Thời gian qua, Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân (Phú Yên) triển khai mô hình bảo vệ, nhân giống các loài cây bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Đơn vị cũng trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, góp phần tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững. Ngoài ra, đơn vị này còn xây dựng đề án cho thuê môi trường rừng để hướng đến tự chủ tài chính.
Bảo tồn giống cây quý hiếm
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, hiện đơn vị quản lý và bảo vệ khoảng 22.133ha rừng, trong đó rừng phòng hộ gần 17.940ha, rừng sản xuất hơn 4.073ha, đất khác khoảng 120ha, được phân bố trên địa bàn các xã Phú Mỡ và Xuân Lãnh.
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được đơn vị tăng cường nên số vụ và số diện tích rừng bị phá, lấn chiếm cũng giảm so với trước.
Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân còn gây trồng các loài cây quý hiếm nhằm vừa bảo tồn gen, vừa cho giá trị kinh tế và phòng hộ như các loài cây giáng hương, re hương, trắc nghệ, dó gạch, lan kim tuyến, sa nhân...
Ông Trần Sơn Ca, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân cho biết: Riêng cây lan kim tuyến (lan gấm), đơn vị đã triển khai gây trồng dưới tán rừng tự nhiên tại xã Phú Mỡ từ năm 2019 đến nay.
Lan gấm là một loại địa lan với khoảng 35 chi và hơn 450 loài. Loại địa lan này sinh sống trên các triền núi đá, dọc theo khe suối, dưới các tán cây to ở độ cao 500-1.600m.
Cây lan kim tuyến ưa độ ẩm cao và ưa bóng râm, kỵ ánh sáng, cây cao khoảng 10-20cm. Ở Việt Nam hiện nay thống kê được hơn 15 loài, trong đó có 2 loài lan gấm ngọc vân bạc (Anoectochilus formosanus Hayata) và lan gấm ngọc vân hồng (Anoectochilus roxburghii) sinh sống dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Trường Sơn.
Các vùng núi cao ở Phú Yên đều có 2 loài lan kim tuyến này mọc trong tự nhiên, phân bố ở độ cao từ 350-1.000m. Tuy nhiên do giá trị thu mua rất cao nên thời gian qua cây lan kim tuyến đã bị khai thác cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng.
Tại huyện Đồng Xuân, lan gấm phân bố nhiều ở vùng rừng tự nhiên thuộc xã Phú Mỡ với độ cao từ 350-900m so với mặt nước biển, tuy nhiên hiện tại còn lại rất ít.
Theo ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã di thực cây lan gấm mọc rải rác về trồng tập trung tại khu vực Chín Bếp và suối Mun thuộc tiểu khu 73, xã Phú Mỡ với diện tích khoảng 0,5ha.
Cách trồng lan gấm là phát dọn dây leo, bụi rậm, tạo khoảng đất trống phù hợp, hạn chế làm ảnh hưởng đến cây tái sinh.
Mô hình này được triển khai với mục tiêu trồng và xây dựng quy trình nhân giống cây lan gấm, để đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển cây lan gấm tại tỉnh Phú Yên.
“Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân còn gây trồng được khoảng 100 cây trắc nghệ, 3.500 cây dó gạch, hơn 4.500 cây sấu tía. Dự kiến trong năm 2021, đơn vị tiếp tục gieo ươm và trồng các loài cây như re hương, bòn hòn, mắc ca, cây ăn quả và tiếp tục phát triển trồng lan gấm để cung cấp giống cho nhân dân trong vùng.
Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân đang xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2024, trồng các loài cây lan gấm, dó gạch, sa nhân dưới tán rừng với diện tích khoảng 110-120ha”, ông Háo nói.
Hướng đến tự chủ tài chính
Cũng theo Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, những năm gần đây, các loại hình du lịch sinh thái rất hấp dẫn du khách. Để tiến tới tự chủ tài chính, Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân đang xây dựng đề án cho thuê môi trường rừng nhằm khai thác tối đa tiềm năng môi trường rừng, tạo vành đai rừng phòng hộ góp phần cải thiện môi trường và tạo công việc làm cho nhân dân trong vùng.
Theo đề án này, toàn bộ khu vực cho thuê môi trường rừng nằm tại các khoảnh 3, 4, 5, 6, 7 và 8 thuộc tiểu khu 79, xã Phú Mỡ, với tổng diện tích khoảng 145ha.
Ông Huỳnh Thanh Huy, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, cho biết: Khu vực này nằm hai bên bờ suối Mun, bắt nguồn từ dãy núi La Hiên với hiện trạng là rừng tự nhiên thuộc trạng thái rừng giàu, độ cao trên 1.000m và đổ về sông Kỳ Lộ tại khu vực thôn Phú Lợi có độ cao so với mực nước biển khoảng 150m.
Do suối có độ dốc cao nên tạo ra nhiều thác đẹp, cảnh quan hùng vĩ, tiếp giáp về phía đông bắc là thủy điện La Hiêng 2, khu rừng Chín Cụm, núi Ba Đồng Cọ, Suối Lạnh… là những khu vực cảnh đẹp, còn hoang sơ, khí hậu trong lành, đây là điều kiện tốt để xây dựng mô hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Trung Háo cho biết: Hệ động thực vật ở khu vực thuộc đề án cho thuê môi trường rừng rất phong phú và đa dạng sinh học, trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như lan gấm, re hương, dó gạch, trắc nghệ, chồn bay, tê tê, chim khứu... là nơi lý tưởng cho tham quan học tập, nghiên cứu về động thực vật.
Đề án cho thuê môi trường rừng được triển khai sẽ tạo nguồn kinh phí để đơn vị thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng với phương châm “lấy rừng nuôi rừng”, tiến đến tự chủ về tài chính.
Ngoài ra, việc triển khai đề án này còn góp phần nâng cao giá trị của rừng, tạo sản phẩm du lịch mới, đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương, cải thiện đời sống người dân, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của rừng.
Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, việc Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân gây trồng các loài cây quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng là hết sức cần thiết nhằm bảo tồn gen loài cây quý hiếm, tạo vùng dược liệu và nhân rộng mô hình cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi những loài cây trồng có thu nhập cao.
Nếu mô hình thành công sẽ tạo nguồn thu nhập lớn cho nhân dân miền núi, gắn kết nhân dân vào công việc bảo vệ rừng một cách bền vững, phù hợp với đề án quản lý rừng bền vững và tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
“Còn đề án cho thuê môi trường rừng để làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng là vấn đề cần thiết, thúc đẩy phát triển ngành du lịch ở địa phương, phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2019-2029 của Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân đã được UBND tỉnh phê duyệt”, ông Chánh nói.
Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân Nguyễn Trung Háo: Trong y học, lan kim tuyến (lan gấm) là cây thuốc quý. Với đặc tính quý giá về dược liệu, lan gấm (lan kim tuyến) được thị trường thu mua với giá khá cao, hơn 10 triệu đồng/kg khô và khoảng 2,6 triệu đồng/kg tươi. Do số lượng ít, mọc rải rác và bị khai thác quá nhiều nên cây lan kim tuyến đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, cấm khai thác sử dụng với mục đích thương mại.
Theo danviet.vn
https://danviet.vn/phu-yen-lan-kim-tuyen-la-loai-cay-gi-quy-hiem-the-nao-ma-o-huyen-nay-dang-gap-rut-bao-ton-nhan-giong-20210208235255243.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã