Bới... bom bi, lấy đất ươm tràm
Đến thăm ngôi dinh thự của nông dân Cáp Quốc Hà ở thôn Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vào một ngày cuối tháng 8, chúng tôi được nghe anh kể về những tháng ngày vất vả, bới đất hoang đầy bom bi để... ươm rừng.
Sau tháng ngày cơ cực khai hoang trồng rừng, giờ đây anh Cáp Quốc Hà có thể hái quả ngọt và trở thành tỷ phú. Ảnh: N.V
Mỗi năm, anh Hà khai thác khoảng 30ha rừng, doanh thu được gần 2,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. |
Anh cho biết, bố anh - ông Cáp Đình Hội (1924 – 2009) là cựu tù binh ở Phú Quốc. Sau hòa bình, ông Hội trở lại đảo ngọc lập nghiệp. Anh Hà sinh ra và lớn lên ở đó. Năm 1992, ông Hội đưa gia đình trở về quê cũ ở thôn Trà Lộc (Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị). Về quê, hàng ngày, ông Hội dắt anh Hà đến các điểm đóng quân, chiến trường xưa ở vùng núi đồi xã Hải Chánh tìm hài cốt đồng đội. Thấy vùng đồi nơi đây hoang hóa, anh Hà và cha quyết định xin đất khai hoang lập nghiệp, trồng rừng.
“Khi đó, vay vốn khó khăn, không thuê được máy móc, do vậy việc khai hoang chủ yếu bằng tay, dùng rựa phát quang, dùng cuốc đào hố trồng cây. Cái ăn hàng ngày chỉ có cơm độn sắn với rau rừng. Nhiều lần cuốc phải bom bi, may mà không nổ chứ không tôi đã bỏ mạng từ lâu” – anh Hà kể.
Nhờ sự giúp đỡ của Sở NNPTNT, anh Hà được tập huấn kỹ thuật ươm giống cây tràm để trồng cuốn chiếu. Cứ 7 năm, anh Hà lại khai thác rừng rồi thuê máy móc mở rộng diện tích. Đến năm 1998, anh đã có trong tay hơn 200ha rừng tràm.
“Đại gia chân đất”
Năm 2015, nhận thấy tiêu là cây có tiềm năng kinh tế, anh Hà cải tạo khu đất rừng gần 1ha đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng để trồng 1.200 gốc tiêu. Vườn hồ tiêu của anh Hà có hệ thống phun sương, mái che, dây cột giằng chống bão chắc chắn.
Được chăm sóc đúng kỹ thuật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ nên chỉ sau một năm vườn tiêu anh Hà đã cho thu hoạch quả bói với năng suất hơn 2 tấn/1.200 cây.
Năm 2017, tìm hiểu trên internet thấy giống tiêu Srilanka cho năng suất cao, anh Hà hứng thú nên nhờ người thân dẫn sang tận Campuchia mua giống về trồng 800 gốc tiêu. Anh cho biết, giống tiêu Srilanka có buồng dài từ 20-30cm, trái đều, năng suất cao gấp 3-4 lần các giống tiêu truyền thống trồng tại địa phương, mỗi gốc cho khoảng 10kg tiêu.
Cũng theo anh, trồng tiêu quan trọng nhất là không để nước ứ đọng gây úng dẫn đến cây bị bệnh. Riêng việc trừ sâu bệnh, anh Hà sử dụng chế phẩm sinh học hỗn hợp từ gừng, ớt, tỏi để phun. Hiện anh Hà đang làm thủ tục để đăng ký thương hiệu sản phẩm tiêu hữu cơ. Hiện, Hơn 200ha rừng tràm, hồ tiêu của anh Hà không chỉ cho thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng mà còn biến cả vùng đồi hoang hóa thành cánh rừng xanh tốt .
Ông Hồ Đình Thái – Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho hay, anh Hà không những được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 208, được tham gia chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam vào trung tuần tháng 10 này mà còn là người luôn tích cực đóng góp trong việc đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quê hương. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã