Còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, càng gần tết thì trên những đồng lạc, không khí lao động càng khẩn trương, tất bật. Có mặt từ sáng tinh mơ đến trưa tròn bóng, ông Trần Hữu Thịnh (Thạch Bằng, Lộc Hà) mới cày xong được vài thửa lạc. Cả nhà phải tập trung nhân lực, máy móc làm theo kiểu “cuốn chiếu” mới có thể xong trước tết. Ông Thịnh cho biết: “Vụ này, gia đình tôi làm 5 sào, hôm nay là ngày đầu tiên xuống đồng làm lạc, cày đến đâu là đổ đạm và vun luống tới đó. Ít hôm nữa, cả đồng lạc này sẽ được gieo trỉa kín”.
Bà con nhân dân xã Sơn Thủy (Hương Sơn) làm đất chuẩn bị gieo trỉa lạc xuân. Ảnh: Đậu Bình |
Muốn thu ghém gọn gàng việc đồng áng để yên tâm đón tết nên vào những ngày này, bà con nông dân tập trung ra đồng đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Từ Thạch Bằng, Thạch Châu, về Thạch Mỹ, Mai Phụ, tấp nập người làm đất, nơi có máy cày “cải thiện”, còn không, bà con phải huy động 2-3 con bò kéo một lúc để kịp tiến độ. Chị Nguyễn Thị Thanh (Thạch Mỹ) cho hay: “Cũng may, thời tiết ủng hộ, những ngày này trời hửng nắng nên tiến độ làm đất cũng nhanh hơn. Khoảng 3-4 ngày tới là chúng tôi có thể gieo trỉa rồi. So với các địa phương khác, điều kiện canh tác ở đây đặc biệt hơn. Do không chủ động nước nên vụ lạc xuân thường đến sớm, nhằm tránh tình trạng mưa rét kéo dài sau tết, vừa hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra, nhất là vào thời điểm đâm tia và ra hoa”. Đến thời điểm này, toàn huyện đã gieo trỉa được 15% diện tích trong số 1.354 ha. Vựa lạc của tỉnh vẫn luôn đi đầu sử dụng nhóm giống cao sản, có giá trị hàng hóa cao.
Vừa gieo cấy lúa, vừa xuống giống lạc xuân, Kỳ Anh vẫn là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về tiến độ. Bắt đầu xuống đồng làm lạc xuân từ ngày 25/1, đến nay, toàn huyện đã gieo trỉa gần 250/3.000 ha kế hoạch. Ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng Nông nghiệp Kỳ Anh cho biết: “Kế hoạch xuống giống lạc xuân diễn ra hai đợt, các xã vùng ngoài (Kỳ Bắc, Kỳ Phong, Kỳ Xuân) thường bắt đầu sớm hơn xã vùng trên (Kỳ Thượng, Kỳ Trung, Kỳ Sơn…). Năm nay, thời tiết thuận lợi nên tiến độ đảm bảo được kế hoạch”. Cũng theo ông Trọng, Kỳ Anh là địa phương có diện tích lạc đứng đầu toàn tỉnh (3.000/16.380 ha). Ở những vùng có diện tích lớn, trung bình mỗi xã đạt 200-300 ha. Dù mới đầu vụ nhưng bà con đã dồn lực cho cây trồng chủ lực này”.
Khác với không khí tất bật, sôi nổi ở các vùng lạc trọng điểm, tại một số địa phương lại khá “im hơi lặng tiếng”. Theo thống kê của ngành chuyên môn thì những vùng có diện tích đã gieo trỉa chỉ đếm được trên đầu ngón tay, ngay cả các huyện có diện tích lớn như: Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê cũng chưa bắt đầu. Nguyên nhân chính là từ 2 năm nay, thời vụ gieo trỉa lạc xuân (bắt đầu vào khoảng giữa tháng 1 đến nửa cuối tháng 2/2013) trùng với thời điểm toàn tỉnh tập trung xuống giống cho 70% diện tích lúa xuân - trà xuân muộn. Vì vậy, áp lực về công việc và thời gian gieo trỉa lạc lớn gấp nhiều lần so với trước. Tính đến nay, toàn tỉnh gieo trỉa được 276/16.380 ha lạc xuân, chủ yếu là nhóm giống L14, L23.
Thời vụ xuống giống lạc xuân chỉ mới bắt đầu. Theo các nhà chuyên môn thì đây là thời điểm thuận lợi nhất để bà con đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tránh thời tiết diễn biến xấu vào cuối vụ, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng. Do vậy, bà con nên bố trí thời gian hợp lý cho từng loại cây trồng để giành vụ xuân thắng lợi trọn vẹn.
Nguyễn Oanh
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã