Ông Tống Văn Phong bên vườn quýt đường. Ảnh: A.T
Trước đây, ông Phong từng là cán bộ nhà nước huyện Lai Vung, vì hoàn cảnh gia đình nên ông xin nghỉ việc để chuyên tâm canh tác 40 công đất trồng quýt đường-loại đặc sản nổi tiếng cả nước. Ông cũng là người đầu tiên mang loại cây trồng này về trồng thử nghiệm thành công tại xã Vĩnh Thới từ những năm 1990.
Nhờ cây quýt đường đặc sản, trong năm 1992, trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông Phong đã thu lãi hàng trăm triệu đồng. Và con số này đã tăng rất nhanh ở những năm tiếp theo. Và hàng chục năm nay, mỗi năm ông Phong có lãi hơn 2 tỷ đồng từ 40 công đất trồng quýt đường. Nhận thấy giống mận đỏ An Phước có tiềm năng, năng, năm 2016, ông Phong đã san bớt 20 công quýt đường sang trồng giống trái cây này và cũng thành công.
Trong canh tác, ông Phong tuân thủ nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhưng trái quýt vẫn có được màu sắc, hương vị đặc trưng khiến thương lái đến thu mua để xuất khẩu sang nhiều nước, vùng lãnh thổ như Thái Lan, Malaysia, Hongkong (Trung Quốc)…
Ông Lại Văn Muốn, ngụ cùng ấp với ông Phong kể lại: “Ấp Hòa Khánh đã có hàng chục hộ trồng quýt đường theo sự tư vấn của anh Phong, từ đó gia đình nào cũng ăn nên làm ra. Nhà tôi trồng 4 công, mỗi năm lời gần 200 triệu đồng…”.
Không chỉ tận tâm, tận lực với bà con xung quanh bằng việc thường xuyên đến kiểm tra tư vấn, phát hiện sâu bệnh cho người trồng quýt đường, ông Tống Văn Phong còn làm “chuyên gia” miễn phí đi tư vấn cho nhiều hộ nông dân khác ở các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… với mong muốn ngày càng có nhiều hộ ăn nên làm ra từ trái quýt đường đặc sản.
Thu hoạch quýt đường tại gia đình ông Tống Văn Phong. Ảnh: A.T
Từ những suy nghĩ nhân văn, thấu đáo, năm 2000, ông Tống Văn Phong đã xây dựng mô hình “Tổ hợp tác trồng quýt đường sạch xã Vĩnh Thới” do ông làm tổ trưởng với hơn 50 thành viên. Hiện nay số người tham gia đã vượt qua con số 100 bởi sự hấp dẫn, thiết thực của mô hình. Tất cả thành viên đều áp dụng phương thức trồng quýt đường VietGAP và luôn được thương lái đón nhận nhiệt tình dù giá bán cao hơn quýt đường trồng theo cách truyền thống từ 20-30%. Từ đó bình quân mỗi công đất trồng quýt VietGAP đã mang về cho người trồng từ 50-60 triệu đồng. Điều phấn khởi là quýt đường VietGAP chưa rơi vào cảnh “trúng mùa, mất giá”, không bị “dội chợ”.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 2/2017, ông Phong còn đề nghị và được các cấp nhất trí thành lập “Hội quán Thành Tâm”. Đây là 1 loại hình sinh hoạt cộng đồng của nông dân, nhà vườn đang rất phát triển tại tỉnh Đồng Tháp. Hiện đã có trên 50 nông dân xã Vĩnh Thới tự nguyện tham gia Hội quán Thành Tâm.
Hiện nay, ông Tống Văn Phong đang là 1 trong 6 hộ dân trong Hội quán Thành tâm đã được tập đoàn Vingroup bao tiêu toàn bộ sản phẩm quýt đường với các công đoạn kiểm tra rất chặt chẽ từ các khâu ra hoa, đậu trái, thu hoạch... Hiện nay, đơn vị bao tiêu sản phẩm đang tích cực cùng các hộ thu hái quýt đường, mận An Phước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.
Với những thành tích đạt được, ông Tống Văn Phong đã vinh dự được nhận bằng khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2007 – 2011”. Khi chia tay ông Phong bật mí thêm: “Tui sẽ kết hợp trồng quýt đường, mận An Phước với du lịch sinh thái tại vườn. Mô hình sẽ có sinh hoạt đờn ca tài tử Nam Bộ và các trò chơi dân gian vùng sông nước miền Tây…”.
Theo Phan Thị Anh Thư (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã