Nguyên nhân chính là do từ đầu năm đến tháng 9/2019 hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực sông Mêkông làm cho lượng mưa thấp nên mực nước sông Mekong hạ thấp kỷ lục ngay trong mùa lũ.
Thứ hai, về thủy điện Mê Công, trong những năm bình thường thì ít ảnh hưởng lượng nước, nhưng khi gặp tình hình cực đoan (hạn và lũ) sẽ làm gia tăng cực đoan. Thứ ba là nước biển dâng tích lũy.
Dù nước biển dâng với tốc độ chậm chỉ khoảng 3mm/năm, nhưng tích lũy nhiều năm cũng rất đáng kể. Thứ tư, sụt lún ĐBSCL làm cho mặt đất thấp dần, dễ bị ảnh hưởng của nước biển hơn.
Năm 1991, từ khi ĐBSCL bắt đầu khai thác sử dụng nước ngầm đến nay tốc độ sụt lún trung bình 1,1cm/năm, có những điểm nóng đến 2,5cm/năm. Thứ năm, hạn mặn của ĐBSCL hiện nay gay gắt hơn ngày xưa cũng một phần vì hệ thống tự nhiên của đồng bằng đã bị thay đổi.
Đê bao khép kín khắp nơi, kể cả ở miệt vườn, chiếm không gian hấp thu lũ, nước lũ ít vào được ruộng vườn nên tăng ngập các thành phố và chảy tuột ra biển trong mùa nước. Đến mùa khô khi dòng Mekong yếu thì bản thân ĐBSCL đã không còn nhiều nước, nên mặn lấn sâu hơn.
Bên cạnh đó, mùa khô năm nay lại có thêm tình trạng sụt lún đất và sạt lở (ví dụ như ở Cà Mau, Tiền Giang), đây là một hiện trạng có thể nói gây bất ngờ với cư dân miền Tây.
Trước tiên cần phân biệt chuyện sụt lún cục bộ xảy ra mùa khô năm nay ở một số vùng như Trần Văn Thời (Cà Mau) và Gò Công (Tiền Giang) với chuyện sụt lún chung của cả ĐBSCL vì hai chuyện này khác nhau về bản chất và nguyên nhân.
Chuyện sụt lún chung của cả ĐBSCL với tốc độ trung bình khoảng 1,1cm/năm (có các điểm nóng tốc độ đến 2,5cm/năm) diễn ra dần dần từ năm 1991 đến nay có nguyên nhân chính từ việc khai thác nước ngầm quá mức ở các tầng sâu, do vậy sụt lún diễn ra ngầm ở tầng sâu.
Còn chuyện sụt lún cục bộ một số địa phương trong mùa hạn năm nay là sự co ngót của tầng nông. Đặc điểm chung các vùng sụt lún cục bộ năm nay là đều nằm trong các đê bao khép kín, ngăn mặn.
Các vùng khép kín ngăn mặn này nếu ở sâu trong đất liền, gần vùng lõi nước ngọt của sông Tiền, sông Hậu thì đỡ hơn vì không phải đóng cống suốt mùa. Các vùng đê bao khép kín để ngọt hóa mà càng ra ngoài rìa, gần biển hơn thì có vấn đề sụt lún.
Đó là vì càng sát biển thì càng phải đóng cống suốt mùa để giữ ngọt trong các kênh nội đồng, như vậy làm cắt đứt ảnh hưởng của thủy triều nước lớn, nước ròng mỗi ngày.
Trong những năm khô hạn cực đoan như thế này, nước giữ trong kênh nội đồng không thể đủ, kênh nội đồng bị khô kiệt mà nước thủy triều bên ngoài không vào được để giữ ẩm cho đất thì đất tầng mặt bị khô hẳn và co ngót gây sụt lún bên trong ô đê bao. Sự sụt lún tầng mặt này không liên quan đến tình hình lún tầng sâu chung của cả ĐBSCL.
Trước thực trạng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và dự báo sẽ còn nghiêm trọng hơn trong những năm tới vì vậy chúng ta cần phân biệt năm cực đoan và tình hình chung, không nên vội vã “bi đát hóa” rằng ĐBSCL ngày càng cạn kiệt nguồn nước, rồi cho rằng đây là tình hình chung trong tương lai rồi hốt hoảng.
Từ đó lấy những năm cực đoan như năm nay và năm 2016 làm chuẩn cho chiến lược lâu dài sẽ bị quá đà, gây ra nhiều tác dụng phụ tiêu cực.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những sự kiện cực đoan sẽ diễn ra với tần suất cao hơn, nhưng dù sao những năm cực đoan cũng không phải là tình hình chung cho tất cả các năm.
ĐBSCL sắp tới có thể sẽ đối diện với ba tình huống: Những năm phi cực đoan, tức là những năm bình thường trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Những năm cực đoan mưa nhiều, lũ cao thì thủy điện có thể gây lũ chồng lũ làm cho lũ cực đoan càng cực đoan hơn. Và những năm cực đoan khô hạn mưa ít như năm 2015-2016 và 2019-2020.
Trong tình huống khô hạn này, việc tích xả của các đập thủy điện làm chậm đường đi của nước, làm cho hạn cực đoan càng cực đoan hơn.
Với những năm cực đoan thì ứng phó không nên đương đầu. Cách ứng phó tốt nhất là né tránh thời vụ để tránh thiệt hại. Trong khi ứng phó với cực đoan hạn mặn, cũng không nên quên rằng có thể có cực đoan theo chiều ngược lại vào những năm sau.
Nếu trong tương lai, ĐBSCL càng có nhiều đê bao khép kín thì lũ về không có không gian để lan tỏa, lũ sẽ cực kỳ hung hãn và gây ra tác hại khó lường trong năm cực đoan lũ cao.
Tình hình năm nay lộ ra một điểm yếu quan trọng là vấn đề nước sinh hoạt. Vấn đề này cần được ưu tiên giải quyết riêng, không nên nhập chung vào các công trình thủy lợi cho sản xuất.
Trong bối cảnh này, Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược lâu dài cho ĐBSCL. Chìa khóa trung tâm của vấn đề ĐBSCL là chuyển hóa nền nông nghiệp ĐBSCL theo tinh thần NQ120 từ thuần túy sản xuất theo số lượng sang tập trung vào chất lượng, ít hơn nhưng sạch hơn, giá trị cao hơn, đa dạng hơn. Nếu chỉ miệt mài tăng sản lượng sản phẩm thô, giá rẻ thì không thể tiến xa.
Nghị quyết 120 cũng xác định xoay trục chiến lược sang ưu tiên thủy sản, hoa màu, cây trồng khác, rồi mới tới lúa. Không cần thâm canh ba vụ, ĐBSCL vẫn dư sức đảm bảo lượng lúa gạo cho an ninh lương thực quốc gia.
Ưu tiên số một bây giờ là chất lượng, thu nhập. Đồng thời cần xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên chứ không chỉ là nước ngọt phục vụ tối đa hóa lượng lúa như trước đây.
Cụ thể về lâu dài, cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn để hấp thu nước lũ, kèm theo là phù sa và tôm cá, vào ruộng đồng để cải thiện đất đai, tăng lượng nước để cân bằng mặn - ngọt trong mùa khô. Với vùng ven biển thì nên chuyển dần sang canh tác theo mặn, theo mùa, phù hợp với quy luật thiên nhiên.
Để chuyển đổi được, Chính phủ cần có hẳn một chương trình chuyển hóa nền nông nghiệp, giúp người dân về tổ chức, kỹ thuật, tài chính, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường. Thị trường trong nước bây giờ cũng đòi hỏi chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao hơn.
Thuận theo tự nhiên sẽ phục hồi sức khỏe của hệ tự nhiên, tăng sức đề kháng của đồng bằng với những biến động thất thường về thời tiết, khí hậu.
Tách bạch nước ngọt sinh hoạt và sản xuất
Trong bối cảnh này cần đặt việc giải quyết nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt của người dân ở những vùng có thể ảnh hưởng mặn là ưu tiên số một. Đầu tiên, cần rạch ròi giữa nguồn nước cho sinh hoạt và nguồn nước cho sản xuất. Không nên lẫn lộn và nhập chung nhu cầu nước sinh hoạt vào các công trình thủy lợi ngăn mặn trữ ngọt cho sản xuất.
Các công trình phục vụ cho sản xuất khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt. Các công trình này làm sông ngòi cả vùng rộng lớn bị chảy yếu hoặc không chảy nên trong nước thiếu ôxy, mất khả năng tự làm sạch nên tích tụ ô nhiễm vô cơ và hữu cơ từ phân bón, thuốc trừ sâu, nguồn công nghiệp, sinh hoạt, và các nguồn khác.
Nếu tách nước sinh hoạt ra khỏi nước sản xuất thì nhu cầu này sẽ nhỏ hơn rất nhiều và dễ giải quyết hơn là khi nhập chung lẫn lộn. Nước cho sinh hoạt ở những vùng mặn có thể giải quyết được bằng kinh nghiệm dân gian như lu chứa nước mưa, ao hồ gia đình và cộng đồng. Có thể sử dụng bằng các tiến bộ công nghệ mới như bốc hơi nước, màng lọc na-nô, máy lọc nước biển. Nên nghĩ tới việc kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời cho các thiết bị này.
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện (Chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL)
Theo Đoàn Dũng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã