Sáng 7/1, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết ngành. Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ 3 khó khăn, thách thức lớn vừa trải qua trong năm 2020.
Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp ngay từ những ngày đầu năm đã tác động rất sâu sắc tới nền kinh tế Việt Nam - là nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng cùng nền kinh tế thế giới; làm đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam.
"Cho tới tận thời điểm này, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục tạo nên những khó khăn vô cùng to lớn cho kinh tế - thương mại toàn cầu với những biến chủng mới của virus corona đã được phát hiện, đang tạo nên làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới", Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.
Thứ hai, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng miền của cả nước, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại một số địa phương.
Thứ ba, tình hình kinh tế - chính trị trong khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước; đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương và xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại tiếp tục gia tăng đã tạo ra thách thức rất lớn đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh khó khăn nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng, tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91%.
"Xuất khẩu đạt được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại", Bộ trưởng Tuấn Anh thông tin.
Bên cạnh đó, vị Tư lệnh ngành công thương cũng cho biết thêm, trong năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước. Trong đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt; đặc biệt là dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp...
Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho hay, năm 2020, Bộ Công Thương cũng đạt những thành tựu đáng khích lệ trong việc đàm phán, thực hiện các hiệp định thương mại tự do thời gian qua. Kết quả tính tới thời hiện tại, Việt Nam có 15 FTA.
Nhận định về vấn đề trên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng chia sẻ, Bộ Công Thương thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán, ký kết, triển khai các FTA. "Chưa giai đoạn nào mà ký nhiều FTA như thế", ông Dũng nhận định.
Theo Thanh Phong/danviet.vn
https://danviet.vn/bo-truong-tran-tuan-anh-tinh-hinh-kinh-te-the-gioi-nam-2021-se-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-20210107120043631.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã