Học tập đạo đức HCM

Giá tiêu hôm nay 25/3: Tăng trở lại, nhiều người tiếc hùi hụi vì chẳng còn tạ nào bán

Thứ năm - 25/03/2021 00:06
Những ngày qua, giá tiêu tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ liên tục có những đợt tăng "nóng", nhưng thực tế đối với nhiều hộ trồng tiêu, giá tiêu tăng vẫn chưa thấm tháp vào đâu. Người trồng tiêu trên thực tế vẫn đang bế tắc.

Giá tiêu hôm nay tại Chư Sê (Gia Lai) và Đồng Nai hiện đang được thu mua ở mức 71.000 đồng/kg. Trong khi giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông đạt 72.000 đồng/kg, tăng nhẹ 500 đồng/kg so với hôm qua. 

Giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 74.000 đồng/kg, còn tại Bình Phước hiện giao dịch ở mức 73.000 đầu giá.

Giá tiêu tăng, người muốn găm hàng, người không có tạ nào để bán

Ông Ngô Kỳ Hoàng ở thôn 6, xã Cư Êbuôr, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk có 1,5 ha tiêu. Chỉ vài ngày nữa, toàn bộ diện tích tiêu của ông Hoàng sẽ thu hoạch xong. Thế nhưng hiện tại, gia đình ông Hoàng chưa bán cân tiêu nào dù giá tiêu đang cao.

Giá tiêu "nóng" nhưng thị trường ảm đạm, dân trồng tiêu vẫn bế tắc - Ảnh 1.

Gia đình ông Ngô Kỳ Hoàng đang thu hoạch tiêu.

"Mấy năm nay, giá tiêu rớt liên tục. Năm nay, nhà tôi thu được khoảng 1,2 tấn. Thấy giá tiêu tăng mạnh nên tôi muốn đợi tăng thêm tý nữa rồi mới bán để bù lại chút ít khoảng lỗ các năm trước. Đâu ngờ, bữa trước lên tới 80 ngàn/kg không bán, giờ lại xuống còn hơn 60.000 đồng/kg. Tôi phải ráng đợi vài ngày nữa xem sao chứ giờ bán ra thì lỗ nặng"- ông Hoàng cho biết.

Giá tiêu "nóng" nhưng thị trường ảm đạm, dân trồng tiêu vẫn bế tắc - Ảnh 2.

Vườn tiêu của ông Ngô Kỳ Hoàng năm nay năng suất rất kém.

Gia đình bà Bùi Thị Mý ở thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) trữ được 3,2 tấn tiêu từ vụ trước. Nhưng ngay cả thời điểm giá tiêu lên 80.000 đồng/kg, bà Mý cũng chưa vội bán. 

"Với mức giá đó, gia đình đã có lãi nhưng thực tế không được bao nhiêu. Vì vậy, tôi muốn trữ thêm một thời gian nữa vì thực tế gia đình chưa cần tiền để làm gì"- bà Mý nói.

Cũng theo bà Mý, hiện ở trong thôn và trong xã, những người còn trữ tiêu đều chưa muốn bán ra. Vì hầu hết những gia đình này không cần tiền ngay, nên vẫn muốn găm hàng chờ giá tăng thêm. Tuy nhiên, số tiêu còn trữ lại trong dân không nhiều.

Trong khi đó, tại Ea B'Hốc, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk đa phần người dân không có tiêu để bán.

Giá tiêu "nóng" nhưng thị trường ảm đạm, dân trồng tiêu vẫn bế tắc - Ảnh 3.

Một nông dân mang hơn 30 kg tiêu tới Công ty TNHH Như Linh (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) để bán.

Anh Nguyễn An Thạnh (thôn 3, xã Ea Bhốk) là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hồ tiêu bền vững Đoàn Kết. Anh Thạnh cho biết, CLB của anh có 30 thành viên với khoảng 30ha tiêu. Thế nhưng khi tiêu lên giá, các thành viên trong CLB gần như không có tiêu để bán.

"Thời gian giá tiêu liên tục sâu, các thành viên trong CLB đều bị ảnh hưởng. Do đó, thu hái đến đâu nông dân bán đến đó để tái đầu tư. Dù hiện tại giá tiêu tăng cao, nhưng dân không có nhiều hàng để bán. Tiêu cũ đã bán hết. Tiêu vụ mới thì mới thu lác đác, phần vì tiêu chưa chín, phần vì thiếu người hái nên gần như các thành viên trong CLB không có tiêu bán"- anh Thạnh nói.

Giá tiêu "nóng" nhưng thị trường ảm đạm, dân trồng tiêu vẫn bế tắc - Ảnh 4.

Vào thời điểm thu hoạch nhưng việc mua bán tiêu tại Công ty TNHH Như Linh (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) vẫn rất trầm lắng.

Ông Nguyễn Nho Lý - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song (Đắk Nông) cũng cho biết, trong đợt tiêu tăng giá vừa rồi, việc mua bán hồ tiêu gần như bị chững lại. Đối với người nghèo, do các món nợ vây quanh nên gần như thu được bao nhiêu họ bán hết bấy nhiêu. Những người có điều kiện, thấy giá tiêu tăng mạnh, họ không chỉ găm hàng mà có người còn bỏ thêm tiền mua về trữ.

Ông Hoàng Phước Bính - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cũng cho biết, người dân hiện chỉ bán nhỏ lẻ để trang trải. Những người có điều kiện hiện chưa ai bán tiêu ra. Còn những người thực sự khó khăn thì thu hoạch tới đâu đã bán hết tới đó.

Giá tiêu "nóng" nhưng thị trường ảm đạm, dân trồng tiêu vẫn bế tắc - Ảnh 5.

Trong năm nay, hầu hết các địa phương ở Tây Nguyên, năng suất tiêu đều giảm đáng kể. Nguyên nhân do giá tiêu giảm suốt thời gian dài nên bà con giảm đầu tư chăm sóc, nhiều trụ tiêu còi cọc.

Cả ông Bính và ông Lý đều cho rằng, trên thực tế hoạt động mua bán tiêu trong thời gian qua chủ yếu là giữa các đại lý, các nhà đầu cơ với nhau. 

"Các doanh nghiệp, đại lý mua đi bán lại để kiếm lời chứ thực tế giao dịch giữa người dân với các đại lý, doanh nghiệp rất ít, số lượng không lớn"- ông Nguyễn Nho Lý cho biết.

Giá tiêu "nóng" nhưng thị trường ảm đạm, dân trồng tiêu vẫn bế tắc - Ảnh 6.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều diện tích hồ tiêu tại Tây Nguyên vẫn chưa chín để thu hoạch.

Về thông tin cho rằng có thương lái Trung Quốc vào Việt Nam mua tiêu của nông dân, ông Hoàng Phước Bính cho rằng thông tin này không chính xác. 

"Nếu họ vào mua thì cũng chỉ thu mua qua các đại lý, doanh nghiệp. Còn nếu họ có tìm đến dân thì cũng chỉ là đi khảo sát chứ không thể đi thu mua từ trong dân được"- ông Bính nói.

Giá tiêu tăng, người trồng vẫn bế tắc

Theo ông Ngô Kỳ Hoàng, cho dù giá tiêu có tăng lên 80 ngàn đồng/kg thì gia đình ông vẫn bị lỗ. Để thu hết 1,5 ha tiêu gia đình ông mất khoảng 150 công. Với giá công thu hái hiện tại 220 ngàn/người/ngày, thu xong vườn tiêu ông Kỳ mất 33 triệu đồng. Trong khi đó, do tiêu chết, năng suất giảm nên cả vườn tiêu ông Hoàng thu về được khoảng 1,2 tấn.

Giá tiêu "nóng" nhưng thị trường ảm đạm, dân trồng tiêu vẫn bế tắc - Ảnh 7.

Tiền công thu hái cao cùng với nhiều chi phí khác nên dù giá tiêu tăng, người trồng tiêu vẫn đang gặp khó khăn.

Với giá bán 80 ngàn/kg, trừ tiền công hái ông Hoàng còn 63 triệu đồng. Số tiền này nếu tính chi li các khoản đầu tư, ông Hoàng vẫn còn lỗ. Trên thực tế, không chỉ riêng ông Hoàng mà hầu hết nông dân trồng tiêu đều rơi vào cảnh tương tự.

Giá tiêu "nóng" nhưng thị trường ảm đạm, dân trồng tiêu vẫn bế tắc - Ảnh 8.

Đối với người dân nghèo, đợt tiêu tăng giá vừa qua chưa thể giúp họ vượt qua bế tắc.

Do thiếu đầu tư chăm sóc, cùng với đợt mưa bão vào tháng 10 năm ngoái đã khiến sản lượng tiêu toàn bộ Tây Nguyên giảm mạnh. 

Tại Đắk Nông, theo ông Nguyễn Nho Lý, năng suất tiêu năm nay có nơi giảm đến 30%. Sau nhiều năm giá tiêu chạm đáy, rất nhiều nông dân rơi vào cảnh khốn cùng.

Với người nghèo, do nợ nần vây quanh nên họ thu hoạch tiêu tới đâu thì bán hết tới đó. Thế nên, cho dù giá tiêu tại Đắk Nông có tăng cao hơn nữa thì đối với các trường hợp này cũng không có ý nghĩa gì. Và với giá tiêu như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, cộng với tiền lãi vay ngân hàng thậm chí họ vẫn đang bị lỗ. 

Ông Hoàng Phước Bình cũng cho biết, hầu như toàn bộ Tây Nguyên và các vùng trồng tiêu khác trên cả nước đều bị giảm năng suất. Con số này là rất lớn. Do đó, trên thực tế dù giá tiêu tăng nhưng rất nhiều nông dân vẫn đang bế tắc.

Theo Duy Hậu/danviet.vn
https://danviet.vn/gia-tieu-hom-nay-25-3-tang-tro-lai-nhieu-nguoi-tiec-hui-hui-vi-chang-con-ta-nao-ban-20210324125240893.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập242
  • Hôm nay58,689
  • Tháng hiện tại855,387
  • Tổng lượt truy cập90,918,780
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây