Một trong những mô hình trồng rau VietGAP |
Trung bình mỗi ngày HTX Yên Mỹ tiêu thụ được 1 tấn rau, đem lại nguồn thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng/sào/vụ cho người nông dân.
Cùng với HTX Yên Mỹ, HTX Hoằng Hợp và HTX Quảng Thắng ở thành phố Thanh Hóa cũng được chọn thí điểm triển khai dự án. Ông Lê Huy Cường, đại diện HTX Hoằng Hợp chia sẻ, từ khi có dự án, 40 lao động trực tiếp sản xuất rau và đội ngũ cán bộ xã, cán bộ kỹ thuật được tập huấn kiến thức nâng cao kỹ thuật sản xuất, ghi chép cập nhật thông tin hàng ngày, sản phẩm rau đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt được hỗ trợ gắn kết với các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm, từ đó đã làm thay đổi cách làm truyền thống.
Đến nay, thương hiệu rau của HTX Hoằng Hợp đã bắt đầu được xây dựng, được người tiêu dùng trong toàn tỉnh biết đến. Mỗi ngày HTX cung ứng từ 1-1,5 tấn rau cho địa bàn thành phố Thanh Hóa, thu nhập của người nông dân tăng từ 15-20% so với trước đây.
“Do đó, cấp ủy chính quyền và nhân dân địa phương xã Hoằng Hợp đã xác định sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP nhãn xanh sẽ là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp từ nay đến năm 2015, góp phần vào xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2013, chúng tôi sẽ mở rộng nâng quy mô áp dụng VietGAP nhãn xanh ở Hoằng Hợp lên 24 ha và đến 2015 lên 50ha”, ông Cường cho biết.
Còn đại diện gần 300 hộ sản xuất vải thiều tại Lục Ngạn tại tỉnh Bắc Giang, ông Trần Đức Định, Chủ nhiệm HTX Trại Mới, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) đánh giá, sau khi có dự án, HTX thành lập 5 tổ sản xuất và mỗi một tuần cử các tổ trưởng kiểm tra chéo quy trình chăm sóc vải thiều của nhau và một tháng tổng kết rút kinh nghiệm một lần. Sau đó, tổ gắn mã số cho từng hộ gia đình. Khi có mã số, vải xuất khẩu có vấn đề gì tự gia đình đó chịu trách nhiệm. “Chăm sóc tuy có vất vả hơn nhưng đảm bảo sự an toàn cho người nông dân, môi trường nông thôn và sức khỏe của người tiêu dùng. Hiệu quả kinh tế cũng hứa hẹn sẽ cao hơn sau khi được đông đảo người tiêu dùng biết đến…” - ông Định chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng chất lượng 2, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NNPTNT) cho hay, VietGAP nhãn xanh được hiểu là một sản phẩm đảm bảo được cả tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
Đến nay, đã có 12 mô hình chuỗi sản xuất – phân phối ngành hàng rau, trái cây an toàn được chứng nhận VietGAP nhãn xanh ở Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bắc Giang và Tiền Giang; 11 mô hình chăn nuôi heo, gà an toàn đượcchứng nhận VietGAP nhãn xanh ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An. Đây thực sự là tín hiệu vui với người tiêu dùng bởi đang ngày càng có nhiều nông sản sạch được cung ứng ra thị trường.
Xây dựng uy tín thương hiệu rau quả Việt Nam
“Những DN làm theo quy trình VietGAP đều vượt qua khủng hoảng” - ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định.
Theo ông Hồng, năm vừa rồi, rau quả Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước, về công tác ATVSTP đối với xuất khẩu vẫn làm tốt theo thông lệ quốc tế. Trong năm 2013 công tác đó vẫn phải tăng cường để tạo uy tín cho rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng khuyến cáo các DN phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tìm hiểu kỹ lưỡng các yêu cầu về xuất khẩu ở những thị trường mới. Bộ NNPTNT kiên quyết ngăn chặn các DN không đạt yêu cầu xuất khẩu để không làm ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam.
“Trong thời điểm này, tôi cho rằng việc tổ chức sản xuất rất quan trọng. Trong tổ chức sản xuất vai trò của DN rất lớn để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, liên kết với nông dân. Còn cơ quan quản lý nhà nước sẽ đóng vai trò trọng tài hướng dẫn và đưa ra các chính sách hợp lý khuyến khích phát triển các vùng sản xuất rau quả sạch đảm bảo an toàn. Quy hoạch những vùng rau sản xuất theo quy trình VietGAP là hướng làm ăn bền vững và lâu dài. Những DN làm theo quy trình đó đều vượt qua giai đoạn khó khăn trong khủng hoảng”, ông Hồng nhận xét.
Công Trí
Theo baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã