Không chỉ thu về lợi nhuận cao từ vật nuôi này, mô hình của anh Long Hồ mà còn mở ra một hướng sản xuất sạch, bền vững ở địa phương.
Tay ngang làm nông nghiệp
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi cua đinh trong bể kính, anh Hồ cho biết, cách đây hơn 6 năm, gia đình anh từng nuôi cá sấu nhưng không hiệu quả. Sau khi thấy mô hình nuôi cua đinh đem lại lợi nhuận kinh tế cao, nên gia đình anh đã quyết định đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu mua giống của đông đảo bà con, trang trại còn nhập thêm giống từ Thái Lan và tự sản xuất. Mỗi năm, trang trại của anh cho xuất ra thị trường khoảng 10.000 con giống, với giá khoảng 350.000 đồng/con.
"Năm 2014, gia đình tôi tận dụng chuồng trại nuôi cá sấu để nuôi 500 con cua đinh thử nghiệm trong 10 bể. Những ngày đầu, tôi phải tự mày mò và nghiên cứu qua internet, con giống phải nhập từ Cần Thơ. Khi bắt tay vào làm tôi thấy rằng mô hình không quá khó như nhiều người nghĩ. Cái chính là mình phải chịu tìm hiểu kỹ và chịu khó kiên trì ở những ngày đầu" - anh Hồ chia sẻ.
Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào nuôi cua đinh, anh Hồ cho biết: "Nuôi cua đinh không khó nhưng người nuôi cần chú ý về nguồn nước và thức ăn. Nước để nuôi cua đinh phải là nước giếng khoan, sạch và được xử lý cẩn thận".
Anh Hồ lựa chọn nuôi cua đinh trong bể ximăng và theo anh trước khi thả giống phải xử lý bể thật kỹ. Theo đó, anh dùng chuối chín và cây chuối ngâm nước trong bể khoảng 2-4 tuần sau đó vớt bỏ chuối đi, rửa bể thật sạch rồi mới cho nước vào và xử lý sao cho độ pH đảm bảo là 7 mới thả con giống.
Điều đặc biệt tại trang trại cua đinh của anh Hồ là sau vụ đầu tiên sử dụng con giống mua từ Cần Thơ, gia đình anh sử dụng hoàn toàn con giống nhập từ Thái Lan. Tỷ lệ thành công cho các vụ nuôi của trang trại đạt mức khoảng 85%.
Sau nhiều năm nuôi cua đinh, hiện gia đình anh Hồ có khoảng 5.000 con. Với giá bán ra thị trường khoảng 460.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Hồ lãi khoảng 600.000 - 700.000 đồng/con.
Áp dụng công nghệ vào nuôi cua đinh
Khi đã rất thành công khi áp dụng nuôi cua đinh trong bể ximăng, anh Hồ lại tiếp tục tìm tòi và nghiên cứu cách nuôi cua đinh trong bể kính.
Anh chia sẻ: "Cách đây khoảng 2 năm, khi quan sát con cua đinh kiểng (cua đinh làm cảnh trong bể kính) tôi mới nảy ra ý tưởng nuôi cua đinh thương phẩm trong bể kính. Ban đầu, tôi chỉ nuôi vài con để quan sát, sau đó bắt đầu nuôi thử nghiệm 50 con trong bể kính để rút kinh nghiệm. Sau khoảng 1 năm nuôi, tôi thấy cua đinh phát triển tốt và rất ổn định, nên quyết định đầu tư nuôi cua đinh trong bể kính với quy mô lớn".
Cua đinh nuôi trong bể kính trước hết là tiết kiệm được diện tích. Bên cạnh đó, con cua đinh nuôi trong bể kính được sống trong môi trường nước sạch, mỗi ngày thay nước một lần, nên rất ít bệnh; người nuôi dễ dàng quan sát cua đinh, chủ động chăm sóc tỷ lệ thiệt hại rất thấp.
Hiện nay, khi áp dụng nuôi cua đinh trong bể kính, anh không phải trực tiếp đụng tay vào con cua đinh, chỉ quan sát con nào có dấu hiệu bệnh thì sẽ tìm cách trị, còn lại tất cả các khâu đều được làm tự động. Trang trại của gia đình anh đã đầu tư được 900 bể kính nuôi cua đinh.
Mỗi bể kính anh Hồ lắp đặt hệ thống thay nước, vệ sinh bể và hộp đựng thức ăn đồng bộ. Nói về việc vận hành, anh Hồ chia sẻ: "Việc vận hành hệ thống hoàn toàn có thể thực hiện từ xa, sử dụng smartphone điều khiển. Hệ thống này đảm bảo có thể thay nước riêng cho từng bể và cho tất cả bể, tùy theo nhu cầu".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã