức), chúng tôi dễ dàng tìm đến được trang trại nuôi ĐVHD của anh Cao Thanh Long. Dù trang trại này nằm trong hẻm nhưng hầu như khi hỏi về trang trại này người dân địa phương đều biết đến. Lúc chúng tôi đến, anh Cao Thanh Long đang bận bịu cùng công nhân của mình bứng một số cây xanh về trồng. Anh cho biết các loại ĐVHD ưa môi trường có nhiều cây cối gần gũi với thiên nhiên nên anh đang tăng cường trồng mảng xanh cho trang trại.
Đa dạng về chủng loại
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, thích thú bởi môi trường gần gũi với thiên nhiên của trang trại Thanh Long. Tọa lạc trên diện tích hơn 4.000m2, sát bên vườn tràm rộng lớn trang trại của rất mát mẻ, yên tĩnh và dường như biệt lập hẳn với bên ngoài. Bên trong trại, anh Long chia ra làm nhiều khu vực với thiết kế thoáng đãng, khoa học để nuôi nhốt các loại ĐVHD khác nhau. Cũng nhờ vậy mà các loại động vật này có được không gian yên tĩnh, không gây ảnh hưởng lẫn nhau.
Nói về quá trình gắn với ĐVHD của mình, anh Cao Thanh Long cho biết đến với nghề này cũng trong một dịp tình cờ. Đó là vào năm 2006, trong một lần lên thăm người thân ở Bình Dương anh thấy có người nuôi gà rừng. Anh thích thú tìm mua về một cặp nuôi thử. Không ngờ trong lúc nuôi anh nhận thấy loại gà rừng này dễ nuôi, ít bệnh tật và từ đó anh lập tức có suy nghĩ sẽ phát triển đàn gà rừng bằng cách ấp đẻ tự nhiên. Nghĩ là làm anh đã tự mày mò, học hỏi các kỹ thuật về chăm sóc, ép đẻ gà rồi áp dụng cho đàn gà rừng của mình. Khoảng 1 năm sau anh đã thành công trong việc cho đẻ gà rừng. Cũng từ đây đàn gà rừng của anh ngày càng tăng về số lượng, đến khi phát triển lên thành 400 con gà rừng, anh mới yên tâm và toàn tâm toàn ý gắn với đàn gà. Trang trại gà rừng của anh dần được nhiều người biết và tìm đến mua, nhiều thời điểm lượng gà cung không đủ cầu.
Cũng trong thời điểm này phong trào nuôi nhím phát triển mạnh nên anh cũng dành dụm từng đồng vốn để mua nhím về nuôi. Và anh cũng được xem là một trong những người đầu tiên nuôi nhím tại Sài Gòn. Anh Long cho biết vào thời hoàng kim một cặp nhím giống anh bán được từ 7 - 10 triệu đồng, còn nhím bố mẹ giá từ 20 – 30 triệu đồng/cặp, còn nhím thịt cũng rất được giá và được các thương lái tự tìm đến trại để mua. Khi đó nguồn thu từ nhím rất lớn nên anh có thêm điều kiện mở rộng chuồng trại. Nhưng thời hoàng kim của nhím cũng nhanh chóng trôi qua khi nhiều người dân thấy lợi nhuận hấp dẫn nên đổ xô nuôi dẫn đến cung vượt quá cầu.
Thế rồi anh lại tập trung nuôi dúi, một động vật nhìn giống chuột nhưng cho thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Đây cũng là loài động vật hoang dã chủ lực mang lại thu nhập cao cho trang trại anh, loại này nuôi khá đơn giản, sức đề kháng cao và đặc biệt thức ăn của chúng là các loại rau, củ, mía,… nên rất dễ tìm và ít tốn kém. Đối với dúi, mỗi năm sinh sản 4 lứa (một lứa từ 3 – 5 con) nên số lượng dúi trong trại của anh cũng chiếm số đông so với các loại động vật khác.
Chưa dừng lại, với diện tích đất trong trại rộng lớn anh luôn tìm các loại ĐVHD về nuôi, và loại được anh đặc biệt quan tâm đó là chồn hương. Ban đầu anh đã phải lặn lội đi khắp nơi tìm mua giống chồn hương về nuôi. Sau đó với kinh nghiệm nhiều năm trong nuôi ĐVHD anh không gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng, nhân giống loại ĐVHD này. Nhờ được chăm sóc kỹ, đàn chồn hương trong trại của anh sinh trưởng tốt và không ngừng gia tăng về số lượng. Anh Long cho biết việc nuôi loại chồn hương này không quá khó khi nguồn thức ăn chủ yếu là cháo đầu gà. Các đầu gà được anh ra chợ mua về đem xay rồi nấu cháo cho chồn ăn, với chi phí không cao.
Đặc biệt khi nhận thấy thịt cheo được thị trường ưa chuộng, nhất là các nhà hàng nên anh cũng tìm mua con cheo về nuôi. Từ một vài con ban đầu, đến nay đàn cheo trong trại của anh lên đến vài trăm con. Trang trại anh trở thành nơi cung cấp chính cheo thịt cheo cho thị trường thành phố. Anh Long cho biết: “Trong khu vực thành phố và các vùng lân cận hầu như rất ít người nuôi được cheo. Nhưng trang trại của mình không chỉ nuôi được mà còn nhân giống được đàn cheo. Loại này khá nhút nhát nên trong khu vực nuôi cần phải trồng nhiều cây cỏ, làm hang để tạo vẻ hoang dã để cheo có nơi trú ẩn”.
Theo chân anh đi một vòng quanh trại chúng tôi còn bắt gặp nhiều loại ĐVHD khác được anh nuôi dưỡng, thuần hóa. Tất cả đều sinh trường tốt, và khá dạn dĩ với con người. Anh Long cho biết đến nay trang trại của anh đang nuôi dưỡng, thuần hóa được 12 loài ĐVHD. Các loài này anh đều có đăng ký với bên Chi cục Kiểm lâm và được kiểm tra định kỳ. Đó còn chưa kể nhiều loại không cần phải đăng ký như gà rừng, gà đông tảo, chim công, chim trĩ…
Thu nhập hấp dẫn
Nhờ chịu khó tìm tòi học tập kinh nghiệm cũng như nỗ lực trong nghề nên đến nay sau hơn 8 năm thành lập trang trại nuôi ĐVHD của anh không ngừng phát triển. Số lượng ĐVHD trong trại luôn tăng theo từng năm. Các loại động vật anh nuôi đều mang lại thu nhập cao cho gia đình và trở thành mơ ước của nhiều người. Trong đó chỉ tính riêng gà rừng mỗi tháng anh có khoảng 400 con giống. Với giá mỗi con 100.000 đồng anh đã có thu nhập 40 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí chăm sóc gà không cao.
Anh Long cho biết hiện nay trang trại anh hơn 400 con chồn hương, mỗi năm anh thu nhập hàng tỷ đồng từ bán chồn thịt và giống. “Một con chồn hương vậy để 1 năm 2 lứa, một lứa 4 con. Trong khi mình bán con giống như vậy từ 3 – 5 triệu đồng. Như vậy với số lượng hiện có trong trại thì mỗi năm nếu tính ra thu tiền tỷ từ chồn hương. Đó còn chưa kể số lượng chồn bán thịt cũng rất được giá với 1,3 triệu đồng/kg”.
Ngoài ra các loại như dúi, nhím, chim trĩ, chim công, gà đông tảo,…cũng đang mang lại nguồn lợi không nhỏ cho trang trại. Các loại này cũng có khách hàng thường xuyên tìm đến trại mua. Đặc biệt trong dịp tết gà Đông Tảo trong trang trại Thanh Long cũng là loại được nhiều người đặt mua. Với đàn gà Đông Tảo này mỗi năm anh thu cũng vài chục triệu đồng.
Tận dụng diện tích đất rộng, anh còn nuôi thêm hàng chục con chó Phú Quốc sinh sản. Anh Long cho biết việc nuôi loài chó này nói đúng nghĩa là “làm chơi, ăn thiệt”. Bởi theo anh việc nuôi chó này không khó khăn, vừa nuôi để chó canh giữ trại vừa để bán con giống. Anh cho biết đàn chó Phú Quốc nuôi trong trại anh đang trong thời kỳ sinh sản, con giống không đủ bán cho khách. Ước tính mỗi năm đàn chó cũng mang lại cho anh khoảng 100 triệu đồng từ bán con giống.
Theo tính toán của anh trừ chi phí, mỗi năm anh thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng từ trang trại nuôi ĐVHD. Từ nguồn thu nhập này anh không ngừng mở rộng quy mô trang trại để tiếp tục nghề nuôi ĐVHD. Theo dự kiến anh Long sắp tới sẽ bố trí hệ thống phun sương, quạt hút để tạo thông thoáng, mát mẻ cho chuồng trại. Bên cạnh đó anh cũng tìm kiếm nuôi thêm loại ĐVHD để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Muốn thành công phải yêu nghề
Với những thành quả đạt được anh Cao Thanh Long được bầu chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố trong nhiều năm liền. Trang trại của anh được xem là một trong những trang trại làm ăn có hiệu quả tại thành phố. Anh Long cho biết hiện nay trang trại nuôi ĐVHD của anh có khách hàng ở nhiều nơi, không chỉ ở thành phố mà còn ở một số tỉnh, thành khác với đầu ra luôn ổn định. Trang trại nuôi ĐVHD của anh cũng trở thành điểm đến tham quan học tập kinh nghiệm của sinh viên một số trường đại học, một số nhà khoa học và nhiều nông dân có nhu cầu nuôi ĐVHD tại thành phố và các khu vực lân cận.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ĐVHD, anh Long cho biết ĐVHD là loại có sức đề kháng cao, ít bệnh tật, ít rủi ro và rất dễ ăn. Thức ăn chủ yếu là rau củ, quả và một số loại thịt động vật mua ở chợ với giá khá thấp. Nuôi ĐVHD không khó nhưng trước mắt người nuôi phải yêu nghề, phải yêu chúng và chịu khó tìm hiểu thì mới thành công được. Chẳng hạn như nói về việc cho động vật ăn, anh Long cho biết: “Để cho ăn đúng cách thì phải tìm hiểu về đặc tính của chúng. Các loại ĐVHD đa phần là loài hay ăn đêm, nên mình phải tìm hiểu và cho chúng ăn vào thời gian thích hợp, một số loài không thể cho ăn vào ban ngày được.”. Ngoài ra theo anh Long, không gian nuôi ĐVHD cũng phải thoáng đãng, yên tĩnh và có nhiều cây cỏ. Các chuồng nuôi nhốt cũng phải được bố trí một cách khoa học để tiện chăm sóc và để chúng có không gian đủ rộng để phát triển tốt. Với những kinh nghiệm có được từ quá trình tích lũy gần chục năm trong nghề, anh Long cho biết sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm về nuôi ĐVHD cho bất cứ ai có nhu cầu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã