Xen canh khoa học
Đến huyện Di Linh, trong một lần tình cờ, phóng viên Báo NTNN được giới thiệu về chuyện làm vườn giỏi của ông Nguyễn Tấn Phương. Được biết, với khu vườn chỉ rộng 2,3ha, gia đình ông Phương trồng đủ các loại cây như cà phê, mít Thái, sầu riêng, bơ, mãng cầu gai…
Mỗi năm, gia đình ông Phương có thu nhập đều đặn gần 400 triệu đồng.
Theo ông Phương, việc trồng xen canh nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái như trong vườn của ông sẽ gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc. Vì thế, khoảng cách cây trồng, thuốc chữa các loại bệnh nấm, tuyến trùng cũng phải tính toán cho hợp lý, sao cho lượng thuốc không phải dùng nhiều mà vẫn hạn chế tối đa các loại bệnh trên cây trồng.
Tiếp đón phóng viên khi vẫn đang mặc trên người bộ quần áo lao động, ông Phương đưa thẳng chúng tôi lên khu vườn tổng hợp của mình tham quan. Ông Phương nhớ lại, năm 1988, ông cùng gia đình từ quê hương Quảng Ngãi vào huyện Di Linh lập nghiệp. Thời điểm đó, do mới vào vùng kinh tế mới, chưa có tiền để mua vườn, lại khó khăn, nên gia đình ông phải thường xuyên đi làm thuê cho các nhà vườn khác.
"Công việc làm thuê, khó khăn, kiếm sống qua ngày cứ thế diễn ra, 2 năm sau gia đình tôi đã có được đất sản xuất nhờ chăm chỉ lao động. Lúc đó, tôi đã bắt đầu mua hạt giống cà phê, đậu tương, đậu phộng về trồng trong vườn. 4 năm sau nữa, tôi lại dành dụm được ít vốn và tiếp tục mở rộng đất sản xuất. Thời đó, tiền có giá lắm, đất lại rẻ nên dễ mua. Cuộc sống ở vùng đất mới cứ thế qua đi, gia đình tôi giờ đã khá giả hơn ngày xưa chút, vì thế mình lại càng có cơ hội để thử nghiệm những mô hình mới, hiệu quả hơn" - ông Phương kể.
Hiện nay, trong vườn của lão nông tại Di Linh trồng 1.500 cây cà phê tái canh, 1.000 trụ tiêu, 150 cây mít Thái được ông trồng xen trong các hàng cà phê, hồ tiêu và tại các góc vườn, vừa có trái thu hoạch, lại vừa làm cây che bóng, chắn gió cho các cây trồng khác.
Đặc biệt, việc ông trồng trụ tiêu sống cũng đã giúp cho việc che bóng và chắn gió hiệu quả cho phần cây thấp bên dưới. Từ đó, lão nông này đã tiết kiệm được một phần nước tưới và giúp cây sinh trưởng khỏe hơn.
Ngoài ra, ông còn có 150 cây sầu riêng, 80 cây mãng cầu gai chuẩn bị cho thu quả bói. Vì vậy, dù giá cà phê xuống thấp, gia đình ông vẫn có thu nhập ổn định từ các cây trồng khác.
"Mô hình vườn cây của ông Nguyễn Tấn Phương là điển hình ở địa phương. Hội Nông dân, UBND xã Tân Nghĩa nhiều lần tổ chức cho người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ông Phương đã được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2015".
Ông Nguyễn Công Phóng -
Chủ tịch Hội ND xã Tân Nghĩa
Theo ông Phương, việc trồng xen các loại cây trong vườn có hiệu quả rất nhiều mặt, mít Thái để chắn gió, che bóng. Bề mặt đất vườn, ông vẫn để cỏ mọc thành thảm và chỉ dùng máy cắt bỏ phần ngọn mỗi khi cỏ quá tốt.
Những năm trước đây, gia đình ông thường sử dụng thuốc diệt cỏ, thành ra bị lạm dụng phân bón hóa học, khiến đất đai cằn cỗi, nhanh bạc màu. Nhưng đến nay nhờ cách làm cỏ như trên mà ông đã lấy lại hệ sinh thái cho vườn.
Ngoài ra, ông Phương còn bón các loại phân chuồng ủ hoai mục cho cây trồng để bổ sung, dưỡng chất, tạo độ tơi xốp cho đất.
Hiệu quả cao
Đến nay, khu vườn "6 trong 1" của gia đình ông Phương cho thu nhập đều đặn hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ trong năm 2019, cả cà phê cũ và tái canh của gia đình ông Phương đã cho thu 8 tấn nhân, 2 tấn hồ tiêu, cho thu nhập gần 350 triệu đồng. Trong năm 2020, các cây trồng khác như 300 cây bơ, mít Thái sẽ cho thu bói, tổng thu nhập sẽ còn tăng cao theo từng năm.
Ông Phương cho hay: "Sầu riêng, mãng cầu gai của gia đình tôi dự kiến sẽ cho thu hoạch trong năm 2022. Ở Di Linh, rất ít người xen canh như tôi, mọi người chỉ độc canh cây cà phê nên hiệu quả kinh tế chưa được như mong muốn. So sánh cùng diện tích, khu vườn của tôi đã cho nguồn thu nhập ổn định hơn hẳn. Cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực trong vườn của tôi, nếu giá xuống thấp thì những cây còn lại sẽ đảm bảo nguồn thu".
Lão nông này cũng cho hay, ông thường xuyên theo dõi các kênh YouTube, tham gia các nhóm trên Facebook hướng dẫn về sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật chăm sóc cây trồng... để học hỏi kinh nghiệm.
Đặc biệt, ông cũng thường xuyên tham gia nhiều chương trình tập huấn kỹ thuật canh tác của ngành nông nghiệp, cán bộ khuyến nông địa phương nên có kiến thức cơ bản về cách phân bổ cây trồng. Vì vậy, khu vườn của ông trở thành nơi thực hành lý tưởng cho những kiến thức đã học.
"Các kỹ thuật, hướng dẫn tôi xem trên các trang mạng, các wesite của ngành nông nghiệp đều được tôi suy nghĩ, nghiên cứu để làm sao nó phù hợp với vườn của mình. Đặc biệt, vấn đề khí hậu và thổ nhưỡng cũng rất quan trọng, người trồng phải nghiên cứu kỹ để áp dụng phù hợp.
Nếu ở các tỉnh Tây Nguyên, việc chỉ độc canh cây cà phê sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều về giá cả, đặc biệt là nước tưới và phân bón sẽ phải sử dụng nhiều, từ đó lợi nhuận sẽ giảm mạnh" - ông Phương tự tin chia sẻ những điều mình đã học được trên mạng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã