Gia đình ông Trần Hậu Bình (thôn Kim Sơn) đã trồng chè ở vùng đồi xã Bắc Sơn được gần 30 năm, đến nay ông đã có gần 1 ha. Hằng ngày, chè được ông Bình thu hái vào sáng sớm và chiều muộn để kịp cho thương lái đưa đi các chợ, trung bình mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch từ 50 – 100 kg chè xanh.
“Nhờ chất lượng tốt nên chè của xã Bắc Sơn được nhiều người ưa chuộng, hái được bao nhiêu đều được thương lái từ nhiều nơi như thị trấn Cày, TP Hà Tĩnh, Thạch Vĩnh … đến mua tận vườn với giá từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Tính ra mỗi ngày, gia đình tôi có thể thu được 400 - 500 nghìn từ vườn chè”, ông Bình chia sẻ.
Qua quá trình phát triển, nhận thấy hiệu quả cao từ trồng chè, nhiều gia đình tại thôn Kim Sơn cũng đang từng bước mở rộng diện tích. Từ 4 sào chè trong vườn lúc bắt đầu, đến nay, chị Trần Thị Lam đã có hơn 1 ha, thậm chí, chị còn thuê thêm đất của gia đình bên cạnh.
Khu vườn đồi toàn cây dại của gia đình trước đây nay đã được phủ kín bởi màu xanh của chè, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.
Chị Lam chia sẻ : “Tính ra, trồng chè không vất vả bằng trồng các cây khác vì cần 2 - 3 người làm việc bởi cây chè vốn không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần bón phân 1-2 lần trong năm, sau đó tiến hành tấp rơm rạ, lá cây… để che gốc, đảm bảo độ ẩm cho cây là có thể thu hái thường xuyên. Mùa hè thì cần bổ sung thêm nước để cây không bị cháy nắng ”.
Những ngày cao điểm, gia đình chị Lam bán gần 2 tạ chè, lúc giá cao có thể thu về gần 1,2 triệu đồng/ngày.
Trưởng thôn Kim Sơn Đào Viết Thái cho biết: “Hiện toàn thôn Kim Sơn có khoảng 100 hộ trồng chè trên diện tích gần 25 ha. Nhiều hộ trở nên khấm khá nhờ đầu tư mở rộng diện tích, số khác có thêm một phần thu nhập để trang trải cuộc sống".
Theo các hộ dân, chè trồng tại vùng này lá nhỏ, vị không quá chát, khi nấu nước lại có màu xanh vàng đẹp mắt nên được rất nhiều khách hàng ưa thích. Qua quá trình phát triển, cho thấy vùng đất đồi xã Bắc Sơn rất thích hợp cho cây chè sinh trưởng, chất lượng chè luôn ổn định qua các năm.
Trước đây, do chưa có chủ trương phát triển loại cây này, hơn nữa, thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ, người dân hầu hết đều phải tất bật mang đi các vùng lân cận để bán nên ít người mặn mà, chủ yếu được trồng ngay tại vườn nhà hoặc nhận đất đồi để trồng với quy mô nhỏ. Khi nhu cầu của khách hàng tăng lên, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích. Thương lái từ các vùng như Thạch Trung, TP Hà Tĩnh... đến thu mua tận vườn.
"Đến nay, toàn xã đã có gần 200 hộ trồng chè trên diện tích hơn 65 ha, chủ yếu tập trung ở thôn Kim Sơn, Xuân Sơn… Tuy nhiên, cái khó của xã hiện nay là thiếu đầu tư, quy hoạch để phát triển cây chè theo hướng hàng hóa, tận dụng quỹ đất sẵn có của địa phương. Dù xã có chủ trương phát triển nhưng mô hình sản xuất vẫn chỉ dừng lại ở sự tự phát của người dân” - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Bùi Công Thư cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã