Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk, Đắk Nông cùng tăng lên mức 70.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai đạt 69.500 đồng/kg. Mức này tăng thêm 1.000 đồng/kg so với ngày 27/5.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu tại tỉnh Bình Phước đạt 71.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai đạt 69.000 đồng/kg.
Giá tiêu cao nhất cả nước hiện ghi nhận được ở khu vực Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), đạt 72.500 đồng/kg.
Sau chuỗi ngày giá tiêu chững lại và giảm xuống dưới 70.000 đồng/kg, giá tiêu những ngày qua liên tục tăng trở lại khi Việt Nam hết vụ thu hoạch. Đây là tín hiệu vui khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nước nhập khẩu tiêu vẫn chưa mở cửa cho khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên một số chuyên gia cho biết, giá tiêu tăng trở lại do các khách hàng đang tăng mua để chuẩn bị cho đơn hàng mới.
Đặc biệt, giá tiêu thế giới những ngày qua cũng có dấu hiệu tăng liên tục. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ bất ngờ tăng 133,335 rupee/tạ, lên mức 40.200 rupee/tạ.
Đáng chú ý, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 4/2021 đạt mức 3.265 USD/tấn. Đây là giá tiêu xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 12/2018 đến nay.
Mức giá tiêu này tăng 10,6% so với tháng 3/2021 và tăng 62,2% so với tháng 4/2020.
Dự báo giá tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới, song Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng mức tăng sẽ không lớn. Nguyên nhân giá tiêu tiếp tục tăng là do nguồn cung tại Việt Nam - nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới giảm mạnh so với năm trước.
Trong khi hầu hết các vùng trồng tiêu bà con bán với giá dao động từ 70.000 - 72.000 đồng/kg, thì hạt tiêu đặc sản ở vùng Bảy Núi vẫn bán được giá cao chót vót.
Với khí hậu, thổ nhưỡng mát mẻ quanh năm trên núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang), nhiều người dân đã tận dụng dưới tán rừng để phát triển trồng tiêu sạch. Hiện nay, giá tiêu tươi tại vườn khoảng 120.000 đồng/kg. Đặc biệt giá tiêu chín đỏ phơi khô khoảng 260.000 – 280.000 đồng/kg.
Người dân ở đây cho biết, tiêu trồng trên núi Cấm nổi tiếng thơm ngon vì không sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên được thương lái lùng mua. Sản lượng tiêu làm ra không đủ bán.
Ông Nguyễn Văn Sử, ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo cho biết trước đây, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Những năm qua nhờ cây tiêu trồng dưới tán rừng mà gia đình ông có cuộc sống ổn định.
Vụ tiêu năm nay, gia đình ông Sử trồng 6 công, sản lượng sau thu hoạch đạt khoảng 500-600 kg tiêu khô (cứ 3 kg tiêu tươi cho ra 1 kg tiêu khô).
Đặc biệt giá tiêu chín đỏ phơi khô khoảng 260.000 – 280.000 đồng/kg.
Riêng vụ tiêu năm nay, gia đình ông Sử lãi gần 80 triệu đồng/6 công tiêu.
Mô hình trồng tiêu trên núi Cấm (An Giang) được người dân nơi đây phát triển từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, bà con chủ yếu trồng kiểu tận dụng, trồng tiêu xen canh. Theo đó, cây tiêu có thể bám trụ vào các loại cây trong vườn để phát triển, không cần đào hộc và làm trụ, giúp tiết kiệm chi phí mà bà con vẫn có thêm thu nhập.
Thời gian gần đây, cùng với việc du khách thập phương đến với vùng đất Bảy Núi, nhất là núi Cấm ngày càng nhiều, sản phẩm tiêu của địa phương ngày càng được ưa chuộng. Khách du lịch chọn mua tiêu được trồng ở núi Cấm về cho gia đình để sử dụng, cũng như làm quà biếu người thân và được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Theo Thiên Hương/danviet.vn
https://danviet.vn/gia-tieu-tang-vot-cao-nhat-72500-dong-kg-dac-biet-co-mot-loai-tieu-ban-gia-120000-dong-kg-2021052816405039.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã