Đam mê nuôi trồng thủy sản từ lâu, anh Hoàng Văn Thường và bạn bè có chung chí hướng trong thôn Đích đã thử nghiệm nhiều mô hình nuôi cá khác nhau nhưng đều thất bại. Một phần vì chưa tìm hiểu kỹ mô hình đã đưa ngay vào hoạt động, một phần vì tiền vốn không đủ để anh Thường xoay xở lúc khó khăn.
Hiểu được nguyên nhân ấy, năm 2017, anh Hoàng Văn Thường đã sang tỉnh Hải Dương học tập bài bản mô hình nuôi cá "sông trong ao" và mang về tỉnh Hà Nam để thực hiện.
Đây là mô hình mới, với nguyên lý bơm khí tạo thành dòng chảy trong sông, tăng cường oxy, có các sủi phụ lắp đặt quanh các thành sông, bên dưới lắp đặt thêm các hệ thống thu gom phân và đẩy ra ngoài ao, sau đó phân sẽ được thu gom lại để sử dụng cho đất canh tác.
Trong quá trình chuẩn bị kỹ thuật, mua giống, cám và các trang thiết bị cần thiết, anh Thường cùng nhóm bạn đã vay mượn đến hàng tỷ đồng. Vì đây là mô hình điểm của tỉnh nên việc xoay vòng vốn đã không quá khó khăn, nhưng bên cạnh đó việc lắp đặt, thi công không hề dễ dàng.
Anh Hoàng Văn Thường cho biết: "Mô hình nuôi cá này khoảng 4 ha, chưa kể trang thiết bị gần 1 tỷ đồng, mỗi năm tôi phải bỏ ra khoảng gần hai tỷ nữa cả tiền cá giống và tiền cám. Ngoài ra, mình có thể tận dụng phân cá dùng vào việc chăn nuôi và trồng cây ăn quả nên tiết kiệm được nhiều chi phí khác. Nên tính ra nhờ công nghệ này tôi cũng có lãi suất được khoảng 1 tỷ/năm".
Anh Thưởng cho biết thêm, cá được nuôi trong mô hình này có thể gấp từ 6 đến 7 lần sản lượng cá nuôi trong mô hình truyền thống, mỗi con trung bình có trọng lượng khoảng 3kg - 4kg. Một năm, anh Thường có thể thu từ 2 đến 3 vụ cá tùy vào mức độ lớn của cá giống.
Ban đầu mô hình nuôi cá "sông trong ao" cũng gây không ít khó khăn cho anh, đã có những lúc anh muốn từ bỏ đam mê của mình, nhưng được động viên từ bạn bè, từ anh chị trong xã nên anh cố gắng tiếp tục thực hiện.
Anh Nguyễn Văn Bảy – trưởng thôn Đích, người cùng tham gia vào xây dựng mô hình nuôi cá "sông trong ao" với anh Thường cho hay: "Lúc xây dựng mô hình thì khó, khó lắm, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm. Cái lợi nhất của mô hình này là nuôi được nhiều cá, một bể cá có thể nuôi đến 5 tấn cá, cái này thì mô hình nuôi truyền thống không thể làm được."
"Hơn nữa, nuôi cá trong mô hình này mình rất dễ quản lý môi trường sống của cá, dịch bệnh được kiểm soát rất tốt mà lại cho năng suất cao. Ở đây mình thuê gần 20 công nhân, nhưng công đoạn cho cá ăn hay mùa thu hoạch thì chỉ cần 3 người là đủ" – anh Bảy chia sẻ thêm.
Cá nuôi trong mô hình này đã đem đến lợi nhuận cả tỷ đồng mỗi năm cho gia đình anh Thưởng. Anh cũng cho biết, mỗi lứa cá sau thu hoạch đều được các công ty đến mua, có kiểm định chất lượng rõ ràng. Chính vì nuôi bằng mô hình mới giúp tăng năng suất nên anh liên kết được hơn với nhiều công ty hơn, giúp cho sản phẩm của anh được bán ra thị trường nhiều hơn.
Chất lượng cá được nuôi trong mô hình "sông trong ao" cũng có nhiều điểm khác biệt với cá được nuôi truyền thống. Chia sẻ về điều này, anh Thưởng cho hay: "Vì nguyên lý hoạt động của mô hình này là bơm khí tạo dòng chảy tĩnh trong sông nên cá lúc nào cũng được hoạt động, thế nên cá sẽ khỏe hơn nuôi trong môi trường truyền thống, thịt cá chắc và dai hơn, đặc biệt là không có mùi tanh vì mô hình này được vệ sinh theo đúng quy trình."
Mô hình nuôi cá IPRS hay "sông trong ao" đang được các xã phổ biến đến người dân. Tuy công đoạn xây dựng kĩ thuật khá phức tạp nhưng lợi nhuận đem lại rất cao, chính nhờ mô hình này đã giúp nhiều người dân "đổi đời".
Theo Tú Oanh/danviet.vn
https://danviet.vn/mot-nong-dan-ha-nam-thu-loi-1-ty-dong-nam-nho-ap-dung-cong-nghe-song-trong-ao-20200617103337112.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã