Vườn bưởi da xanh sản xuất theo quy trình VietGAP đang được cơ sở Hương Miền Tây bao tiêu sản phẩm |
Hiện tại, bưởi da xanh được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu với giá rất cao, từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Với giá này, nhà vườn có thể thu về tiền tỉ/ha…
Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng bưởi da xanh (BDX) lớn nhất vùng ĐBSCL, hiện có khoảng 7.000 ha đang cho trái, ngoài ra còn trên 2.000 ha được người dân trồng rải rác ở nhiều nơi trong tỉnh, chưa đến thời gian thu hoạch. Đây là loại cây ăn trái chủ lực của địa phương này, và ít loại trái cây nào có giá trị cao, thị trường tiêu thị ổn định như BDX, đặc biệt XK ngày càng mở rộng.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn bưởi sau nhà, ông Đào Văn Minh, Tổ phó tổ hợp tác (THT) BDX Phú Thành, xã Quới Sơn (Châu Thành, Bến Tre) phấn khởi nói: “Từ một loại trái cây ít được ai biết đến, nhưng giờ BDX đã trở nên rất phổ biến ở quê hương chúng tôi, trở thành cây làm giàu chủ lực!”. Theo ông Minh, nhiều nhà vườn trồng BDX thu lời tới 70 triệu đồng/1.000 m2. Chỉ cần bình quân một gia đình có 1 ha đất thì mỗi năm đã bỏ túi 700 triệu rồi.
Trước đây, toàn bộ diện tích đất của ông Minh được trồng nhãn nhưng giá bán không tốt. Năm 2004, khi tình cờ ăn quả BDX thấy ngon, giá lại cao nên ông tìm mua giống về trồng xen trong vườn nhãn nhằm chuyển đổi dần. Ông kể, lúc đầu ông không dám đốn bỏ vườn nhãn đang cho trái mà chỉ trồng xen. Khi cây bưởi càng lớn ông bắt đầu tỉa bớt nhánh nhãn và đến năm 2006 thì toàn bộ diện tích đã chuyển sang chuyên canh BDX trên diện tích 8.000 m2 (khoảng 400 gốc bưởi).
Vừa chăm sóc vườn BDX, ông Minh vừa học hỏi, đúc kết kinh nghiệm nhằm cho năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng để bán được giá. Từ năm 2008 đến nay, năng suất BDX ở vườn nhà ông tăng dần. Đến năm 2015, ông thu được 30 tấn bưởi, bán với giá bình quân 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, cho ông thu lợi nhuận 1 tỷ đồng. Từ đó, ông Minh mạnh dạn liên kết với với những hộ dân trong ấp để thành lập THT sản xuất BDX theo hướng VietGAP. Lúc đầu THT có 34 thành viên, với diện tích 21 ha, đến nay đã phát triển lên 116 thành viên, với 56 ha; trong đó có 48 hộ đã được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích 22 ha.
Sơ chế phân loại bưởi da xanh xuất khẩu tại cơ sở Hương Miền tây |
Bà Mai Thị Hoa, thành viên THT chia sẻ: “Nhờ tham gia THT mà 5.000 m2 bưởi da xanh của gia đình tôi trúng mùa liên tục, bán giá cao, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng”.
Theo các hộ dân trồng bưởi trong THT, sản xuất bưởi theo hướng VietGAP mới đầu thấy cũng rất cực vì chưa quen với việc phải ghi chép nhật ký hàng ngày, bón phân, xịt thuốc đúng cách, đúng liều lượng. Tuy nhiên, ưu điểm là năng suất tăng cao và giảm giá thành sản xuất nên nhiều nông dân dần hào hứng tham gia. Toàn bộ sản phẩm BDX đạt chứng nhận VietGAP đều được Cơ sở Hương Miền Tây bao tiêu hết.
Nhận thấy tiềm năng phát triển to lớn của cây BDX, những năm qua ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ thành lập các THT và HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, dự án phát triển 6.000 ha BDX trong vườn dừa cũng đang hình thành vùng nguyên liệu ổn định về sản lượng và chất lượng.
Phân loại bưởi nhập về kho bảo quản |
Chúng tôi về xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre, gặp ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở Hương Miền Tây, người có nhiều đóng góp trong việc nâng cao giá trị cho trái BDX đặc sản của Bến Tre.
Ông Hưng tâm sự: “Thời điểm đầu với tôi cực kỳ khó khăn, vì mỗi nhà vườn chỉ trồng một vài cây bưởi để ăn hoặc làm quà biếu. Lúc đó tôi đem bưởi da xanh đi chào hàng rất khó, người tiêu dùng chưa biết đến loại bưởi này, cứ bảo vỏ trái xanh như vậy ăn sao được. Tôi cứ ráng mời giới thiệu cho họ ăn thử để biết hương vị bưởi miền Tây ngon như thế nào”.
Cứ ai khen bưởi ăn ngon đều được ông tặng cho một vài quả rồi nhắn nhủ họ nhớ quay lại ủng hộ. Đó là hành trình đầu tiên BDX đến với người tiêu dùng và dần dần được nhiều người ưa chuộng như ngày nay. Hiện, mỗi ngày cơ sở trái cây Hương Miền Tây vận chuyển 20 tấn BDX từ Bến Tre ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc để tiêu thụ.
Giới thiệu về chất lượng mẫu mã bười da xanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu |
Khi đã tạo được thị trường ổn định cho BDX, ông Hưng bắt đầu nghĩ đến phương án đầu tư liên kết mở rộng diện tích trồng BDX cho nông dân Bến Tre. Ông vận động từng hộ dân tham gia trồng BDX theo quy trình an toàn và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá thu mua luôn cao hơn thị trường nhằm giúp bà con yên tâm chăm sóc vườn cây. Do vậy, sản phẩm BDX đảm bảo ATTP ra đời và được nhiều DN nước ngoài đặt hàng thu mua. Năm 2007, cơ sở Hương Miền Tây xuất lô hàng bưởi da xanh đầu tiên sang Đức. Mỗi tấn BXD xuất đi, bà con được thu lợi nhuận khoảng 50 - 60 triệu đồng. Đến nay có nhiều đối tác là khách hàng châu Âu, châu Á đặt hàng tiêu thụ BDX...
Trao đổi với NNVN, ông Lê Quốc Điền, GĐ Trung tâm chuyển giao KHKT, Viện CĂQ miền Nam, cho biết: “Chúng tôi đã chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP cho rất nhiều địa phương vùng ĐBSCL, trong đó có vùng bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre. Trước khi chuyển giao bưởi da xanh chỉ đạt năng suất 13 – 16 tấn/ha. Chỉ sau 1 năm chuyển giao đã giúp tăng năng suất bưởi lên 25 tấn/ha, quan trọng nhất là cây bưởi không bị suy, vẫn giữ được chất lượng và năng suất luôn ổn định”.
Thu mua tập kết hàng bưởi từ nhà vườn về nhà máy sơ chế |
Theo ông Điền, điểm yếu nhất của nhà vườn hiện nay là tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch vẫn còn lớn tới 30%, vì bà con sử dụng dụng cụ thu hoạch rất lỗi thời. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế này, chúng tôi đã nghiên cứu tìm ra được những dụng cụ thu hoạch áp dụng cho từng loại cây trồng giúp bà con giảm được thất thoát sau thu hoạch.
+ Theo ông Hưng, diện tích BDX sản xuất theo quy trình VietGAP còn khá manh mún nên vẫn chưa đáp ứng đủ sản lượng lớn theo nhu cầu thị trường XK khiến cơ sở Hương Miền Tây phải từ chối nhiều hợp đồng lớn với các đối tác nước ngoài. Để khắc phục, cơ sở đang mở rộng liên kết sản xuất và thu mua BDX từ nông dân các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của khách hàng trong và ngoài nước. + Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện CĂQ miền Nam: “Trong nhiều loại trái cây có lợi thế xuất khẩu thì tôi thấy bưởi da xanh đã khởi sắc rất lớn; trong đó cơ sở Hương Miền Tây đã xây dựng được mạng lưới thu mua và tiêu thụ giúp gắn kết giữa nhà vườn với người tiêu thụ, giải quyết đầu ra khá tốt cho sản phẩm”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã