Việt Nam hiện có khoảng hơn 1 triệu ha trồng cao su, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, được trồng trên 2 nhóm đất là đất đỏ, đất xám; theo 2 mô hình đại điền và tiểu điền. Việc sử dụng phân bón đúng, đủ, phù hợp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác của loại cây công nghiệp được mệnh danh là “vàng trắng” này.
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển
Nông dân cạo mủ trên vườn cao su mới trồng. Ảnh: I.T
Cây cao su có tên khoa học là Hévéa brasiliensis thuộc họ Euphorbiaceae (họ thầu dầu). Chu kỳ sống của cây cao su được giới hạn 30 - 40 năm, được chia ra làm 2 thời kỳ:
Thời kỳ kiến thiết cơ bản: Thường từ 5 - 7 năm tùy theo điều kiện sinh thái và chế độ chăm sóc. Cuối thời gian này cây có chiều cao từ 8 – 10m, vanh thân ở vị trí cách đất 1m khoảng 50cm và tán cây đã che phủ hầu như toàn bộ diện tích.
Thời kỳ kinh doanh: Từ 25 - 30 năm tính từ lúc bắt đầu cạo mủ cho đến khi đốn hạ cây. Trong thời kỳ kinh doanh, cây vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm hơn so với thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Cây cao su được trồng trên 2 nhóm đất là đất đỏ, đất xám và theo 2 mô hình đại điền và tiểu điền. Cao su đại điền được trồng và chăm sóc, bón phân theo quy trình của Tập đoàn Cao su Việt Nam, còn diện tích cao su tiểu điền thì bón phân theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông hoặc các doanh nghiệp sản xuất phân bón chuyên dùng cho cao su.
Người dân kiểm tra chất lượng mủ cao su ở vườn mới cho khai thác. Ảnh: I.T
Ở nước ta, cây cao su được trồng nhiều ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trên các vùng đất đỏ bazan, đất xám, đất phiến thạch có tầng dày dễ thoát nước, có lượng mưa hàng năm từ 1.500-2.000mm. Ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10, mùa mưa cũng là thời kỳ cây cao su sinh trưởng phát triển mạnh nhất trong năm.
Về mùa mưa, nhu cầu dinh dưỡng của cây cao su tăng cao gấp rất nhiều lần. Các công trình nghiên cứu khoa học đều cho thấy năng suất chất lượng mủ của cây hầu hết được thu hoạch vào mùa mưa.
Hiện nay chu kỳ khai thác mủ cây cao su rút xuống còn 20 năm, nhờ có giống mới tiến bộ và áp dụng Khoa học kỹ thuật nên cho năng suất cao, sản lượng vẫn đạt 35-40 tấn/ha.
Theo nhiều nhà vườn trồng cao su ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ, sử dụng phân bón Lâm Thao đúng thời điểm, đúng liều lượng giúp cây cao su phát triển tốt, cây khỏe, lá xanh sáng vỏ thân nhẵn, ít mắt cua, sần sùi nhanh lành sẹo khi khai thác mủ, năng suất chất lượng vượt trội. |
Thời vụ trồng và cơ cấu cây trồng
Thời vụ trồng:
Khi đất đủ ẩm thì có thể bắt đầu trồng và trồng vào những ngày thời tiết thuận lợi. Thời vụ trồng ở Tây Nguyên từ ngày 1.5 đến 15.7 hàng năm, ở Đông Nam Bộ nên trồng từ 1.6 đến 31.7 hàng năm.
Mật độ trồng:
Tùy theo từng loại đất, địa hình mà bố trí các mật độ cây trồng cho phù hợp. Thông thường áp dụng 3 mật độ chính: 476; 555 và 571 cây/ha với khoảng cách tương ứng: 7 x 3m; 6 x 3m và 7 x 2,5m.
Xen canh:
Có thể trồng xen cây hoa màu, cây lương thực (như ngô) cây họ đậu giữa hàng cao su trong 3 năm đầu, để tận dụng đất và tăng thu nhập, kết hợp chống xói mòn và diệt cỏ dại. Chọn cây trồng xen thích hợp sao cho không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây cao su.
Bón phân NPK-S Lâm Thao cho cao su (kg/ha):
Mật độ trồng cao su trên đất đỏ có thể 555 cây/ha (hoặc 476 hoặc 571 cây/ha), còn trên đất xám 555 cây/ha.
Đối với diện tích trồng mới
Phân hữu cơ: 4.000 -5.000 kg/ha.
NPK –S*M1 5.10.3 - 8: 480 - 600kg/ha (hoặc lân nung chảy: 800 - 1.000kg + urê: 80 - 100kg/ha).
Giai đoạn kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh.
- Từ năm thứ 1 đến năm thứ 5:
+ Đầu mùa mưa: Bón NPK –S*M1 10.5.5- 9: 500 - 600kg/ha.
+ Cuối mùa mưa: Bón NPK –S*M1 10.5.5- 9: 500 - 600kg/ha.
+ Cách bón: Rạch đất theo tán lá cây, rải đều phân rồi lấp đất.
- Từ năm thứ 6 đến năm thứ 10:
+ Đầu mùa mưa: Bón NPK – S*M1 10.5.5- 9: 700 - 900kg/ha.
+ Cuối mùa mưa: Bón NPK- S*M1 10.5.5- 9: 600 - 800kg/ha.
+ Cách bón: Bón theo băng rộng cách gốc cao su 1m, sau khi làm sạch cỏ, xới sâu 5 - 8cm, rải đều phân rồi lấp đất.
- Từ năm thứ 11 đến năm thứ 25:
+ Đầu mùa mưa: Bón NPK- S*M1 10.5.5- 9: 1.000 - 1.200kg/ha.
+ Cuối mùa mưa: Bón NPK- S*M1 10.5.5- 9: 800 - 1.000kg/ha.
+ Cách bón: Bón theo băng rộng cách gốc cao su 1,5m, sau khi làm sạch cỏ, xới sâu 7 - 10cm, rải đều phân rồi lấp đất.
Khai thác vườn cao su thời kỳ kinh doanh:
Hiện nay chu kỳ khai thác mủ cây cao su rút xuống còn 20 năm, nhờ có giống mới tiến bộ và áp dụng khoa học kỹ thuật, bón phân hợp lý nên cho năng suất cao, sản lượng vẫn đạt 35-40 tấn/ha.
Khi hết thời kỳ đầu tư kiến thiết cơ bản nếu vườn cây có 70% số cây đạt vanh thân ở vị trí cách mặt đất 1m đạt 50cm trở lên, vỏ cạo dày hơn 6mm thì đưa vào khai thác lấy mủ, số cây còn lại mở bổ sung vào năm sau.
Vườn cao su khai thác chia làm ba nhóm cây:
Cây tơ/nhóm I: Từ năm cạo thứ nhất đến năm cạo thứ 10.
Cây trung niên/Nhóm II: Từ năm cạo thứ 11 đến năm cạo thứ 17.
Cây già/Nhóm III: Từ năm cạo thứ 18 đến năm cạo thứ 20.
Thời vụ cạo: Mở miệng cạo vào tháng 3-4 và tháng 10-11 trong năm. Nghỉ cạo vào mùa rụng lá tháng 1-2; ngừng cạo lúc lá bắt đầu nhú chân chim và tiến hành cạo lại khi cây đã có tán lá ổn định.
Tranh thủ củng cố vườn cây Theo ông Phan Thành Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam (RRIV), trong bối cảnh giá cao su chưa ổn định và đang ở mức thấp, bà con có thể tranh thủ củng cố lại, loại bỏ những vườn cây chất lượng kém, trồng không đúng quy trình kỹ thuật trước đây. “Cao su thời giá cao, nông dân tiểu điền ngày nào cũng cạo, đến thời điểm này nhiều vườn cây kiệt sức. So với lúc cao điểm, giá mủ cao su lên tới gần 90 triệu đồng/tấn thì hiện nay, giá bán mủ thấp, chỉ đạt 39-40 triệu đồng/tấn nhưng nếu so với các loại cây trồng dài ngày khác, nhất là suất đầu tư thì làm cao su vẫn có lợi nhuận”- ông Dũng nhận định. Để tránh trường hợp, lúc giá cao thì đua nhau trồng, còn khi mất giá bỏ mặc vườn cây, ông Dũng cho rằng trong điều kiện hiện nay, để giữ vườn cây lâu dài, người dân nên hạn chế suất đầu tư. Cao su là cây có sức đề kháng cao, do đó nếu giảm lượng phân bón thì cũng ít ảnh hưởng lớn đến việc sinh trưởng của cây. “Đối với vườn cây kiến thiết cơ bản, khi bà con hạn chế bón phân thì phải chú ý việc làm cỏ trên hàng cao su. Vườn cây trồng năm thứ nhất, năm thứ hai thì cày tủ bồn, giữ không cho cỏ phát triển. Vườn năm thứ ba trở đi, kiểm soát cỏ dại bằng thuốc diệt cỏ vào đầu mùa mưa và gần cuối mùa mưa” - ông Dũng khuyến cáo. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã