Học tập đạo đức HCM

Cách nào cứu người nuôi gà: Đâu là nguyên nhân?

Chủ nhật - 28/10/2012 04:59
Từ cuối năm 2011 đến nay, người chăn nuôi gà rơi vào cảnh điêu đứng do dịch bệnh hoành hành trong khi giá bán giảm.

Người chăn nuôi lao đao vì giá TĂCN tăng cao và gà nhập lậu ồ ạt tràn vào.

Bài 1: Lao đao vì lỗ

Nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến cảnh người chăn nuôi bỏ chuồng hoặc nuôi cầm chừng là do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, gà nhập lậu tràn lan khiến gà trong nước không còn chỗ đứng.

Giá thức ăn leo thang

Theo người chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã mấy lần điều chỉnh tăng. Riêng trong hai tháng 8 - 9, giá cám tăng khoảng 18-20%, tương đương 10.000-15.000 đồng/bao 25kg, thậm chí nhiều đại lý tăng tới 20.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá gà thương phẩm, trứng, gà giống đi theo chiều ngược lại.

Để đối phó với nghịch lý trên, người chăn nuôi chỉ còn cách giảm đàn hoặc nuôi cầm chừng. Anh Nguyễn Văn Ánh ở xã Bảo Đài (Lục Nam - Bắc Giang) cho biết, để duy trì đàn, tránh tình trạng bỏ chuồng trống, cách duy nhất là giảm số lượng. Bởi vậy, đàn gà của anh từ 3 vạn con, giảm dần đến nay chỉ còn khoảng 2 vạn con. Tuy nhiên, theo anh Ánh, đây chỉ là biện pháp tình thế vì nếu giá thức ăn, thuốc thuốc y, nhân công vẫn tăng trong khi giá trứng, thịt không tăng, thậm chí giảm thì người chăn nuôi không thể chịu đựng thêm. Chưa kể, tình trạng gia cầm nhập lậu tràn lan, khó kiểm soát cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm gia cầm trong nước khó tiêu thụ.

Ông Đào Văn Bằng, chủ trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm ở xã Kim Long (Tam Dương - Vĩnh Phúc) tính toán, đối với gà thịt hiện nay, phải bán với giá 30.000 đồng/kg mới mong hòa vốn. “Làn sóng” gia cầm nhập lậu khiến thương gia mặc sức o ép người chăn nuôi. Thêm vào đó, giá thức ăn tăng chóng mặt khiến nhiều gia đình không được bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ... đành chấp nhận bỏ chuồng.

Lý giải cho việc giá TĂCN liên tục tăng, các doanh nghiệp sản xuất TĂCN cho rằng, do giá các mặt hàng nguyên liệu tăng. Cụ thể, khô dầu đậu tương mua buôn hiện có mức giá kỷ lục 14.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với giữa tháng 7 và tăng gần 70% so với đầu năm 2012. Ngoài ra, giá các nguyên liệu nhập khẩu khác như: bột cá, bột thịt, một số loại thuốc thú y… cũng tăng 30 - 40% so với đầu năm. Điều đáng nói là, cho đến nay, chúng ta chưa thể chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN dù tiềm năng khá dồi dào. Và nông dân vùng trồng đậu tương, ngô, khoai, vốn là nguyên liệu đầu vào của sản xuất thức ăn chăn nuôi, vẫn phải chịu cảnh ế ẩm.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngành chăn nuôi 2012, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, nước ta hiện có 233 nhà máy sản xuất TĂCN, trong đó, 155 DN trong nước chỉ chiếm 40% thị phần, 58 nhà máy (24,9%) thuộc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 60% tổng sản lượng TĂCN công nghiệp quy đổi (khoảng 10,6 triệu tấn). Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất TĂCN đạt 13-15%/năm, đóng góp vào sự tăng trưởng này có mặt của các tập đoàn lớn trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam hiện tồn tại một nghịch lý lớn, giá TĂCN quá cao so với các nước trong khu vực (trong khi TĂCN chiếm tới 70% giá thành sản xuất), nếu để tình trạng này kéo dài thì không thể hạ giá thành chăn nuôi xuống được.

Theo thống kê của Hội Chăn nuôi Việt Nam, mỗi tháng ngành chăn nuôi cả nước thiệt hại tới 5.000 tỷ đồng do giá cả giảm sút, đầu ra bấp bênh. Ông Đoàn Trọng Lý, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất - nhập khẩu (APROCIMEX) cho biết, trong khi hàng loạt ngành khác được ưu ái với những chính sách hỗ trợ kịp thời thì ngành chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi, đang bị bỏ rơi!

Ông Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Nam Việt cho biết: “Để giúp người chăn nuôi thoát khỏi tình trạng khó khăn trong thời điểm hiện nay, công ty đã hỗ trợ 200 - 300 đồng/kg cám. Đặc biệt, những trang trại nào giữ được đầu con tốt, công ty lấy đó làm điểm và có chính sách hỗ trợ riêng. Ngoài cử nhân viên hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi còn hỗ trợ trực tiếp vào giá cám với mức 5.000 đồng/con gà thịt; 200 đồng/kg đối với gà đẻ. Tuy nhiên, để người chăn nuôi có thể gỡ khó thì khâu quan trọng vẫn là giải pháp của Nhà nước trong việc quản lý, ngăn chặn gia cầm, sản phẩm từ gia cầm nhập lậu vào nước ta”.

Gia cầm lậu ồ ạt

Khi được hỏi nguyên nhân khiến giá gà giảm mạnh trong thời gian gần đây, hầu hết người chăn nuôi đều nhận định: Gà đẻ loại thải được nhập lậu về nhiều với giá rẻ là cớ để thương lái ép giá người chăn nuôi trong nước. Đó là chưa kể gà mái thải từ Hàn Quốc cũng đang được nhập ồ ạt vào Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến gà trong nước không thể cạnh tranh nổi, người nuôi bán với giá thấp thì lỗ, còn bán giá cao thì chẳng ai mua.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, từ đầu tháng 9/2012 đến nay, tình hình nhập lậu gia cầm bùng phát trở lại. Chỉ riêng ở chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín - Hà Nội), cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi nhận, bình quân mỗi ngày có 3-4 ô tô tải cỡ lớn (khoảng 20 tấn) chở gà thải loại nhập lậu đưa vào chợ này. Gia cầm nhập lậu chủ yếu qua cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh (90%) và Cao Bằng, sau đó được chuyển về Bắc Giang, Hà Nội. Không chỉ gà thải loại, gần đây còn xuất hiện khá nhiều đầu nậu nhập lậu gà giống, trứng vịt, ngan đã ấp gần đến ngày nở. Đặc biệt, đã xuất hiện một số doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh nhập khẩu (chính ngạch) gà thải loại từ Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: Không chỉ bây giờ mà trong những năm vừa qua, gà loại thải của Trung Quốc, Hàn Quốc nhập lậu về Việt Nam tương đối nhiều. Việc nhập gà loại thải mang lại nguồn lợi lớn cho các đối tượng vận chuyển, buôn bán vì bên Trung Quốc giá dưới 15.000 đồng/kg nhưng khi về Việt Nam được bán với giá 60.000 - 75.000/kg.

Có mặt tại một số chợ của Hà Nội như Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Cổ Nhuế (Từ Liêm) thấy, loại gà thải này được tiểu thương bày bán tràn lan. Khi hỏi đó là gà gì, tiểu thương khẳng định chắc nịch là “gà ta chuẩn” nhưng thực tế đều là gà loại thải nhập lậu.

Đại diện Ban quản lý chợ Hà Vỹ thừa nhận: “Từ khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tình hình gà nhập lậu có giảm. Tuy nhiên, người bán dùng thủ đoạn xé lẻ để tiêu thụ nên rất khó quản lý”.

Cũng theo ông Sơn, có một nghịch lý khó hiểu là, trong khi thị trường đang thừa gà, giá giảm mạnh thì nhiều tháng qua, lượng gà lậu lại ồ ạt đổ vào nội địa. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, những ngày đầu tháng 7, lực lượng quản lý thị trường đã bắt giữ 17 tấn gà lậu. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết, người Trung Quốc không ăn gà thải loại vì có tồn dư kháng sinh và nhiều chất độc hại. Từ đầu năm tới nay, Hà Nội đã chi hơn 1 tỉ đồng tiêu hủy gà nhập lậu. Tuy nhiên, nếu người buôn lậu lách luật đem về một tỉnh nào đó nuôi, sau đó xin giấy kiểm dịch và mang đi tiêu thụ thì rất khó kiểm soát”, ông Đăng nói.

Thẳng thắn chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS.Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do những yếu kém về mặt quản lý của các cơ quan chức năng. Vì theo quy định, động vật không có giấy kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vệ sinh thú y mới chỉ bị xử phạt hành chính. Chính vì vậy, sau khi bị thu hàng, nộp phạt, người bán lại tiếp tục vi phạm. Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết sản phẩm thịt gia cầm trên thị trường Hà Nội đều chưa có dấu kiểm dịch, các điểm bán thịt gà rất mất vệ sinh. Đây chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh tràn lan, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, trong khi lượng gà nhập lậu lại không thể kiểm soát nổi.

 

Ngăn chặn gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc

Việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm với số lượng khá lớn để tiêu thụ tại chợ Hà Vĩ (Hà Nội) và các địa phương khác là nguy cơ làm lây lan bệnh cúm gia cầm, ảnh hưởng xấu đến giá cả thị trường, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi trong nước.

Trước tình hình đó, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn chỉnh Đề án ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm...

Trong tháng 10/2012, TP. Hà Nội phải phê duyệt quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm; phối hợp với các bộ và địa phương liên quan có biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát về thú y tại chợ Hà Vĩ.

Đồng thời, TP. Hà Nội cần phối hợp, ký cam kết với 11 tỉnh xung quanh và các bộ Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Y tế, Công an về việc phân công, hướng dẫn cụ thể lực lượng kiểm tra, giám sát quản lý vận chuyển thịt gia súc, gia cầm từ các địa phương vào địa bàn Hà Nội trước ngày 15/12/2012.

Phó thủ tướng chỉ đạo các địa phương và các bộ, ngành liên quan phải yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắt đầu từ năm 2013 phải báo cáo HĐND cấp tỉnh tại các kỳ họp hàng năm về tình hình quy hoạch, quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ở địa phương...


Bài 3: Tiếp cận vốn, hành trình gian khó

 


Thành Vinh
Theo kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập434
  • Hôm nay48,063
  • Tháng hiện tại844,761
  • Tổng lượt truy cập90,908,154
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây