Có mặt tại xã Chiềng Sàng - một trong những xã tập trung nhiều nhất số hộ trồng dưa lê siêu ngọt của huyện Yên Châu, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp thu hoạch dưa của bà con nông dân nơi đây để kịp xuất bán cho thương lái khắp nơi đặt mua.
Vừa cắt cuống, vừa lau dưa, bán ngay tại ruộng, chị Lò Thị Hóa, bản Vũng Mo cho biết: "Trước đây trên 800m2 ruộng này gia đình tôi trồng rau cải, xà lách, cà chua, ớt... nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Khi được cán bộ Hội Nông dân huyện tuyên truyền hiệu quả từ trồng dưa lê siêu ngọt, nên gia đình đã mạnh dạn trồng dưa siêu ngọt...".
Theo chị Hóa, nhờ vậy mà thu nhập của gia đình tôi không ngừng tăng lên, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Thời gian qua, dưa lê siêu ngọt đã trở thành một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân huyện Yên Châu.
Tại xã Chiềng Sàng, các nông hộ đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích đất canh tác, dần biến dưa lê siêu ngọt trở thành một trong những giống cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình.
Theo các hộ dân, giống dưa lê siêu ngọt có nhiều ưu điểm vượt trội như: Dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, cho quả đều và đẹp, khi ăn giòn và ngọt.
"Dưa lê siêu ngọt được trồng phổ biến vào khoảng tháng 3 và thu hoạch rộ vào tháng 5, tháng 6 dương lịch. Thời gian sinh trưởng chỉ từ 45 – 50 ngày, nên thu hoạch và thu hồi vốn từ bán dưa siêu ngọt rất nhanh....", chị Lò Thị Hóa chia sẻ.
Hiện gia đình chị Hóa trồng hơn 800m2 dưa lê siêu ngọt. Chị vừa thu hoạch được hơn 4 tạ dưa và bán ngay tại ruộng. Chị bán dưa với giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg tùy theo chất lượng dưa...
Hiện nay, diện tích trồng dưa lê trên địa bàn huyện Yên Châu còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường nên sản phẩm của bà con trồng đến đâu thì được thương lái mua hết đến đó, chứ không bị ế ẩm như các mặt hàng nông sản khác.
So với trồng lúa thì trồng dưa lê siêu ngọt cho thu nhập cao từ 3 – 5 lần. Muốn quả có mẫu mã đẹp và chất lượng, người trồng phải biết cách đánh luống cao, phủ nilon hoặc tạo giàn để dưa phát triển tốt, tránh được sâu bọ hại thân cây.
Cần tiến hành ngắt ngọn dưa thường xuyên 2 ngày một lần khi cây dưa đủ 6 – 8 lá. Việc ngắt ngọn thường xuyên sẽ giúp cây phát triển dây, cho quả sai, đẹp.
Do có vị ngọt mát, hương vị thơm ngon đặc trưng, giúp giải nhiệt trong mùa nắng nóng nên dưa lê siêu ngọt được thị trường khá ưa chuộng.
Chị Hóa thu hoạch dưa lê đến đâu, thương lái đến tận ruộng thu mua hết đến đấy. Quả dưa to, đều, màu đẹp có giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, quả nhỏ khoảng 20.000 đồng/kg, mỗi năm chị lãi hơn 60 triệu đồng từ dưa.
Trồng dưa lê siêu ngọt không chỉ giúp gia đình chị Hoá tận dụng được quỹ đất, nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác mà còn mang lại nguồn thu đáng kể, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở cơ sở.
Ông Trần Sỹ Hứng, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cho hay: "Dưa lê siêu ngọt có thể trồng quanh năm, thời gian sinh trưởng ngắn. Sau khi trồng từ 45 - 60 ngày có thể thu được những lứa quả đầu tiên, nếu chăm bón tốt năng suất rất cao...".
"Do dưa lê siêu ngọt giá bán cao lại tương đối ổn định, nên diện tích loại cây trồng này trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng. Thu nhập của bà con nhân dân không ngừng tăng cao, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế ở địa phương. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân cách chăm sóc để tăng năng suất và sản lượng dưa lê siêu ngọt trên cùng 1 diện tích canh tác", ông Trần Sỹ Hứng..
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã