Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2017, cả nước đã thành lập trên 23.400 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Kiểm tra tại 625.060 cơ sở; phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, xử lý 32.579 cơ sở, trong đó 19.208 cơ sở bị phạt trên 61 tỷ đồng, 611 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, trên 5.000 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm.
Theo số liệu của Cục An toàn Thực phẩm tại Hội thảo “Hợp tác truyền thông an toàn thực phẩm” được tổ chức mới đây tại Hà Nội cho thấy, ở Việt Nam, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011 - 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn.
Theo chia sẻ của đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc đấu tranh với các hành vi, sai phạm trong an toàn thực phẩm còn nhiều gian nan, kéo dài. Bởi các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong khi người dân chưa mặn mà với việc phòng chống vi phạm an toàn thực phẩm, bởi họ cho rằng đó là việc của cơ quan chức năng và sợ liên luỵ.
Chất lượng cuộc sống ngày càng cao thì người tiêu dùng lại càng đòi hỏi nhiều hơn từ các loại thực phẩm họ ăn. Chính vì thế, việc lựa chọn thực phẩm an toàn được đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì nhận thức của người tiêu dùng về thực phẩm càng tăng, dẫn đến nhu cầu cao về thực phẩm sạch. Các sản phẩm thân thiện với môi trường được xem là một sự đầu tư mới mẻ, hiệu quả mà nhiều nước ứng dụng, nhằm mục tiêu tạo ra dòng sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe, vừa hạn chế tác động xấu đến môi trường.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện có tới hơn 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để mua được các sản phẩm có chứng nhận đảm bảo xanh, sạch và nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Thực phẩm sạch là nhu cầu thiết yếu trong xã hội, nhưng hiện nay, hoạt động cung cấp, phân phối được thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng vẫn còn khó; từ khâu vận chuyển đến bảo quản, dẫn đến chi phí cao. Hơn nữa, doanh nghiệp tham gia chương trình sạch cần có một “sân chơi” công bằng để yên tâm đầu tư, tránh họ phải mất thêm chi phí để “đấu lại” thực phẩm bẩn. Cần hình thành, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất cung ứng thực phẩm sạch một cách bài bản.
Thực tế, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được thực phẩm sạch, chỉ có điều họ băn khoăn vì không biết chắc thứ mình mua có “sạch” không, có tương xứng với số tiền mình phải bỏ ra, chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh có được như cam kết của nhà sản xuất hay không?
Theo các chuyên gia, trong khi chờ các cơ quan chức năng xử lý vấn đề an toàn thực phẩm, người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình, trước tiên là bằng việc tẩy chay hàng kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc; đồng thời mạnh dạn đấu tranh với những sản phẩm và địa chỉ “bẩn”. |
Nguồn: nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã