TP Cần Thơ, ngày Sóc tháng Hợi năm Tý nước dâng quá xá, một ngày hai cữ, sáng từ 5 giờ đến 9 giờ, chiều từ 17h đến 21h, cả thành phố bì bõm. Con đường Lý Tự Trọng nước lên ngang bắp chân, lên đầu gối rồi lên háng…
- Đã 40 năm, anh về với Cần Thơ, với ĐBSCL đã thấy năm nào nước như thế này chưa?
- Nước thì nhiều chứ, ĐBSCL “một mùa nắng cháy một mùa nước dâng” mà, so với những năm lũ đặc biệt lớn như năm 2000, 2001, 1996 thì mực nước này chưa là gì nhưng điều khác biệt là ngày trước nước ngập do lũ từ thượng nguồn sông Mekong xuống, còn nay ngập do triều cường dềnh từ hạ nguồn sông Mekong lên, nước ngày ấy là nước ngọt màu mỡ phù sa còn nước này là nước biển.
Khởi nguồn là Thủy, với tôi và các nhà khoa học chuyên về lúa Việt Nam, thì nước còn là một thách thức, một động lực.
Ngay từ khi mới ra trường năm 1961 tôi đã được các thầy Bùi Huy Đáp, thầy Lương Định Của hướng dẫn về Thái Bình cùng nông dân nghiên cứu làm mạ xuân.
Sẽ có người thắc mắc “Làm mạ Xuân thì có gì mà nghiên cứu”. Bây giờ thì chẳng có gì nhưng ngày ấy là cả một thách thức to lớn vì lúc đấy chưa có giống ngắn ngày, thủy lợi tưới tiêu chưa phát triển và nhà nước đã nghèo lại còn mắc eo tốn khá nhiều tiền để xây nhà thúc mầm cho các HTX theo chuyên gia Trung Quốc nhưng thất bại.
GS.TS, Anh hùng lao động Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, là tác giả, đồng tác giả của hàng trăm giống lúa thuần, ngắn ngày, năng suất cao, mang tên OM, OMCS (chiếm 50% diện tích gieo trồng lúa của cả nước), góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Ông là học trò của 2 nhà nông học lừng danh Lương Định Của, Đào Thế Tuấn, là đàn anh nâng đỡ các nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu VN như PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện KHNN Miền Nam, TS Nguyễn Xuân Lai, nguyên Viện trưởng Viện Nông hóa thổ nhưỡng, TS Nguyễn Trí Hoàn, nguyên Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm…
Học thuật lúc ấy có 2 trường phái, một theo Lysenko của Liên Xô XHCN, một theo Mendel TBCN. Mùa đông thủy vượng, thổ ướt, khí lại hàn, lấy đâu ra thổ khô, hỏa nóng để giữ ẩm, sưởi ấm cho mầm?
Cánh nhà báo theo sát các cán bộ nghiên cứu chúng tôi cùng nông dân Thái Bình đi tìm câu trả lời từ thực tế và cuối cùng chúng tôi đã xây dựng, hoàn chỉnh quy trình Làm mạ xuân phổ biến rất nhanh ra sản xuất, tạo nên một cuộc “cách mạng” biến vụ Xuân thành vụ chính trên toàn miền Bắc.
Một loạt tập quán được thay đổi như tính tuổi mạ bằng lá mạ chứ không phải bằng ngày; câu thành ngữ đúc kết kinh nghiệm trồng lúa truyền từ bao đời “Chiêm khôn hơn mùa dại” chỉ còn ý nghĩa khuyên răn về đạo đức lối sống. Từ đấy tôi luôn gắn kết với báo chí các anh.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh của anh lơ thơ cùng cây Trinh nữ hoàng cung trong khuôn viên nhà khách của Viện Lúa mùa nước nổi năm 1996, nhớ anh Trịnh Bá Ninh đeo cặp kính cận dày cộp, sếp của anh, cùng anh Tô Vương, báo Nhân Dân thường ghé thăm tôi, nhớ cuộc thi “Ôm em cực sướng” (giống lúa OMCS) do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức được phát động tại trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp II, 45 Đinh Tiên Hoàng, TP Hồ Chí Minh.
- OMCS – Ô Môn cực sớm. Tại sao lại có tên tục Ôm em cực sướng?
- Trước đây Ô Môn là tên huyện Ô Môn thuộc tỉnh Hậu Giang, còn nay là quận Ô Môn thuộc TP Cần Thơ. Viện Lúa ĐBSCL là viện quốc gia nhưng đặt tại Ô Môn nên có tên Ô Môn.
Theo thông lệ quốc tế, các giống lúa do Viện lai tạo được đều có tên OM. Cái tên tục đấy không biết ở đâu ra, tôi đồ rằng nó xuất phát từ trong bữa nhậu của cánh nhà báo các anh.
Nhưng nói thật nhé, khi có được giống này thì không cần em nhưng nhiều người sướng, tác giả sướng vì giống đáp ứng được nhu cầu sản xuất, cán bộ sướng vì tổ chức sản xuất đơn giản, hiệu quả hơn, nông dân sướng vì né lũ chắc ăn.
Những năm ấy chưa có bờ bao, chưa có sân phơi máy sấy, lũ lụt thì năm nào cũng có, mưa gió thì sập sùi suốt tháng, toàn bộ các trục lộ làng, lộ tỉnh, lộ quốc gia đều bị chiếm dụng làm sân phơi vẫn không đủ. Làm lúa vụ Hè Thu khác chi đánh bạc.
Muốn chắc ăn chỉ còn cách phải thu hoạch lúa trước 15/8. Lại lần nữa, nước lại thách thức chúng tôi và rồi bằng vật liệu di truyền từ Ấn Độ, từ Bình Chánh – TP.HCM, chúng tôi đã có được những giống lúa cực ngắn ngày với thời gian sinh trưởng chỉ 75 – 80 ngày, thậm chí dưới 70 ngày (nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí khác như năng suất, ngon cơm, kháng rầy).
Năm 1996, ĐBSCL có lũ lớn và muộn tạo ra cơ hội để bung nhanh giống cực sớm ra sản xuất. Đến nay tôi vẫn không biết ai là người đã nghĩ ra cuộc thi giống lúa OMCS trên báo Nông nghiệp Việt Nam nhưng tin chắc rằng người đó chắc cũng lăn lộn, am tường với sản xuất ở ĐBSCL. Tôi còn nhớ trong lễ phát động cuộc thi ấy, tên tục Ôm em cực sướng đã được các anh hấp háy với nhau rồi.
- Báo cáo anh, OMCS bây giờ không còn thấy trên đồng ruộng. Theo dõi sản lượng gạo xuất khẩu qua các năm thấy có sự tăng trưởng mạnh từ 2,02 triệu T vào năm 1995 vọt lên 4,56 triệu T vào năm 1999. Sự tăng trưởng ấy, em nghĩ, có đóng góp của OMCS và cuộc thi sôi nổi trên báo Nông nghiệp Việt Nam hồi ấy.
Trước đây em đã từng được giải thích về tương quan giữa thời gian tích lũy vật chất, biên độ nhiệt độ ngày đêm đến chất lượng nông sản. OMCS đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của nó, nên nó về hưu cũng là chuyện hợp quy luật?
- Suy đoán ấy có từ ngày tôi còn làm việc, chưa nghỉ hưu. Với nhà khoa học, ở một góc nào đó cũng giống với thẩm phán là “trọng chứng hơn trọng cung” và tôi cũng không bác bỏ nó, nhưng bảo rằng suy đoán đó đúng hay sai thì chưa có cơ sở bởi vì cho đến nay vẫn chưa có một dữ liệu nào, cả về khoa học lẫn thực tế, chứng minh.
Tôi nghĩ có một nguyên nhân khá quan trọng nhưng không ai để ý, đấy là khi điều kiện canh tác lúa ĐBSCL được cải thiện, việc né lũ không còn bức thiết nên giống lúa cực sớm bị lãng quên, không ai phục tráng chúng và đấy là một sự lãng phí vì OMCS là quý không những của Việt Nam mà cả thế giới.
Thế nhưng chưa biết chừng nhé! Nước lũ từ thượng nguồn những năm trước là động lực sinh ra nó và nước ngập từ hạ nguồn lên lại là động lực tái sinh nó. Trước đây là né lũ, còn sau này là né mặn. Thời gian và thực tế sẽ trả lời.
- Vâng. Đúng như anh nói, thực tế bây giờ là dòng Mekong đã bị chặn, bị đổi dòng từ thượng nguồn, ĐBSCL không còn mùa nước nổi, không còn phù sa, mà là biến đổi khí hậu, là nước biển dâng, là ngập mặn.
Mùa khô vừa rồi cả tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh phải sống nhờ nước ngọt từ tỉnh khác chuyển đến, trên sông Vàm Cỏ nước mặn lên tận Tân Thạnh, trên sông Tiền nước mặn vượt qua Sa Đéc. Hàng trăm ha cây ăn quả đã chết, bỏ vì mặn…
Nghề trồng lúa, người trồng lúa đồng bằng này rồi sẽ như thế nào? Với các nhà khoa học nông nghiệp, nước mặn có là một thách thức vượt qua được như từng vượt qua nước lạnh năm 1960 ở miền Bắc, nước lũ chụp những năm 1990 ở ĐBSCL trước đây không?
- Đúng vậy, Lịch sử Phương Nam “Từ thủa mang gươm đi mở nước”, ĐBSCL và nghề trồng lúa ở đây chưa bao giờ bị uy hiếp như đang và sẽ xảy ra. Xa hơn nữa, từ thủa hồng hoang, vùng đất này cứ tiến dần ra biển cũng có nghĩa là cứ ngọt hóa dần từ cửa sông Tiền sông Hậu đến bán đảo Cà Mau.
Trải qua nhiều thế kỷ lấn biển, ngọt hóa người dân chúng ta cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Năm 2004, một hội thảo quốc tế về lúa gạo tổ chức tại TP.HCM với khẩu hiệu “We do not practice agriculture based on experiences" (chúng ta không sản xuất lúa bằng kinh nghiệm), tôi đề nghị sửa lại, chí ít cũng phải thêm vào hai chữ “not only” (không chỉ bằng kinh nghiệm). Còn muốn đầy đủ thì phải nối thêm “but adaptive new technology” (cần áp dụng công nghệ mới thích hợp).
Theo tôi, đấy cũng là phương châm “sống chung với nước biển dâng” sắp tới, từ phương châm này mà cụ thể hóa cho từng vùng sinh thái khác nhau, với vùng ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang thì mô hình Tôm Lúa đã được khẳng định qua chục năm với diện tích lên tới hơn 15 vạn ha.
Ở đây cũng đang manh nha nghề trồng lúa hữu cơ với tập đoàn giống lúa bản địa như Một Bụi Đỏ, Trắng Tròn, Tép Hành, có cả những giống nhập nội chất lượng cực cao như Basmati, Khaodakmali đã được trồng thử nghiệm, lại có thể trồng được lúa giàu sắt, giàu vitamin A như thực phẩm chức năng.
Với tứ giác Long Xuyên cần sử dụng một số giống ngắn ngày như OMCS để né lũ, né mặn, rút ngắn thời gian chiếm ruộng bằng việc làm mạ cấy thay cho gieo sạ, phục hồi một số giống cao cây. Với vùng bị nhiễm mặn nhẹ hơn thì có thể sử dụng một số giống chịu mặn khá như OM 1490, OM 576, AS 996. Với vùng ngọt giữa sông Tiền sông Hậu thì phát triển vườn cây ăn quả…
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là những ý tưởng, còn phải đợi thực tế. Thực tế hay lắm, không thể tưởng tượng được một nhà khoa học nông nghiệp mà lại không cùng nông dân lăn lộn trên đồng ruộng.
Nhà khoa học chúng tôi cũng giống nhà báo các anh, nếu Quang Ngọc và phóng viên Báo Nông nghiêp Việt Nam không chạy xe máy khắp các tỉnh ĐBSCL, không lương xương, lai rai cùng nông dân thì không thể có được những bài báo thấm đẫm như bài về Cù lao Dung, hoặc chấn động như bài “Tiến sĩ bỏ thi”.
Thực tế đã giúp chúng tôi làm nên vụ lúa Xuân những năm 60, làm nên một tập đoàn giống lúa hùng hậu cho Nam Bộ đáp ứng được an ninh lương thực, xuất khẩu, trong đó có những đặc tính trái ngược nhau tưởng như không thể, như giống phải kháng được rầy, chịu được phèn nhưng cũng phải mềm cơm, chịu được mặn nhưng phải ngắn ngày… và cả những đặc tính cho đẹp đồng: Khoe bông nhưng không đổ ngã…
- Anh và các cán bộ của Viện Lúa có quyền tự hào mà chưa cần nói đến huân huy chương, anh hùng lao động nhà nước, đấy là có đến hàng triệu người dân Nam Bộ biết đến OM, 70-80% diện tích trồng lúa ở ĐBSCL sử dụng giống lúa có tên OM, trong đó có giống mega (có diện tích 100.000 ha trở lên) và có mặt ở một số quốc gia khác.
Các giống lúa OM đã tiên phong trong công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên… Thành tích nhiều nhiều lắm, nhưng cũng xin hỏi nhỏ thêm, anh có buồn không, Viện Lúa có buồn không khi giống lúa ngon nhất thế giới không phải là OM mà là ST?
- Sao lại buồn mà ngược lại - Vui. Rất Vui. Rất tự hào. Mà tôi nghĩ anh cũng rất vui vì nếu tôi không nhầm thì mười năm, đúng rồi gần 10 năm trước, anh từng viết bài khen KS Hồ Quang Cua đăng tràn ra cả 2 trang báo khổ lớn.
Anh Cua nói riêng và Sóc Trăng nói chung với tôi và Viện Lúa có một tình cảm đặc biệt. Trong lai tạo giống, công việc quan trọng quyết định nhất không phải là lai mà là chọn “đãi cát tìm vàng”, là tìm được hoa hậu trong chục á hậu, muốn chọn được phải đưa đi trồng thử ở nhiều địa phương khác nhau và bao giờ Sóc Trăng cũng là nơi trồng và đánh giá bài bản, chi tiết, tin cậy nhất.
À mà này, cô gái đạt giải nhất cuộc thi OMCS của báo anh năm 1996 là cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng. Không phải ngẫu nhiên đâu, phải là người từng trồng, từng chăm bẵm, từng nâng niu OMCS mới có được bài thi xuất sắc trong hàng ngàn bài dự thi chứ.
Sóc Trăng là vùng truyền thống lúa gạo với thương hiệu gạo Bãi Xàu nổi danh thế giới thời còn thuộc Pháp; Thầy Lương Định Của, cây đại thụ của Nông nghiệp VN mà tên tuổi gắn liền với giống lúa ngắn ngày đầu tiên được trồng ở miền Bắc VN – giống Nông nghiệp 8, dám từ bỏ phú quý, tiện nghi ở Nhật Bản, về VN trong những năm đạn bom, gian khổ, thiếu thốn để cống hiến cho quê hương cũng là người Sóc Trăng. Trước khi được vinh danh “ngon nhất thế giới”, ST 25 đã có một sê ri ST nổi đình đám đi trước như ST 3, ST 19, ST 20, ST 21…
Trong cái nôi truyền thống như vậy, lại khát khao, lại bền bỉ thì không nay thì mai anh Cua cũng sẽ tới đỉnh vinh quang. Thành công của anh Cua thêm khẳng định một hướng đi cho nghề trồng lúa tăng thêm lợi nhuận cho nông dân, tăng thêm giá trị cho thương hiệu quốc gia bằng đặc sản.
Theo Quang Ngọc/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã