Nhộn nhịp chợ cá Đồng Hới Ảnh: Hạnh Châu
Rộn ràng chợ cá
Chị Nguyễn Thị Lan (phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình), một tiểu thương ở chợ cá Đồng Hới tươi cười: "Hơn hai tuần nay mới thấy lại cảnh chợ cá tấp nập từ sáng đến chiều tối. Cả năm trời rồi, cả nhà bữa đói bữa no vì không còn nguồn thu nhập nào cả. Chừ thì đỡ rồi. Cũng gần chục ngày qua, mỗi ngày tui cũng mua tôm cá ở thuyền rồi bán lại , lo được nồi cơm cho cả nhà".
Sau khi các ngành chức năng công bố sự an toàn của các loại cá tầng nổi và độ an toàn của biển miền Trung, thị trường hải sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã nhộn nhịp trở lại, lượng tiêu thụ hải sản bắt đầu gia tăng. Chợ Đồng Hới là trung tâm đầu mối mua bán các loại hải sản phục vụ du lịch và nhu cầu hàng ngày của người dân. Khu chợ có gần 100 gian hàng bày bán hải sản tươi sống. Gần một năm nay, chợ hải sản luôn trong tình trạng vắng vẻ thì nay đã tấp nập trở lại
Bà Hoàng Thị Ngọc, một tiểu thương có hàng chục năm buôn bán hải sản ở chợ Đồng Hới, cho biết, cách đây vài tháng, mỗi ngày bà chỉ bán chừng được vài mớ cá, mực các loại. Nhưng nhiều ngày trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân và khách du lịch tăng cao, có ngày bà Ngọc bán được hàng tạ hải sản, và hơn thế, giá cả cũng ở mức khá cao.
Ngư dân ào ạt ra khơi…
Từ đầu tháng 4 đến nay, ngư dân các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) cũng trúng mùa biển. Sau cả năm biển chết, bây giờ ngư dân như được cởi trói và ào ạt ra khơi. Ông Ngô Văn Ngãi, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung, cho hay toàn bộ gần 150 tàu thuyền ven bờ của ngư dân đều ra biển. Mùa này trúng mực và cá gáy. Ngư dân đi trong ngày về cũng được 2 - 10 ký mực. Với giá trung bình 100 ngàn đồng/kg mực, mỗi thuyền đi biển cũng được từ 500 trăm đến - 1 triệu đồng/người/ngày.
Ngư dân Ngô Văn Bắc (xã Ngư Thủy Nam) vừa đi biển về, chia sẻ: Thuyền ông có ba lao động, đi câu cá gáy và mực. Chuyến này đi trong ngày về được chục ký mực và ngần đấy cá gáy. Bán tại bến được khoảng ba triệu đồng. "Chi phí đèn dầu còn lại chia nhau mỗi lao động được 700 ngàn đồng.
Còn tại xã biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch), ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có gần 240 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó phần lớn tàu có công suất 200 đến 800 CV. Nhiều hộ gia đình sở hữu đến 2 - 3 chiếc. Vì vậy, mặc dù năm 2016 sự cố môi trường biển đã làm tê liệt khai thác vùng gần bờ nhưng xã vẫn vượt chỉ tiêu khai thác với hơn 86 nghìn tấn hải sản, đạt 106% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 35 triệu đồng/năm. Vụ cá nam năm nay, đội tàu xa bờ của xã đã thu được thành công lớn. Hầu hết các tàu ra khơi trở về đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Một tin vui báo về, tàu cá vỏ thép QB 98963 TS của ông Nguyễn Chiến Trường ở thôn Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc) vừa có chuyến biển thắng lớn. Sau 20 ngày đánh bắt hải sản bằng nghề lưới rê, tàu của ông Chiến với 9 ngư dân trở về đất liền mang theo 5 tấn cá, trong đó có 4 tấn cá thu, doanh thu đạt 600 triệu đồng, lãi hơn 400 triệu đồng.
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, hầu hết tàu cá xa bờ tại địa phương đều kết thúc chuyến biển đầu tháng 4 trong thắng lợi. Có chủ tàu trả lương cho ngư dân từ 15 - 20 triệu đồng/chuyến biển.
Box: Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, cho biết, ngành đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tổ, đội đoàn kết trên biển để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám ngư trường, thu được nguồn lợi lớn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã