Ngày 13/7, một số cơ quan báo chí đưa tin về việc hàng trăm nghìn cành hoa của Công ty TNHH Dalat Hasfarm (Dalat Hasfarm, Lâm Đồng) phải hủy bỏ do không thể xuất khẩu sang Úc.
Nguyên nhân bởi kể từ ngày 1/7/2021, thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam (Glyphosate lại là chất mà Dalat Hasfarm dùng để xử lý để ngâm cành hoa cúc nhằm triệt mầm hoa).
Ngày 14/7, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) thông tin trả lời các cơ quan báo chí liên quan tới vấn đề này.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV: Từ tháng 4/2019, Bộ NN-PTNT đã có quyết định loại bỏ hoạt chất thuốc trừ cỏ Glyphosate khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam theo các quy định hiện hành.
Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 của Bộ NN-PTNT quy định, các thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021 tại Việt Nam. Quá thời hạn này, các doanh nghiệp còn tồn đọng sản phẩm có chứa hoạt chất này buộc phải thực hiện tiêu hủy theo các quy định hiện hành.
Việc cấm nhập khẩu, lưu hành và sử dụng hoạt chất thuốc thuốc trừ cỏ Glyphosate đã có đầy đủ cơ sở pháp lý theo luật định luật pháp hiện hành của Việt Nam, đảm bảo thông lệ quốc tế cũng như định hướng quản lý thuốc BVTV của Việt Nam.
Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đã có lộ trình 2 năm (từ tháng 4/2019 đến hết tháng 6/2021) là giai đoạn chuyển tiếp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhằm chủ động có phương án trong nhập khẩu, sản xuất kinh doanh thuốc BVTV cũng như các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng hoạt chất Glyphosate để tránh các tác động ảnh hưởng gây thiệt hại tới hoạt động sản xuất kinh doanh…
Về hoạt động sản xuất, xuất khẩu hoa của Việt Nam sang các nước, ông Hoàng Trung cho biết: Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu hoa đi khoảng 20 quốc gia trên thế giới như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan… với rất đa dạng chủng loại hoa.
Đối với thị trường Úc, theo quy định hiện hành về kiểm dịch thực vật của nước này, có 2 loại hoa gồm hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành, khi xuất khẩu vào Úc bắt buộc phải xử lý nhúng cảnh vào dung dịch có chứa hoạt chất Glyphosate (hàm lượng từ 0,25 - 0,5 %). Biện pháp này có mục đích ngăn chặn sự nảy mầm của thân, cành hoa và nhằm ngăn ngừa nguy cơ xâm nhiễm thực vật ngoại lai vào Úc.
Trước khi thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021, Cục BVTV cho biết, thời gian qua, đã có nhiều văn bản trả lời và thông báo cho Dalat Hasfarm cũng như nhiều cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Lâm Đồng về vấn đề này như: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội hoa Đà Lạt, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hoa của Lâm Đồng rất rõ ràng về các quy định, lộ trình cấm lưu hành, sử dụng Glyphosate tại Việt Nam cũng như các quy định trong thủ tục kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu hoa sang các nước (trong đó có Úc).
Ông Hoàng Trung khẳng định, ông cũng đã trực tiếp làm việc với Dalat Hasfarm về vấn đề này. Theo đó, đã thông tin rõ cho Dalat Hasfarm về chủ trương, lộ trình, các quy định để tiến tới tất yếu sẽ phải cấm nhập khẩu, sử dụng, lưu hành hoạt chất Glyphosate tại Việt Nam.
Qua đó, đã đề nghị Dalat Hasfarm có kế hoạch chuẩn bị sớm nhằm thử nghiệm loại hoạt chất thuốc BVTV khác để xử lý ngâm cành hoa cúc và hoa cẩm chướng (cắt cành) xuất khẩu sang Úc.
Theo đó, Cục BVTV và Dalat Hasfarm cũng đã thống nhất khảo nghiệm một hoạt chất thuốc BVTV khác nhằm thay thế Glyphosate. Cục BVTV ngay sau đó cũng đã có công hàm gửi toàn bộ tài liệu kỹ thuật khảo nghiệm cho phía Úc, cũng như liên tục đàm phán với phía Úc để được xem xét cho phép thay thế Glyphosate bằng một loại hoạt chất thuốc BVTV khác trong thời gian sớm nhất có thể.
Trong thời gian chờ được phía Úc cho phép thay thế Glyphosate bằng hoạt chất khác, ông Hoàng Trung cho rằng trước mắt, để giải quyết khó khăn, phía Dalat Hasfarm cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu hoa (hoa cúc và cẩm chướng cắt cành) sang thị trường Úc cần tăng cường thay thế việc xuất khẩu sang các thị trường thay thế khác.
Thông tin của Dalat Hasfarm cho biết, hiện hoa vẫn xuất khẩu bình thường sang các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... (ngoại trừ hoa cúc và cẩm chướng cắt cành xuất khẩu sang Úc).
Bởi hiện nay, chỉ có 2 chủng loại là hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành xuất khẩu riêng sang thị trường Úc là bị ảnh hưởng, còn lại các loại hoa khác như hoa cát tường, hoa hồng, hoa lan hồ điệp… hiện nay vẫn xuất khẩu bình thường sang Úc cũng như các quốc gia khác mà Việt Nam xuất khẩu hoa.
Ngay cả đối với hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành, hiện nay chỉ có Úc quy định phải ngâm xử lý cành bằng Glyphosate, còn lại các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Đài Loan, Malaysia.. đều không có yêu cầu này, nên vẫn có thể xuất khẩu bình thường.
Bên cạnh đó, mặt hàng hoa cúc và cẩm chướng cắt cành xuất khẩu sang Úc cũng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong hoạt động xuất khẩu hoa của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi rất chia sẻ với Dalat Hasfarm, bởi hiện nay dịch bệnh Covid-19 cũng khiến hoạt động sản xuất, tiêu thụ hoa tại thị trường nội địa gặp rất nhiều khó khăn, tụt giảm mạnh, nhất là ở các đô thị lớn. Không chỉ có hoa mà nhiều mặt hàng rau, củ, quả khác của Đà Lạt cũng đang chung cảnh ngộ… Tuy nhiên, việc cấm lưu hành, sử dụng hoạt chất thuốc trừ cỏ Glyphosate theo quy định kể từ ngày 1/7/2021 theo luật định cũng không thể không thực hiện”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV nhấn mạnh.
Theo LÊ BỀN/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã