Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 5/2021 ước đạt 400 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với 63,2% thị phần, giá trị đạt 866,2 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp đến là thị trường Mỹ đạt 57,4 triệu USD (chiếm 4,2%), tăng 16,6%; Hàn Quốc đạt 50,4 triệu USD (chiếm 3,7%); Thái Lan đạt 46,8 triệu USD (chiếm 3,4%); Nhật Bản đạt 46,7 triệu USD (chiếm 3,4%).
Tính từ tháng 1/2021 đến hết tháng 4/2021, mặt hàng rau quả xuất khẩu nhiều nhất là thanh long đạt 455,1 triệu USD (chiếm 33,2% tổng xuất khẩu rau quả), tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc đã mua tới 1,2 triệu tấn thanh long của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam, chiếm trên 85% tổng kim ngạch XK rau quả.
“Xuất khẩu rau quả đến các thị trường này có nhiều điểm thuận lợi như quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển. Bên cạnh đó, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Việt Nam hầu hết đều đã về 0% do thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA)”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Đối với các thị trường khu vực châu Âu, châu Mỹ, theo cam kết thuế quan tại các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), phần lớn các sản phẩm rau, củ, quả tươi và chế biến được xóa bỏ thuế hoàn toàn ngay khi FTA có hiệu lực.
Đây là yếu tố mới mở ra cơ hội cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam khi hàng rau quả của Việt Nam tại các thị trường này vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ và còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, nhiều loại trái cây đặc sản và cũng là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như sầu riêng, vải, xoài, thanh long... đang vào chính vụ, nguồn cung dồi dào.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường thế giới phục hồi sau đại dịch, cộng với hiệu quả của các FTA, các chương trình xúc tiến thương mại và nỗ lực quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu rau quả của các bộ ngành, địa phương đã mang tới hiệu quả cao cho các hoạt động của thị trường, giải quyết vướng mắc cho bà con nông dân.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, Bộ Công Thương phân tích, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đối mặt không ít khó khăn.
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam làm gián đoạn hoạt động thu hoạch và sản xuất hàng rau quả tại các khu vực trồng chính.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang bước vào vụ thu hoạch rộ trái cây theo mùa khiến nhu cầu nhập khẩu giảm, có thể sẽ làm cản trở đà tăng trưởng của hàng rau quả Việt Nam sang thị trường này trong những tháng tới.
Một yếu tố quan trọng khác là, rau quả Việt Nam chủ yếu vẫn được tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng tươi, chiếm tỷ trọng khoảng 80%; trong khi các sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việc xuất khẩu chủ yếu ở dạng tươi khiến rau quả Việt Nam khó cạnh tranh về chất lượng, giá cả ở các thị trường xa do thời gian cần phải tiêu thụ ngăn, chi phí bảo quản, chi phí vận chuyên cao.
Đối với các loại quả đã được cho phép xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand,... lượng xuất khẩu vẫn rất hạn chế.
Lý do là bởi diện tích, sản lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, đủ tiêu chuẩn, được cấp mã số vùng trồng theo quy định của các thị trường khó tính còn rất khiêm tốn so với tổng diện tích, sản lượng trái cây cả nước, làm hạn chế việc ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu.
Dự báo, trong quý 3/2021, xuất khẩu rau quả vẫn gặp khó khăn do yếu tố lưu thông, vận chuyển hàng hóa còn nhiều hạn chế; mùa mưa bão bắt đầu tại vùng sản xuất nguyên liệu. Cơ hội cho xuất khẩu rau quả có thể tốt hơn vào quý 4/2021 khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.
Với việc đơn hàng quý 3/2021 và quý 4/2021 bình quân tăng khoảng 20% so với 2 quý đầu năm, dự kiến xuất khẩu rau quả cả năm ước đạt từ 3,5-3,6 tỷ USD.
Theo Khánh Nguyên/danviet.vn
https://danviet.vn/trung-quoc-vung-tien-mua-luong-trai-cay-khong-lo-cua-viet-nam-loai-qua-nao-duoc-mua-nhieu-nhat-20210624160821724.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã