Hơn 10 năm nay, trang trại của gia đình ông Phạm Văn Thương ở TP.Tam Điệp (Ninh Bình) thường xuyên nuôi hơn 4.000 con gà và 20 con lợn thịt. Ông cho biết, việc chọn sản phẩm TACN công nghiệp đều do các đơn vị chào mời, thấy giá thành hợp lý thì mua, còn chất lượng có đúng với bao bì, nhãn mác không thì... chịu.
Công nhân chăm sóc đàn lợn tại trang trại của HTX Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: T.Q
“Hiện, nông dân chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào các đại lý cung cấp TACN trên địa bàn. Điều đáng nói là, bà con đều mua cám trả chậm nên nhiều khi không đòi hỏi, các đại lý cứ bán, cung cấp là chúng tôi mua thôi” - ông Thương nói.
Theo tính toán của ông Thương, trung bình mỗi con gà lai chọi mà gia đình ông nuôi từ khi mua giống đến khi xuất chuồng đạt trọng lượng 2,3kg, chi phí bỏ ra khoảng 70.000 đồng/con. Với đàn lợn, riêng tiền mua giống ông phải trả trên 1 triệu đồng/con, cùng với lượng thức ăn, thuốc thú y, nhân công... tính ra giá thành khoảng 3,6 triệu đồng/tạ lợn hơi.
Gia đình chị Phạm Thị Mùi ở Kim Bảng (Hà Nam) cũng sở hữu một trang trại chăn nuôi khá lớn. Để duy trì đàn lợn, hàng năm chị phải sử dụng hàng trăm tấn TACN công nghiệp. Tuy nhiên, do mới vào nghề nên gia đình chị không được hưởng ưu đãi mua thức ăn trả chậm, mỗi lần lấy cám chị đều phải thanh toán tiền mặt luôn.
"Hiện tôi vẫn quen sử dụng cám nội với giá trung bình khoảng 10.000 đồng/kg, tùy loại. Chi phí TACN đã chiếm tới 70% giá thành sản xuất, khiến chi phí đội lên 3,6 - 3,7 triệu đồng/tạ lợn hơi. Nếu giá lợn không đạt trên 40.000 đồng/kg thì chúng tôi sẽ không có lãi" - chị Mùi khẳng định.
Là một trong những đơn vị chăn nuôi lớn ở Hà Nội, HTX Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) đang nuôi 4 vạn gà và hàng trăm con lợn thương phẩm. Chính vì thế, lượng TACN tiêu tốn rất lớn, trung bình mỗi tháng HTX sử dụng khoảng 50 tấn cám.
Theo ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Cổ Đông, việc quản lý chất lượng cũng như giá TACN đang có nhiều vấn đề. Hiện, giá TACN ở Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Giá này, trừ thuế VAT 5%, lợi nhuận của các công ty TACN từ 11 – 15%. Trong khi Thái Lan quy định lợi nhuận đối với mặt hàng này chỉ khoảng 5%, không được cao hơn, còn ở Việt Nam thì không ai quản lý.
Cũng theo ông Chiến, hiện nay việc sử dụng cám công nghiệp của nông hộ và doanh nghiệp đang có sự chênh lệnh rất lớn. Để có được 1kg lợn hơi, nông hộ phải tiêu tốn trên 3kg cám, trong khi doanh nghiệp chỉ tiêu tốn 2 - 2,5kg thức ăn. Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệnh trên theo ông Chiến có thể do việc sử dụng chủng loại cám khác nhau và có thể do các doanh nghiệp đã điều chỉnh chất lượng dinh dưỡng trong thức ăn.
Là đơn vị đang nuôi trên 2.000 con lợn, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trong việc sử dụng TACN giữa doanh nghiệp và nông hộ. Thứ nhất, do giống doanh nghiệp và nông hộ chăn nuôi khác nhau. Thứ hai, do môi trường nuôi khác nhau, doanh nghiệp sử dụng chuồng trại khép kín hiện đại, trong khi nông dân lại nuôi lợn ở các chuồng trại nhỏ lẻ, đơn sơ.
Nguyên nhân thứ ba là do chất lượng cám, hiện phần lớn bà con hay chăn nuôi lợn bằng cám nội (do các công ty trong nước sản xuất), trong khi việc quản lý chất lượng cám ở Việt Nam còn kém, nhiều loại cám kém chất lượng vẫn được lưu thông trên thị trường dẫn đến việc chăn nuôi của nông dân tốn nhiều thức ăn mà lại không hiệu quả.
Theo ông Hoàng Văn Điền - chủ một đại lý cám cấp 1 chuyên bán TACN cho một doanh nghiệp trong nước, thời điểm này giá cám đã tăng gần 10% so với thời điểm đầu năm 2018. "Giá TACN trên thị trường phụ thuộc nhiều yếu tố, quan trọng nhất là nguyên liệu dự trữ trong kho của từng công ty. Nếu công ty có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất thì giá cám sẽ bình ổn, nếu thiếu nguyên liệu, phải nhập khẩu thì giá sẽ tăng lên" - ông Điền nói.
"Mức tiêu tốn thức ăn phục vụ đàn lợn của tôi dao động trong khoảng 3kg cám/kg lợn hơi, tùy thời điểm nuôi. Chính vì thế, chi phí TACN đã chiếm tới 70% giá thành sản xuất”. Chị Phạm Thị Mùi |
Trần Quang
Theo Báo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã